Làm sao để khai thác hiệu quả thị trường thương mại trong nước?
Yêu cầu từ thực tiễn
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2006-2015, thương mại trong nước có tốc độ phát triển nhanh và liên tục. Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 2 con số, từ 596,2 nghìn tỷ đồng năm 2005 lên 3.186,67 nghìn tỷ đồng năm 2015, đóng góp trên 10% trong tổng sản phẩm quốc nội; hạ tầng thương mại nhanh chóng được cải thiện, nhất là hệ thống bán lẻ hiện đại… Thương mại trong nước cũng thực hiện tốt vai trò kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng, thương mại trong nước đang đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là: doanh nghiệp FDI tham gia thương mại trong nước góp phần tổ chức lại thị trường nhưng sẽ tạo va chạm lợi ích với doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để vừa thực hiện cam kết, vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, khi phát triển hình thức thương mại hiện đại sẽ xung đột với thương mại truyền thống nên chính sách hỗ trợ nâng cấp chợ truyền thống, hộ kinh doanh cá thể như thế nào cũng cần tính đến.
Ở góc độ chính sách, không có rào cản nào đối với các nhà bán lẻ trên thị trường, tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn khác. Doanh nghiệp bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn, như: thiếu mặt bằng, chất lượng nguồn lao động thấp, thiếu vốn, logistics và cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém khiến tăng giá thành, lãng phí nguồn lực…
Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 đạt hơn 11 triệu tỷ đồng và lên đến gần 44 triệu tỷ đồng cho năm 2035.
Thương mại trong nước được ví như mỏ vàng chưa được khai thác hiệu quả
Theo Chiến lược, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, GDP lĩnh vực thương mại trong nước (theo đánh giá so sánh năm 2010) đến 2020 đạt trên 419 nghìn tỷ đồng, năm 2025 đạt trên 700 nghìn tỷ đồng; đóng góp khoảng 15,5% vào GDP đến năm 2025.
Tốc độ tăng bình quân hằng năm (chưa loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt 14%/năm. Đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 5,8 triệu tỷ đồng, năm 2025 đạt khoản hơn 11 triệu tỷ đồng.
Khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 80% mức bán lẻ hàng hóa, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 20% đến năm 2020 và 70% đến năm 2025. Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2020 đạt 30% tương đương khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 35%, tương đương gần 3,8 triệu tỷ đồng và đến năm 2035 đạt khoảng 50%, tương đương khoảng 22 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, sẽ phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác, như sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại; đồng thời phát triển thương mại điện tử, phấn đấu đạt trên 60% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử.
Cùng với đó, hệ thống thương mại đô thị được hoàn thiện tương đương với các nước thuộc ASEAN4. Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, phấn đấu 80%-90% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thương mại điện tử.
3 phương án tăng trưởng ngành thương mại
Chiến lược phát triển thương mại trong nước trong giai đoạn tới đây, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở số liệu quá khứ (giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP thương mại - giá so sánh 2010 đạt 9,05%/năm) và đánh giá xu thế phát triển trong nước và thế giới, dự báo GDP ngành thương mại trong những năm tới theo 3 phương án.
Phương án 1: phù hợp với chi tiêu kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thương mại đối với nội dung phát triển thị trường trong nước, ban hành theo Quyết định số 3029, theo đó, đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của cả nền kinh tế đến năm 2015 chiếm khoảng 14%, tới năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 14,5%-15%, và tới năm 2030 là khoảng 15,5%-16%.
Phương án 2: dựa trên giả định tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn chứa đựng nhiều bất ổn tác động mạnh đến triển vọng phát triển thương mại và tiêu dùng trong nước trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 9,5%/năm; ngành thương mại tăng tốc ở giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài tác động tích cực tới thương mại trong nước.
Phương án 3: dựa trên giả định tác động bất lợi ít hơn so với phương án 2 và các hiệp định FTA thế hệ mới (EVFTA) sớm có hiệu lực và tác động ngay trong giai đoạn 2016-2020; đồng thời, thương mại trong nước sẽ phát triển mạnh nhờ các giải pháp về tăng trưởng kinh tế, đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu thương mại trong nước chiếm khoảng 15% trong tổng GDP.
Bộ Công Thương cho biết, căn cứ vào đánh giá thực trạng, bối cảnh trong và ngoài nước, nên phương án lựa chọn là phương án 2./.
Bình luận