Lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo
Cần cương quyết xử lý quy hoạch treo
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn hecta đất bỏ hoang, do chưa triển khai được quy hoạch, trong khi có hàng chục nghìn hộ gia đình không có đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) trăn trở trong phiên Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, diễn ra chiều nay (ngày 2/6), theo Văn phòng Quốc hội.
Trước thực trạng trên, ông Hận đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng triển khai hoặc cố tình kéo dài dự án…
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) tình trạng phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích…, gây lãng phí nguồn lực đất đai (ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, theo báo cáo, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 có kết quả đáng ghi nhận, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Tuy nhiên, cần có sự phân tích kỹ lưỡng chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản không. Cần hiểu đúng việc tinh giản biên chế không phải là tiết kiệm về số lượng, mà là dùng đúng người, đúng việc theo yêu cầu vị trí việc làm, cần trao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vấn đề này. |
Cùng mối quan tâm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích…, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
“Đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường, khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất, nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn, nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công…”, ông Tạo đề xuất.
Ông cũng cho rằng, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh, quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng, thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều vi phạm Kiểm toán Nhà nước chỉ nêu chung chung...
“Thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý ngân sách nhà nước không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chính kiến rõ ràng trong việc xử lý các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không đúng quy định (ảnh: Quốc hội) |
Bà Hà phân tích, báo cáo kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được tổng hợp từ 234 báo cáo kiểm toán và từ 177 kiểm toán đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 cho thấy, có rất nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, còn nhiều vi phạm Kiểm toán Nhà nước chỉ nêu chung chung, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý, điều chỉnh ngay và không rõ có phải điều chỉnh quyết toán ngân sách nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương không, dẫn đến nhiều sai phạm, vi phạm kéo dài nhiều năm…
Để khắc phục các tồn tại trên, bà Hà đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chính kiến rõ ràng trong việc xử lý các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không đúng quy định, để các bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh các khoản sai phạm, vi phạm, tránh đưa vào kết luận, kiến nghị, sau đó chậm được thực hiện, gây thất thu, lãng phí nguồn lực.
“Việc xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước, chưa được xử lý dứt điểm cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực, cần có giải pháp khắc phục...”, bà Hà đề xuất./.
Bình luận