Từ khóa: ngân hàng đầu tư xanh, ngân hàng xanh, tăng trưởng xanh.

Summary:

The article outlines the concept and role of green investment bank - (GIB), analyzes the establishment and implementation of the GIB in a number of countries around the world, thereby providing the lessons and experience as well suggesting the research ideas to build a GIB model in Vietnam to promote green investment activities towards achieving the green growth target.

Keywords: green investment bank, green bank, green growth.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào cuối thế kỷ này, các chính phủ cần tận dụng hết khả năng của mình để tận dụng và thu hút các dòng đầu tư tư nhân lớn vào cơ sở hạ tầng carbon thấp. GIB có thể giúp đẩy nhanh việc chuyển sang đầu tư carbon thấp ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Có nhiều bài học được rút ra khi xem xét các GIB cấp quốc gia và địa phương tại Anh, Úc và Mỹ bao gồm cơ cấu tổ chức, vốn hóa và tài trợ, phạm vi hoạt động, các loại sản phẩm và dịch vụ tài trợ cũng như các chỉ số thành công. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu thành lập và vận hành GIB, có thể học hỏi những kinh nghiệm này để xây dựng các mô hình phù hợp nhất với hoàn cảnh quốc gia/địa phương và cơ hội sử dụng quỹ công để tận dụng lượng vốn tư nhân cho quá trình chuyển đổi, giảm thiểu carbon thấp.

KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA GIB

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2015), ngân hàng đầu tư xanh – (Green Investment Bank - GIB) là một tổ chức có vốn đầu tư công được thành lập đặc biệt để tạo điều kiện và thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng carbon thấp (LCR) trong nước và các lĩnh vực xanh khác, như: quản lý nước, chất thải… thông qua các biện pháp can thiệp khác nhau.

Các chính phủ đã thành lập các GIB với nhiều nhiệm vụ chiến lược khác nhau để giải quyết các rào cản đầu tư vào lĩnh vực xanh và nhằm đáp ứng các mục tiêu của quốc gia và địa phương. GIB là các tổ chức tài chính có mục đích công dành riêng cho đầu tư xanh, được thiết kế và vận hành nhằm tối đa hóa tổng đầu tư trên cơ sở sử dụng quỹ công hạn chế để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng sạch. Sự ra đời của GIB không thay thế hoặc “lấn át” các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư tư nhân, mà nhằm mục đích “thu hút” vốn tư nhân, lấp đầy khoảng trống thị trường đầu tư xanh. Bằng cách sử dụng các giải pháp tài chính sáng tạo, các kỹ thuật giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ giao dịch, cũng như kiến thức chuyên môn về địa phương và thị trường, GIB đang chuyển hướng đầu tư tư nhân, bao gồm cả từ các nhà đầu tư tổ chức, vào các dự án carbon thấp. Hầu hết các GIB tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng nhưng một số tổ chức có mục tiêu ở các lĩnh vực rộng lớn hơn, chẳng hạn như: đổi mới, khả năng phục hồi hoặc các thành phố bền vững. Các GIB có thể hoạt động như các tổ chức tài chính bán buôn hoặc bán lẻ, hoặc cả 2 bằng cách sử dụng nhiều công cụ và quỹ, bao gồm: các khoản cho vay, đầu tư vốn cổ phần, quỹ đầu tư, tài trợ dựa trên trái phiếu... GIB có thể tài trợ trực tiếp cho các dự án xanh hoặc có thể làm đầu mối cung cấp vốn cho các đơn vị bán lẻ (các đối tác đầu tư như hệ thống các tổ chức tín dụng) để tiếp tục cho vay vốn. Ngoài ra, các GIB có thể khuyến khích áp dụng các cơ chế trả nợ như tài trợ theo hóa đơn, giúp tạo điều kiện hoàn trả thông qua các hóa đơn tiện ích hiện có và giảm rủi ro vỡ nợ cho người cho vay.

