Lãnh đạo TP. Hà Nội cơ bản thống nhất việc đặt ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm
Theo đó, lãnh đạo TP. Hà Nội cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).
Tuyến đường sắt dài 11,5 km đi qua hồ Hoàn Kiếm có tổng đầu tư khoảng 131 tỷ Yên Nhật từ nguồn vốn ODA
UBND Thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để thống nhất giải pháp kết hợp việc triển khai dự án ga ngầm C9 với việc thực hiện quy hoạch tại khu vực trụ sở các tổng công ty nêu trên, đảm bảo tính kết nối, sự đồng bộ, hài hòa và nâng cao hiệu quả của các dự án.
Trên cơ sở đó, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất báo cáo trước ngày 10/09/2016 để UBND Thành phố mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai. Đây là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm Thành phố.
Giai đoạn 1 của tuyến 2 (tổng chiều dài 11,5km) đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Hệ thống nhà ga gồm: 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9km).
Tuyến đường sắt số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) có điểm đầu của tuyến xuất phát tại Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Toàn tuyến có 10 nhà ga (3 ga trên cao và 7 ga ngầm).
Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km (trong đó có 8,5 km đi ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận). Tổng đầu tư của dự án khoảng 131 tỷ Yên Nhật, tương đương 19.556 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Dự kiến, năm 2017, đoàn tàu sẽ có 4 toa và sang giai đoạn 2 (sau năm 2017) sẽ tăng lên 6 toa.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị Hà Nội nghiên cứu thêm vị trí đặt các lối lên xuống nhà ga, vì chưa nhận được ý kiến đồng tình của một số chuyên gia, trong đó có các thành viên thuộc Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, vị trí các lối lên xuống trong bản quy hoạch hiện tại thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt (Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn) vốn là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân.
Năm 2013, đã có dư luận trái chiều khi Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 trước Tổng công ty điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng./.
Bình luận