“Lần này cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm toàn diện hơn để phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Sở dĩ cần tập trung hơn vào nội dung này, vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm dễ gặp rủi ro, tổn thất và có những gian lận, sai sót…”, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nhìn nhận như vậy tại Hội thảo ''Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)", do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, theo Văn phòng Quốc hội.

Từ nhìn nhận những rủi ro, tổn thất như vậy, ông Thanh cho rằng, cần có những biện pháp tốt hơn để đề phòng tổn thất như áp dụng các biện pháp về: tài chính, kiểm tra, kiểm soát, nhân lực, đặc biệt là cần nhận diện đầy đủ những tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm để hạn chế những tổn thất đối với nền kinh tế, với xã hội mà hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể gây ra. Cũng cần quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của tổ chức nghề nghiệp bảo hiểm.

Lắm rủi ro với kinh doanh bảo hiểm
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh, ngành bảo hiểm còn yếu trong quản trị rủi ro. Ảnh: Quốc hội

Ở một khía cạnh có liên quan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, quản trị rủi ro là vấn đề còn yếu trong ngành bảo hiểm, do đó nên có giải pháp khắc phục. Cần hình thành quỹ phòng ngừa rủi ro và xem xét kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến vấn đề này, góp phần tạo điều kiện và môi trường để ngành kinh doanh bảo hiểm phát triển bền vững.

Lắm rủi ro với kinh doanh bảo hiểm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt

Sau 20 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: sự thiếu thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; chưa theo kịp các thông lệ quốc tế...

“Cần tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của bảo hiểm thương mại và phải ấn định thời gian hoàn thành vấn đề này. Vì hiện công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu bảo hiểm còn phân tán và manh mún, không có đầu mối tập trung. Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, của hiệp hội ngành nghề như thế nào và đánh giá tác động của vấn đề này…”, ông Sinh đề xuất.

Liên quan đến quy định về các hành vi nghiêm cấm tại dự thảo, ông Thanh đề xuất cần quy định thật rõ, cụ thể và đầy đủ các hành vi bị cấm trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của các đối tượng tham gia trong hoạt động bảo hiểm, đặc biệt là cần quan tâm không chỉ hành vi của doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm, mà cả hành vi của người môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, cộng tác viên…

Ở góc nhìn của người trong cuộc, Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga, Trưởng phòng Pháp chế và Tuân thủ, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định chi tiết hơn và điều chỉnh cụ thể về doanh nghiệp tái bảo hiểm. Dự thảo Luật đã bỏ khái niệm “bảo hiểm tử kỳ”, trong khi đó trường hợp kinh doanh sản phẩm tử kỳ có thời hạn dài hơn 1 năm thì doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe có phải trích lập dự phòng và tính yêu cầu về khả năng thanh toán tương tự như doanh nghiệp nhân thọ hay không? Vì thế, đề nghị cân nhắc loại bỏ khỏi Dự thảo nội dung quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 67.

Lắm rủi ro với kinh doanh bảo hiểm
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, dự thảo Luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp dự kiến diễn ra vào ngày 13/9 tới. Ảnh: Quốc hội

Trên cơ sở các góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Viện tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tài liệu để gửi các vị đại biểu và các cơ quan chức năng liên quan, khi dự thảo Luật được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3, dự kiến diễn ra vào ngày 13/9 tới./.