GIB có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Trên thế giới, GIB đã được thành lập ở cấp quốc gia (Úc, Nhật Bản, Malaysia, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh), cấp tiểu bang (California, Connecticut, Hawaii, New Jersey, NewYork và Rhode Island ở Mỹ), cấp quận (Quận Montgomery, Maryland, Mỹ) và cấp thành phố (Masdar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) (OECD, 2015). Trên thực tế, GIB không thực sự là “ngân hàng”, nghĩa là tổ chức này không nhận tiền gửi hoặc cung cấp tài chính trực tiếp cho cá nhân và không phải tuân theo những quy định giống như ngân hàng. Tùy theo cơ cấu đầu tư và cách tiếp cận, GIB có thể được mô tả chính xác hơn là “các tập đoàn tài chính xanh”, “quỹ đầu tư xanh” hoặc “cơ quan đầu tư carbon thấp” và hoạt động dưới các tên gọi khác nhau (ví dụ: Ngân hàng Đầu tư Xanh của Vương quốc Anh, Tập đoàn Tài chính năng lượng sạch Úc, Ngân hàng Xanh Connecticut…).

Với kiến thức chuyên môn sâu của bộ máy nhân sự, các nguyên tắc quản trị mạnh mẽ và khả năng biến các chính sách công của địa phương và quốc gia thành các cơ hội đầu tư tư nhân, các GIB có thể giúp “xanh hóa” hệ thống tài chính bằng cách thúc đẩy sự chuyển hướng sang đầu tư carbon thấp nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia, đồng thời đóng vai trò là kho lưu trữ kiến thức chuyên môn về tài chính cơ sở hạ tầng carbon thấp, cụ thể:

Một là, GIB được tạo ra để giải quyết các thất bại về chính sách và thị trường địa phương, nhằm tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng carbon thấp trong nước trên cơ sở tận dụng nguồn vốn công hạn chế. Chúng đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia không có ngân hàng phát triển quốc gia hoặc các tổ chức tương tự tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng trong nước được coi là xanh. Ngay cả khi các ngân hàng phát triển và cơ sở hạ tầng chuyên dụng tồn tại, các chính phủ có thể xem xét việc thành lập GIB như một phương tiện để “lồng ghép” các mục tiêu đầu tư xanh trong các ngân hàng phát triển quốc gia hiện có để huy động thêm đầu tư hỗ trợ các dự án công nghệ và năng lượng sạch.

Hai là, GIB đóng vai trò là đầu mối để mở rộng quy mô đầu tư trong nước vào các giải pháp khí hậu. GIB huy động các tổ chức tài chính phát triển và các nhà cung cấp tài chính khí hậu khác - bao gồm ngân hàng phát triển đa phương, ngân hàng phát triển quốc gia, ngân hàng thương mại và nhà đầu tư tổ chức - bằng cách đóng vai trò là đối tác đồng đầu tư trong các dự án carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, GIB được tạo ra không chỉ để đáp ứng các mục tiêu phát thải đầy tham vọng mà còn để hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương, giảm chi phí năng lượng, phát triển thị trường công nghệ xanh, tạo việc làm và giảm chi phí vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh.

Bốn là, bằng cách sử dụng các cấu trúc giao dịch đổi mới, các kỹ thuật giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ giao dịch, với kiến thức chuyên môn về thị trường địa phương, GIB có vị trí thuận lợi để chuyển các khoản đầu tư tư nhân vào các dự án xanh. GIB thu hút đầu tư vào các dự án giúp quốc gia thực hiện các mục tiêu giảm phát thải và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bằng cách tạo ra các sản phẩm tài chính để giải quyết các rào cản thị trường, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực có hàm lượng carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, sự ra đời của GIB giúp tăng đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, từ đó mang lại lợi ích kinh tế cho người dùng cuối, đồng thời hỗ trợ lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Những khoảng trống thị trường sẽ chỉ được lấp đầy nếu tất cả các tác nhân có thể nhận ra lợi ích kinh tế từ giao dịch. Các nhà đầu tư phải nhìn thấy lợi nhuận tốt đã điều chỉnh rủi ro từ việc đầu tư vào năng lượng sạch thay vì nhiên liệu hóa thạch. Và người dùng cuối phải thấy được lợi ích kinh tế, chủ yếu dưới dạng chi phí năng lượng thấp hơn hoặc khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng thông minh trong khi khí hậu tăng lên. Những động lực này giúp quá trình thu hút vốn đầu tư vào năng lượng sạch tăng lên đáng kể, giúp GIB thực hiện được mục tiêu của mình.

