Giai đoạn 2005-2019 là giai đoạn mà Việt Nam trở thành điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng là giai đoạn Việt Nam tăng cường mở rộng kinh tế đối ngoại thông qua các hiệp ước thương mại với các tổ chức, quốc gia, cộng đồng. Xu hướng này ngày càng tăng về đầu mối và hiệu quả. Vì thế, xu hướng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng càng ngày càng tăng lên như hệ quả tất yếu. Để hiểu về xu thế này, cần phải có thông tin thống kê từ các hình thức thu thập thông tin thống kê hiện hành. Cả ba hình thức thu thập thông tin thống kê, bao gồm: “Điều tra thống kê”; “Chế độ báo cáo thống kê” và “Khai thác hồ sơ hành chính” đều đã được các cơ quan thống kê ở nước ta sử dụng vào sản xuất và công bố thông tin thống kê về tình hình lao động nước ngoài (LĐNN) ở Việt Nam. Kết quả cụ thể như sau:

  1. Về số lượng lao động
Lao động nước ngoài ở Việt Nam: Cần thêm giải pháp thống kê mới

TS. Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Lực lượng lao động nước ngoài đã góp phần tạo ra lượng giá trị gia tăng ngày càng lớn, thu hút và dẫn dắt lao động nội địa cùng phát triển hơn về chất lượng lao động ở nước ta.

Nếu năm 2005 mới có 12 nghìn người, thì năm 2010 là 55,4 nghìn người; năm 2015 lên tới 83,6 nghìn người và năm 2019 đã là 117,8 nghìn người. Số lao động nước ngoài năm 2015 gấp 6,6 lần so với năm 2005 (tương đương bình quân năm tăng là 18,0%). Sau 15 năm, năm 2019 tăng so với năm 2005 gấp gần 10 lần và so với năm 2015 gấp 1,4 lần. Người LĐNN đã đóng góp một nguồn lao động chất lượng cao, ngày càng nhiều về lượng và càng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại của kinh tế Việt Nam.

Đến hết năm 2019, LĐNN tập trung đông nhất ở vùng Đông Nam bộ với 54,6 nghìn người, trong đó TP. Hồ Chí Minh 16,1 nghìn người; cao nhất cả nước là Bình Dương thu hút 21,6 nghìn người LĐNN. Tiếp theo, khu vực Đồng bằng sông Hồng thu hút 35,4 nghìn người LĐNN, trong đó cao nhất là Hà Nội với 10,7 nghìn người. LĐNN ở vùng Tây Nguyên là thấp nhất, chỉ có 425 người và tỉnh Kom Tum cũng chỉ có 12 LĐNN đến làm việc. Mật độ tập trung LĐNN trên từng vùng, từng lãnh thổ cao hay thấp là do việc hình thành nhiều hay ít các khu công nghiệp, hoặc là nơi đô thị lớn hay nhỏ phát triển. Năm 2015, LĐNN tập trung tại TP. Hồ Chí Minh là cao nhất, với 20,4 nghìn người, nhưng đến năm 2019 tỉnh Bình Dương mới là tỉnh thu hút LĐNN cao nhất cả nước (21,6 nghìn người). Nếu năm 2015, vùng Tây Nguyên chỉ tập trung 438 người, trong đó tỉnh Kom Tum chỉ có 8 người thì sau gần 5 năm, số lượng LĐNN đến đây hầu như ít thay đổi.

ii) Về giới tính và độ tuổi

Tỷ lệ nam giới trong LĐNN vào Việt Nam chiếm đại đa số, năm 2015 là gần 90%, tuổi tác của lao động chủ yếu trên 30 tuổi chiến 86%. Đến hết năm 2019 thì tỷ lệ nam giới chiếm 83,1% và tỷ lệ trên 30 tuổi chiếm 86,6% trong tổng số LĐNN ở Việt Nam. Như vậy, cơ cấu lao động nước ngoài ở Việt Nam có xu hướng cân bằng hơn giới.

iii) Về quốc tịch

Tương ứng với tổng số vốn đầu tư hoặc số lượng giấy phép đầu tư nước ngoài được cấp vào Việt Nam là số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động vào Việt Nam làm việc. Năm 2015 trong tổng số 83,6 nghìn người lao động thì số lao động đến từ châu Á luôn chiếm hàng đầu. Cụ thể, lao động có quốc tịch Trung Quốc là 31%; quốc tịch Hàn Quốc là 18%; Nhật Bản 17%; Đài Loan (Trung Quốc) 13%... Tiếp đó là lao động của các nước có quốc tịch châu Âu, Mỹ… Cuối năm 2019, LĐNN có quốc tịch Trung Quốc chiếm 19,4%; Hàn Quốc là 18,3%; Đài Loan (Trung Quốc) là 12,9%; Nhật Bản là 9,5% và lao động đến từ các quốc gia khác là 39,9%.

Một xu hướng đáng chú ý khác là những năm gần đây lao động phổ thông, không nghề đến Việt Nam làm việc càng ngày càng nhiều theo các dự án trúng thầu tại Việt Nam và điển hình là đến từ Trung Quốc.

