Khai thác thị trường mới

Xuất khẩu lao động được xem là một trong những chương trình nhân văn bởi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2016, Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu lao động được giao là 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài, song thực tế đã đưa được 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 46.029 lao động nữ, chiếm 36,45%), vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó có 68.244 lao động đi Đài Loan, 39.938 lao động đi Nhật Bản, 2.079 lao động đi Malaysia, 4.033 lao động đi Arab Saudi, 8.482 lao động đi Hàn Quốc và các thị trường khác.

Đặc biệt, năm 2016, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, mở rộng cánh cửa xuất khẩu lao động sang thị trường chất lượng cao.

Đánh giá về công tác xuất khẩu lao động trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lĩnh vực này có những chuyển biến tích cực nhất là vấn đề mở rộng thị trường. Cùng với đó, bộ đã tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm rà soát những vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi để có phương án trình Quốc hội sửa đổi Luật này.

Năm 2016, Việt Nam đưa được 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Bộ cũng tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động tại thị trường các nước Trung Đông - châu Phi, nhất là tại Arab Saudi, Quatar. Trước đó, vào tháng 6/2017 bộ đã tiến hành đàm phán và ký kết hợp tác Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) với Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao của Nhật Bản; xây dựng phương án hợp tác, phối hợp với phía Đài Loan để tuyển chọn, đào tạo, cung ứng và quản lý lao động đi làm việc tại Đài Loan theo phương thức tuyển lao động trực tiếp…

Ngoài các thị trường truyền thống lớn là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, ngành đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Hiệp định và Thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và Đức theo các chương trình đã ký kết.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này và ngược lại. Theo đó, hai ngành nghề được thí điểm thực hiện là xây dựng và nghề cá.

Đối với việc đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Đức, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá đây là lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng với những dấu hiệu khả quan tích cực. Theo đó, với thị trường Đức, dự kiến ban đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đưa thí điểm 2 khóa lao động cao đẳng có trình độ điều dưỡng sang làm việc tại nước này (khóa 1 có 76 học viên, khóa 2 là 103 học viên đã học xong và xuất cảnh).

Từ kết quả này, bắt đầu từ năm 2018 phía Đức đã cam kết tăng số lượng tuyển chọn đối với cả 2 ngành là điều dưỡng viên và chăm sóc người già với chỉ tiêu lên đến 400 người/năm, điều này mở ra triển vọng rất lớn đối với việc đưa lao động là điều dưỡng viên của Việt Nam sang Đức làm việc nói chung và các thị trường khác nói riêng.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục làm việc với một số nước châu Âu để mở rộng thêm thị trường mới, tạo nhiều cơ hội cho lao động đi xuất khẩu.

Riêng về Đề án đưa lao động có trình độ đi làm việc ở nước ngoài, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin, hiện đề án đã hoàn tất việc lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và đang tiến hành tổng hợp để sớm trình Chính phủ phê duyệt đề án.

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng ngành xuất khẩu lao động vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, hết tháng 10/2017, số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động là 302, một con số khá lớn khiến phát sinh nhiều vấn đề.

Trước hết là tình trạng giành giật đơn hàng của nhau với chi phí cực thấp nhằm “cướp” hợp đồng. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này khiến thị trường xuất khẩu lao động bất ổn định.

Trong khi đó, việc giảm giá do giành đơn hàng chỉ có lợi cho duy nhất đối tác nước ngoài, mọi rủi ro khi xuất cảnh cùng gánh nặng chi phí lại trút lên vai đối tượng khó khăn nhất là người lao động.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong việc tạo nguồn vốn và tuyển dụng, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp phải “mua lại” nguồn cung ứng với giá cao do không thể tự tuyển dụng trực tiếp, hoặc tuyển dụng và đào tạo không tương thích.

Ngay cả các thị trường lớn và truyền thống vẫn thiếu ổn định mà nguyên nhân sâu xa là do chất lượng lao động không cao và ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực.

Kế đó là việc phát triển các thị trường mới cũng luôn trong tình trạng căng thẳng bởi ý thức chấp hành pháp luật của người lao động kém, một bộ phận đánh nhau, bỏ trốn khiến các đối tác mất niềm tin, khó gia hạn chương trình ký kết hoặc thậm chí chấp nhận bồi thường để chấm dứt sớm hợp đồng.

Những tồn tại xảy ra trong lĩnh vực xuất khẩu lao động chủ yếu xuất phát từ phía người lao động. Với thị trường mang lại thu nhập cao, một số người lao động sau khi hết hợp đồng đã không chịu trở về nước mà cố tình ở lại để làm “chui”, ảnh hưởng lớn đến uy tín, thể diện chính trị của đất nước.

Còn đối với những thị trường mà người lao động được hỗ trợ tối đa, không mất các khoản phí thì khi sang đến nước sở tại, do không đạt được mục đích cá nhân, họ sẵn sàng viện đủ lý do để phá hợp đồng, yêu cầu doanh nghiệp phải đưa mình về nước, dẫn đến việc doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về uy tín và tài chính để đền bù cho đối tác nước ngoài.

Theo ông Phạm Viết Hương, trước mắt, các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc, sẽ có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có ban quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bên cạnh đó, để góp phần ổn định sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, điều quan trọng nhất là phải tiếp tục giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Bên cạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi phái cử.

Ông Phạm Viết Hương nhấn mạnh: “Cơ hội làm việc cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 là rất lớn, đặc biệt là những lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng”./.