KINH NGHIỆM THÀNH LẬP VÀ TRIỂN KHAI GIB TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Ngân hàng Đầu tư xanh của Anh (UK Green Investment Bank – UK GIB)

Để đáp ứng các thỏa thuận và nghĩa vụ quốc tế về khí hậu của Vương quốc Anh và nhằm đạt được 330 tỷ GBP (~423 tỷ USD) để đầu tư bổ sung vào cơ sở hạ tầng xanh đến năm 2020, Chính phủ Anh nhận thấy cần thiết phải có một tổ chức mới mang tính lâu bền, có nhiệm vụ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh và huy động tài chính tư nhân. Thông qua đánh giá của nhóm chuyên gia tư vấn, phương án thành lập một ngân hàng xanh mới, thiết kế dưới hình thức ngân hàng đầu tư, huy động thêm đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực xanh là cách hiệu quả nhất để góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ Anh.

UK GIB chính thức được thành lập vào tháng 10/2012, là một ngân hàng xanh cấp quốc gia được thành lập theo Đạo luật công ty, nhưng Chính phủ Anh là cổ đông duy nhất. Vào tháng 6/2015, nhận thấy nguồn tài trợ dành cho UK GIB dần bị hạn chế bởi chính sách tài khóa trong khi GIB đã có những thành công nhất định ban đầu và hướng tới phát triển mở rộng danh mục đầu tư, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch đưa vốn tư nhân vào GIB để GIB có thể tiếp cận lượng vốn lớn hơn và có tác động môi trường lớn hơn. Năm 2016, Kế hoạch bán GIB cho các nhà đầu tư tư nhân được chính thức triển khai và đến tháng 8/2017, việc bán phần lớn cổ phần của GIB cho Tập đoàn Macquarie đã hoàn tất, Chính phủ vẫn giữ một lượng nhỏ cổ phần. Từ tháng 8/2017 đến nay, UK GIB hoạt động với tư cách là Nhóm Đầu tư Xanh - tập hợp nhóm đầu tư tái tạo của GIB và Macquarie Capital, tiếp tục tài trợ cho các dự án xanh ở Anh, nhưng không có tài trợ từ Chính phủ. Hiện nay, UK GIB đã mở rộng phạm vi đầu tư ra quốc tế, có thể đầu tư vào các công nghệ đã được thiết lập và ở tất cả các giai đoạn của vòng đời dự án.

Chính phủ Anh đã sửa đổi Luật cải cách quy định và doanh nghiệp năm 2013 để đảm bảo rằng GIB luôn có “mục đích xanh”. Điều này có nghĩa GIB chỉ đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến môi trường, phù hợp với ít nhất một trong 05 thước đo cơ bản về “tác động xanh” hay còn được hiểu là “mục đích xanh”, bao gồm: (1) Giảm lượng phát thải khí nhà kính; (2) Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; (3) Bảo vệ hoặc thúc đẩy phát triển môi trường tự nhiên; (4) Bảo vệ hoặc tăng cường đa dạng sinh học; (5) Đẩy mạnh sự phát triển bền vững của môi trường. GIB tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực, gồm: gió ngoài khơi, chất thải và năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo trên bờ và hiệu quả năng lượng. Mục đích xanh là cơ sở để GIB đưa ra quyết định đầu tư.