Năm 2019, tổng số lao động là người Việt Nam là 55.770 nghìn người, LĐNN ở Việt Nam là 117,8 nghìn người có quốc tịch nước ngoài. Như vậy, tổng số lao động lao động trên lãnh thổ Việt Nam là 55.877,8 nghìn người, trong đó lao động không có quốc tịch Việt Nam chiếm khoảng 0,21%. Tỷ trọng lao động có quốc tịch theo quốc gia thường tỷ lệ thuận với qui mô vốn, số dự án được cấp phép đầu tư vào Việt Nam.

iv) Chuyên môn, kỹ thuật và vị trí việc làm

LĐNN vào Việt Nam có chuyên môn - kỹ thuật và vị trí việc làm có thay đổi, cải thiện nhiều trong gần 15 năm qua (từ năm 2005-2019). Năm 2015, có 54% LĐNN có bằng đại học và trên đại học; 38,6% có chứng chỉ nghề và 7,4% là nghệ nhân ngành truyền thống. Có gần 35,5% LĐNN giữ vị trí quản lý, 46% là chuyên gia kỹ thuật, còn lại 30,1% làm công việc khác. Năm 2019 tỷ lệ về chuyên môn là: 12,0% giữ vị trí quản lý; 9,0% là giám đốc điều hành; 56,0% là chuyên gia kỹ thuật; 21,7% làm công việc khác.

Lao động nước ngoài ở Việt Nam: Cần thêm giải pháp thống kê mới
Tỷ lệ chuyên gia kỹ thuật đến làm việc tại Việt Nam tăng từ 46% năm 2015 lên 56% năm 2019

Như vậy, nhìn trong quá trình 5 năm có thể thấy, tỷ lệ vị trí việc làm quản lý giảm từ 35,5% năm 2015 xuống chỉ còn 12% vào năm 2019. Các vị trí quản lý này đã được người Việt Nam thay thế dần. Còn tỷ lệ chuyên gia kỹ thuật thì ngược lại, tăng từ 46% năm 2015 lên 56% năm 2019. Chuyên gia kỹ thuật nước ngoài thường là người được đào tạo theo hướng chuyên sâu, có kinh nghiệm, có kỹ năng thực hành công việc. Đồng thời họ có hiểu biết và kỹ năng vượt trội đồng nghiệp nên đã và đang có tác động tích cực trong chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, phong cách lao động của nền sản xuất lớn và hiện đại cho lao động nội địa. Về chất lượng, LĐNN vào Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý hàng đầu thế giới hoặc châu lục đến Việt Nam.

v) Tình trạng cấp phép hoạt động

Nếu như năm 2015 có 93% LĐNN vào Việt Nam làm việc được cấp giấy phép lao động và 7% lao động chưa được cấp giấy phép do chưa đủ điều kiện của pháp luật Việt Nam quy định (bao gồm lao động phổ thông và lưu trú quá hạn) thì năm 2019 tỷ lệ này cũng khác đi, với 93,6% được cấp giấy phép lao động.

vi) Lao động nước ngoài trong ngành kinh tế

LĐNN vào Việt Nam làm việc ở hầu hết các ngành kinh tế cấp 1. Năm 2015, các ngành thu hút vào làm việc nhiều nhất là xây dựng 20,8%, tiếp đến là ngành dịch vụ (khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế) là 20,2%, ngành chế biến chế tạo (sản xuất) là 14,2%. LĐNN làm việc trong ngành vận tải là ít nhất 1,3%.

Từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp lớn nước ngoài vào Việt Nam tăng lên cả về số lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động trong các ngành kinh tế. Nhiều “đại bàng” đến Việt Nam “làm tổ” như: Samsung, Formura, Toyota, Honda, Cannon… Dòng chảy này kéo theo LĐNN làm việc tại các ngành kinh tế cũng có sự biến đổi, cơ cấu lao động thay đổi nhiều trong giai đoạn 2015-2019. LĐNN tạo nên số lượng sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với người dùng và hiện đại ngày càng nhiều lên.

Các thông tin thống kê LĐNN ở Việt Nam trong giai đoạn 2005-2019 cho thấy “một bức tranh tương đối đủ màu sắc” và khá chân thực về LĐNN ở Việt Nam trong gần 15 năm qua. Tóm lược ở 2 điểm chính: (1) Số lao động vào Việt Nam ngày càng tăng, chất lượng lao động ngày càng tốt hơn ở tất cả các ngành kinh tế mà họ tham gia (2) Lực lượng lao động này đã góp phần tạo ra lượng giá trị gia tăng ngày càng lớn, lôi kéo và dẫn dắt lao động nội địa cùng phát triển hơn về chất lượng lao động ở nước ta.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, một bộ phận trong lực lượng LĐNN đã gây ra không ít khó khăn, hệ lụy trong quản lý thị trường cấp giấy phép lao động, làm không đúng vị trí, trình độ lao động như giấy phép được cấp, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật… Thông tin thống kê về việc làm, thu nhập và đời sống của LĐNN vẫn chưa được thu thập đầy đủ.

Để có thông tin đầy đủ, chân thực hơn về tình hình LĐNN ở Việt Nam, trong giai đoạn tiếp theo các cơ quan thống kê được Chính phủ giao cho việc thống kê lao động nên chăng nghiên cứu và thực hiện tốt hai công việc thống kê sau:

Thứ nhất, cần xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về lao động, việc làm;

Thứ hai, cần bổ sung LĐNN ở Việt Nam là đối tượng của cuộc điều tra lao động việc làm hàng tháng do Tổng cục Thống kê chủ trì./.