Cách làm quy hoạch hiện nay đã lỗi thời

Trong buối trao đổi với báo chi xung quanh về việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch chuẩn bị trình ra Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới, ông Nguyễn Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam đã qua hơn 30 năm đổi mới, nhưng mà phương pháp lập quy hoạch thì chưa được đổi mới. Chính vì thế nên nó dẫn đến có những loại quy hoạch không còn phù hợp với cơ chế thị trường, nhất là các quy hoạch về sản phẩm (như quy hoạch chăn nuôi lợn, quy hoạch karaoke...). Cách lập quy hoạch mạnh ngành nào ngành đấy làm dẫn đến xung đột, lãng phí. Ông Các cho biết, trong gần 20.000 bản quy hoạch các cấp hiện nay, rất nhiều bản quy hoạch không bao giờ được thực hiện.

Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch nhấn mạnh, hầu hết các quốc gia hiện nay đã đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp đa ngành là chủ yếu. Sự tích hợp đa ngành này nhằm giải quyết xung đột ngày càng lớn về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia.


Ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch

Trong khi đó, phương pháp và nội dung lập quy hoạch của Việt Nam hiện nay vẫn được thực hiện theo phương pháp cũ, các quy hoạch được lập riêng rẽ (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực… được lập ra một cách độc lập) nên chưa phát huy được hiệu quả của quy hoạch tổng thể.

Với cách làm trước đây, những quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chỉ nặng về xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu mà không quan tâm tới tổ chức không gian phát triển. Trong khi đó, các quy hoạch xây dựng lại quan tâm tới tổ chức không gian phát triển nhưng không xác định phát triển ở đâu, như thế nào trên quan điểm các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy mà hai hệ thống quy hoạch này không ăn nhập với nhau. Luật Quy hoạch nếu thông qua sẽ giúp quy hoạch không gian lãnh thổ, chứ không chỉ dừng ở các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển như trước đây.

Ông Vũ Quang Các cho biết, giải pháp được đưa ra trong bản dự thảo mới lần này là khung pháp luật và thể chế về quy hoạch cần được xây dựng thống nhất, có hệ thống, nhất quán, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp nhằm tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân, cộng đồng đối với quá trình thực thi quy hoạch.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo hướng đa ngành trên cơ sở tích hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng tài nguyên. Phạm vi và nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia phải xác định những định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia và liên vùng.

Các quy hoạch đô thị sẽ không chịu tác động

Luật Quy hoạch trong quá trình xây dựng dự thảo gặp rất nhiều sức ép bởi tác động tới tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, có nghĩa là tác động tới các bộ, ngành là chính. Ông Các cho biết, chính vì vậy nên khi xây dựng luật này thì cơ quan soạn thảo đặt ra mục tiêu phải làm sao phải đạt được sự đồng thuận để các bộ, ngành, địa phương hiểu được vấn đề này. Chính vì vậy, đây cũng là luật đầu tiên mà cơ quan chủ trì soạn thảo xuống tận các bộ, ngành (12 bộ, ngành) làm việc trực tiếp. Qua các buổi làm việc đó khi phân tích vấn đề thì hầu như đều nhận được sự đồng thuận cần thiết phải có Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên cũng còn có những ý kiến chưa thật sự đồng tình. Như việc, Bộ Xây dựng vẫn luôn bày tỏ lo ngại Luật Quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng đến 13.000 bản quy hoạch xây dựng đã có, gây lãng phí.

Trước ý kiến này, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch cho biết rõ thêm, cơ quan soạn thảo có phân định rõ ràng các nội dung của quy hoạch xây dựng vùng, vùng liên huyện, liên tỉnh sẽ được tích hợp trong các quy hoạch vùng và tỉnh. Còn các quy hoạch đô thị là quy hoạch đặc thù trong 13.000 bản quy hoạch đó. Ví dụ quy hoạch chi tiết đô thị, phân khu đô thị, thì sẽ vẫn giữ nguyên và được điều chỉnh trong Luật Quản lý đô thị, không bị đụng chạm đến trong Luật Quy hoạch. Theo tham khảo của cơ quan soạn thảo, tất cả các nước cũng đều có 2 loại quy hoạch là quy hoạch không gian lãnh thổ và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Tóm lại, 13.000 bản quy hoạch xây dựng đó không chịu tác động của Luật Quy hoạch.

Hơn nữa, Điều 69 của Luật Quy hoạch quy định những nội dung quy hoạch phù hợp sẽ được kế thừa trong quy hoạch chung sau này. Như vậy, vấn đề Bộ Xây dựng nêu đã được giải quyết.

Mục tiêu hiệu quả được đặt lên hàng đầu

Hiện nay, ngân sách nhà nước đang phải tiêu hơn 8.000 tỷ đồng cho gần 20.000 quy hoạch của các cấp ngành. Luật Quy hoạch nếu ra đời sẽ giảm hơn 40% số lượng quy hoạch, kỳ vọng sẽ tiết kiệm cho ngân sách. Song, ông Vũ Quang Các cho rằng, mục tiêu hàng đầu của Luật Quy hoạch không chỉ là số tiền tiết kiệm được giảm mà quan trọng hơn đó là sự nghiệp phát triển của đất nước.

Ông Các nói: "Chúng tôi không đặt vấn đề tiết kiệm tiền để làm mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi đặt vấn đề hiệu quả là chính. Chúng ta có thể bỏ nhiều tiền hơn để làm một bản quy hoạch so với giá hiện nay. Nhưng bản quy hoạch đó thực sự phục vụ cho mục tiêu phát triển. Còn trong gần 20.000 bản quy hoạch hiện nay, rất nhiều bản quy hoạch không bao giờ được thực hiện, vì nó không rõ đối tượng quản lý, không rõ về các hiệu quả. Nó không những cản trở về quản lý còn cản trở về đầu tư. Mục tiêu làm thế nào để chi phí đó có hiệu quả".

Cách làm quy hoạch mới, tư duy mới có thể đắt hơn. Ông Các nêu ví dụ, thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều tỉnh thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển như Quảng Ninh, Hà Tĩnh lập quy hoạch gần 60 tỷ đồng, đắt hơn trong nước hàng mấy chục lần. Nếu theo đơn giá của Việt Nam chỉ khoảng 3 - 4 tỷ đồng cho 1 quy hoạch. Con số này rõ ràng đắt hơn, nhưng lại giá trị hơn, giúp cho địa phương phát triển, tính hiệu quả của quy hoạch đó là thiết thực thì lợi ích đem lại chắc chắn sẽ lớn hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Quy hoạch nếu được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống, sẽ giảm số quy hoạch xuống chỉ còn 11.400 quy hoạch các cấp (giảm khoảng 8.400 quy hoạch, tương ứng 43% số lượng quy hoạch). Trong đó, số quy hoạch ở cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch. Quy hoạch ở cấp vùng giảm từ 76 còn 6 quy hoạch và quy hoạch ở cấp tỉnh giảm từ 3.308 quy hoạch xuống còn 63 quy hoạch. Đồng thời, loại bỏ 708 quy hoạch tổng thể ở cấp huyện do được tích hợp vào quy hoạch tỉnh./.