Ngay từ khi thành lập, mô hình quản trị của UK GIB đã được thiết kế đặc biệt để cho phép chuyển giao quyền sở hữu từ Chính phủ sang khu vực tư nhân trong thời gian thích hợp. Khi bán GIB cho Macquarie, để bảo vệ mục đích xanh của GIB, Chính phủ đã giao “cổ phần đặc biệt” để Công ty TNHH Mục đích Xanh – GPC (là một công ty trực thuộc Kho bạc Anh) nắm giữ. GPC là một phần quan trọng trong cơ cấu quản trị của GIB. Tuy nhiên, GPC không có bất kỳ vai trò nào trong các hoạt động và quản lý hàng ngày của GIB, nhiệm vụ này được giao cho Ban giám đốc điều hành. Hội đồng quản trị (HĐQT) GIB có 11 thành viên, bao gồm 7 giám đốc không điều hành và một giám đốc đại diện cổ đông (GPC). Chủ tịch HĐQT của GIB do Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng (thuộc Chính phủ) bổ nhiệm.

GIB cũng thiết kế khung giám sát để đo lường hiệu suất hoạt động của GIB so với các mục tiêu chính sách mà nó đã đặt ra. Các chỉ số chính gồm: chỉ số xanh, tỷ lệ huy động, khả năng sinh lời của danh mục đầu tư... Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động minh bạch, GIB phải thực hiện 2 loại chính là Báo cáo cho cổ đông hàng tháng (về hiệu quả tài chính, phân bổ vốn, chi phí hoạt động, tác động đến nền kinh tế xanh...) và Báo cáo thường niên cho công chúng.

Ngân hàng xanh Connecticut (CTGB) của Mỹ

Tại Mỹ, các ngân hàng xanh cấp tiểu bang (state) và địa phương (local) rất phát triển. Tính đến năm 2022, tại Mỹ có 23 ngân hàng xanh cấp tiểu bang và địa phương. Mỗi thực thể này đã được thiết lập bằng cách sử dụng các cơ chế khác nhau, cho các mục đích khác nhau và với các công cụ tài chính khác nhau.

CTGB là ngân hàng xanh cấp tiểu bang đầu tiên của Mỹ, được thành lập bởi Đại hội đồng Connecticut vào ngày 01/7/2011 như một phần của Đạo luật công (Public Act) 11-801. CTGB được ra đời trong bối cảnh các tòa nhà cũ kỹ không hiệu quả về năng lượng và mức giá điện cao nhất trên toàn quốc, gây khó khăn cho việc quản lý chi phí năng lượng các hộ gia đình. CTGB được thành lập với tư cách là một cơ quan bán công thay thế Quỹ năng lượng sạch Connecticut trước đây (CCEF) nhằm đạt được “các nguồn năng lượng sạch hơn, ít tốn kém hơn, tạo việc làm và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương” bằng cách thu hút và triển khai nguồn vốn tư nhân để tài trợ cho việc đạt được các mục tiêu đó. Vào ngày 01/7/2021, kỷ niệm 10 năm thành lập CTGB, Thống đốc Lamont và Đại hội đồng Connecticut đã ban hành PA 21-115 mở rộng phạm vi của CTGB ngoài “năng lượng sạch” còn bao gồm cả “cơ sở hạ tầng môi trường”, liên quan đến thích ứng và phục hồi hạn chế, bảo tồn đất đai, công viên và giải trí, nông nghiệp, nước, chất thải và tái chế, thị trường môi trường như bù đắp carbon và dịch vụ hệ sinh thái.

Các mục đích hoạt động của CTGB được quy định trong Mục 16-245n của Điều lệ chung Connecticut (CGS § 16-245n), cụ thể: (i) Quyền hạn của CTGB được trao và thực hiện bởi một HĐQT, bao gồm 12 thành viên có quyền biểu quyết và một thành viên không có quyền biểu quyết (trong đó tỷ lệ phi Chính phủ: Chính phủ là 8:3). Chủ tịch HĐQT do Thống đốc Connecticut bổ nhiệm. Mỗi thành viên đều có kiến thức và chuyên môn về các vấn đề liên quan đến mục đích của tổ chức; (ii) Nguồn tạo vốn cho CTGB bao gồm: Quỹ bang (Phí phúc lợi hệ thống (SBC), tiền thu từ trợ cấp phát thải carbon, - SCRF), Quỹ liên bang, nguồn tài trợ bổ sung từ đóng góp của tư nhân, quỹ từ thiện và nguồn thu từ phát hành trái phiếu xanh.

CTGB cung cấp các giải pháp năng lượng xanh cho các chủ sở hữu nhà ở, tòa nhà và nhiều gia đình, nhà thầu dân cư và thương mại, thị trấn và thành phố, cũng như các nhà cung cấp vốn khác thông qua các chương trình tài chính, như: chương trình khuyến khích.

Để đánh giá hoạt động của CTGB, nhằm tìm hiểu xem việc tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng môi trường và năng lượng sạch được hỗ trợ thông qua CTGB sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho xã hội, CTGB đã đưa ra khung đánh giá và các các chỉ số để đánh giá trên ba góc độ: Tác động đầu tư (sự đầu tư, thuế, tỷ lệ đòn bẩy - tỷ lệ số đô la thu hút từ khu vực tư nhân trên vốn công bỏ ra); Phát triển kinh tế (việc làm, gánh nặng năng lượng, cộng đồng chưa được phục vụ); và Bảo vệ môi trường (triển khai năng lượng, ô nhiễm, sức khỏe cộng đồng).

CTGB đã trở thành hình mẫu cho các bang khác - cũng như các quận và quốc gia - đang tìm cách sử dụng các nguồn lực công để thu hút thêm vốn đầu tư tư nhân vào việc tăng tốc và triển khai năng lượng sạch trong các nền kinh tế.

Công ty Tài chính Năng lượng sạch Úc (Clean Energy Finance Corp - CEFC)

CEFC là công ty hoạt động ở cấp quốc gia, thuộc Khối Thịnh vượng chung, thành lập vào tháng 8/2012, dựa trên Đạo luật Công ty tài chính năng lượng sạch 2012. CEFC là tổ chức hoạt động độc lập, cần báo cáo kết quả hoạt động định kỳ với Quốc hội Úc thông qua hai Bộ trưởng chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Môi trường và Năng lượng. CEFC là một phần trong khuôn khổ kế hoạch toàn diện về năng lượng sạch cho tương lai của Chính phủ Úc, trước bối cảnh mức độ ô nhiễm carbon ở Úc đã ở mức độ báo động. Nguyên nhân do Úc là quốc gia có hệ thống năng lượng phụ thuộc phần lớn vào than đá, chiếm tới 67,93% tổng sản lượng vào giai đoạn 2010-2011.

CEFC có 3 nhiệm vụ chính không đổi, xuyên suốt chặng đường hoạt động hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu thành lập đến nay là đầu tư trực tiếp, thu hút dòng vốn tư nhân và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như kinh nghiệm đầu tư với các nhà tài trợ dự án, đồng đầu tư, cơ quan chức năng và các bên liên quan khác trong lĩnh vực hoạt động của mình. Bên cạnh đó, xuất phát từ bối cảnh những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, tháng 9/2022, CEFC được bổ sung thêm nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0. CEFC với nhiệm vụ của mình sẽ hỗ trợ chính phủ thực hiện cam kết giảm khí thải carbon thông qua hoạt động thúc đẩy đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch (cụ thể là năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, công nghệ giảm khí thải và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp tới năng lượng như sản xuất, vận tải, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp).

Ngân sách được Chính phủ Úc phân bổ cho CEFC là nguồn vốn đầu vào duy nhất của CEFC. Sau đó, CEFC cần tạo lợi nhuận tài chính từ các danh mục đầu tư để tự duy trì chi phí hoạt động và tái đầu tư theo thời gian. Vào 19/12/2012, Chính phủ Úc và HĐQT của CEFC và công ty trách nhiệm hữu hạn giảm carbon Úc (LCAL) thông báo về dự định chủ động tích hợp CEFC với LCAL. Chính phủ Úc triển khai thực hiện hoạt động này như một bước xây dựng nền tảng ban đầu, tạo điều kiện cho CEFC thông qua việc chuyển giao nhân sự và tài sản (bao gồm các khoản đầu tư mới). Cơ cấu tổ chức của CEFC được xác định bởi Đạo luật CEFC 2012 và Đạo luật chính quyền liên bang và doanh nghiệp (CAC Act), bao gồm: HĐQT, giám đốc điều hành, uỷ ban cố vấn và các phòng ban nghiệp vụ. Chủ tịch HĐQT do Chính phủ Úc bổ nhiệm.

CEFG được đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm dựa trên bộ chỉ tiêu đánh giá, được rà soát và có thể điều chỉnh để phù hợp với nhiệm vụ và mục tiêu của CEFG trong từng thời kỳ. Bộ chỉ tiêu bao gồm 7 chỉ tiêu định lượng và 2 chỉ tiêu định tính, chia thành 4 nhóm chỉ tiêu, tương ứng với các mục tiêu CEFC hướng tới, như: Nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân; Nhóm chỉ tiêu liên quan mục tiêu tài chính bền vững của CEFC (bao gồm chỉ tiêu tổng thu ngân sách, dòng tiền tự do); Nhóm mục tiêu đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch (gồm tổng vốn cam kết đầu tư, lượng khí thải giảm trung bình mỗi năm); Và nhóm các định tính (bao gồm khả năng kết nối và hiệu quả quản lý danh mục đầu tư).

BÀI HỌC KINH NGHIỆM THÀNH LẬP NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ XANH CHO VIỆT NAM

Những kết quả đạt được và những thách thức của GIB tại Anh, Úc, Mỹ đã đưa ra những bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác trong quá trình cân nhắc xây dựng GIB cấp quốc gia hoặc địa phương, trong đó có Việt Nam, để đẩy nhanh việc triển khai năng lương sạch tại địa phương và khu vực.

Mặc dù các điều kiện tài chính và chính trị tại mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng có những yếu tố cốt lõi nhất định trong quá trình thành lập và vận hành GIB. Những yếu tố cân nhắc chính bao gồm:

(1) Xác định mô hình GIB: Không phụ thuộc vào chiến lược, một GIB có thể được thành lập thông qua 3 con đường: (i) Là một tổ chức mới hoàn toàn: Các GIB có thể được phát triển như các thể chế mới được xây dựng có mục đích trên cơ sở đạo Luật hoặc các quy định pháp lý thành lập; (ii) Là tổ chức được thành lập lại (tái sử dụng): GIB có thể được tạo ra bằng cách cải tổ một thực thể hiện có. Ví dụ, một tổ chức hiện tại có thể được giao nhiệm vụ mới, hội đồng quản trị mới và/hoặc điều lệ mới để bắt đầu hoạt động như một GIB; (iii) Thành lập một bộ phận trong chức hiện có: GIB có thể được hình thành như một bộ phận chuyên dụng và hoạt động độc lập của một tổ chức hiện có. Ví dụ, một ngân hàng cơ sở hạ tầng hiện có có thể phát triển một bộ phận GIB mới.

Về mặt pháp lý, GIB có thể là một tổ chức công hoặc bán công.Tổ chức này có thể là một phần trực tiếp của chính phủ, các tập đoàn thuộc sở hữu/góp vốn của chính phủ. Các GIB trong nghiên cứu điển hình là UK GIB, CTGB và CEFC hoạt động theo cấu trúc tổ chức công lập hoặc bán công, được luật thông qua để hình thành. Trong khi CTGB được thành lập theo cơ chế tái sử dụng quỹ công, thì UK GIB và CEFC được thành lập mới hoàn toàn.

(2) Cơ cấu quản trị và nhân sự: Với bất kể cơ cấu tổ chức nào, hầu hết tất cả các GIB đều có một hội đồng quản trị (BOD) cho mục đích quản trị. HĐQT của GIB đều có các thành viên Chính phủ bổ nhiệm hoặc thành viên phi chính phủ được bỏ phiếu bầu. Chủ tịch HĐQT do Chính phủ bổ nhiệm theo quy định của luật pháp. HĐQT thành lập các ủy ban khác nhau để giám sát các chủ đề như phát triển sản phẩm, đầu tư, tuyển dụng… Trách nhiệm của HĐQT là giám sát chứ không phải quản lý GIB. Người điều hành, lãnh đạo tổ chức là Giám đốc điều hành (CEO) hoặc Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành (ED).

(3) Vốn hóa ban đầu và nguồn vốn liên tục: Một GIB có thể có nhiều nguồn tài trợ với cấu trúc và tần suất vốn hóa khác nhau từ một số nguồn vốn công, tư và từ thiện. Các nguồn vốn hóa phổ biến bao gồm từ ngân sách nhà nước, tái sử dụng tiền từ một quỹ hiện có, chuyển hướng quỹ của người trả phí tiện ích đang hoạt động, tạo phụ phí cho người trả phí mới, quỹ sáp nhập tiện ích và bất kỳ nguồn nào khác. Tần suất vốn hóa có thể dao động từ việc rót vốn công trả trước một lần, lịch trình vốn hóa trong một số năm nhất định với điều khoản kết thúc (ví dụ UK GIB) hoặc rót vốn hàng năm (ví dụ CEFG) hoặc vĩnh viễn (ví dụ CTGB).

(4) Về mục tiêu và phạm vi hoạt động: Các GIB có các lý do và mục tiêu đa dạng, bao gồm thúc đẩy giảm phát thải, huy động vốn tư nhân, giảm chi phí năng lượng, phát triển thị trường công nghệ xanh, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, cải thiện sức khỏe cộng đồng và tạo việc làm. Hầu hết các GIB cấp quốc gia hoặc địa phương đều tập trung vào các dự án cụ thể, thường liên quan đến năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng.

(5) Sản phẩm và dịch vụ tài trợ: Có một số chiến lược tài chính khác nhau mà các GIB có thể sử dụng bao gồm: (i) Hỗ trợ tín dụng/tăng cường tín dụng; (ii) Đồng đầu tư; và (iii) Chứng khoán hóa và kho bãi. Để tăng cường sự dễ dàng và chắc chắn trong việc hoàn trả khoản vay, các GIB đã sử dụng hai cơ chế tài trợ: Năng lượng sạch được đánh giá tài sản (PACE) và Trả nợ theo hóa đơn (OBR) thông qua các khoản vay và hợp đồng thuê. PACE là một cấu trúc tài chính trong đó việc hoàn trả khoản vay được thực hiện thông qua thuế bất động sản gia tăng đối với tòa nhà đang được nâng cấp và OBR là một cấu trúc tài chính trong đó việc hoàn trả khoản vay được thực hiện thông qua hóa đơn tiện ích của bên vay. Các lựa chọn tài chính này loại bỏ rủi ro trả nợ đáng kể cho các nhà đầu tư bởi vì, thuế bất động sản và hóa đơn tiện ích có tỷ lệ hoàn trả rất cao.

(6) Báo cáo đánh giá tác động: Các GIB thường được được yêu cầu phải có một quy trình nghiêm ngặt và minh bạch với các yêu cầu báo cáo hàng năm ở mức tối thiểu để xác minh rằng các mục tiêu đang được đáp ứng. Các số liệu phổ biến mà GIB theo dõi bao gồm: Lượng khí thải carbon dioxide tương đương tránh được, vốn cam kết và triển khai, số lượng dự án đã đóng, số lượng dự án đang hoạt động, tổng giá trị dự án, tỷ lệ đòn bẩy vốn, tiết kiệm năng lượng và quy trình hoạt động…/.

Phạm Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

ThS. Vũ Thị Thùy - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19, tháng 7/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Coalition for Green Capital (2017), National Green Banks in Developing Countries: Scaling Up Private Finance to Achieve Paris Climate Goals.

2. Connecticut Green Bank (2019), Comprehensive Plan - Fiscal Years 2017 through 2019.

3. Global Infrastructure Hub (2019), Guidance Note on National Infrastructure Banks & Similar Financing Facilities.

4. Clean Energy Finance Corporation (2022), CEFC annual report 2021-2022

5. OECD (2015), Green Investment Banks: Scaling up Private Investment in Low-carbon, Climate-resilient Infrastructure.