Mỗi năm có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện
Đó là một trong nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại buổi Tọa đàm "Nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng" diễn ra vào chiều 14/03/2017 tại Hà Nội.
Trẻ em 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%
Trong những năm gần đây, trong xã hội xuất hiện nhiều vụ việc xâm hại tình dục ở trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ lo âu về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không bị chặn đứng mà còn có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trong cùng một thời điểm dịp ngày 08/03/2017, ba vụ việc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã tố giác về xâm hại tình dục trẻ em và gây ra những bức xúc rất lớn trong xã hội.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho thấy mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì thực tế vì còn nhiều nạn nhân im lặng. Thực tế, trung bình mỗi năm có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Những con số “biết nói” này cho thấy tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và rất đáng báo động. Theo bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), con số trên chỉ là con số báo cáo, còn trên thực tế ngoài xã hội có thể cao hơn vì nhiều gia đình ngại không dám đề cập đến sự việc.
Đó thực sự là một con số khủng khiếp, xâm hại tình dục để lại sang chấn tâm lý rất kinh khủng, tổn thương nặng nề từ thể xác đến tâm lý của đứa trẻ và gia đình nạn nhân.
Thực tế, xâm hại tình dục ở trẻ em không chỉ là một hành động trái pháp luật, hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây tổn thương thể chất và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài, đó là tội ác.
Cụ thể, khi trẻm bị xâm hại sẽ bị ảnh hưởng về thể chất, những hậu quả có thể thấy được ngay ở trẻ em nhỏ như chảy máu nặng do rách âm đạo - trực tràng, các tổn thương ở bộ phận sinh dục, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí là mang thai; về sức khỏe tinh thần, trẻ em bị có thể biểu hiện những rối loạn hành vi cũng như tâm thần từ nhẹ đến nặng, ngắn hạn cũng như dài hạn. Những biểu hiện thường gặp bao gồm như thơ ấu hóa, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, rối loạn về ứng xử cũng như khả năng học tập ở trường, tính cách dễ bùng nổ hoặc co mình lại không tham gia vào các hoạt động đoàn thể hay xã hội...; về mức độ ảnh hưởng tâm lý lâu dài, trẻ em từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục có bị rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm, mất ngủ, hoang mang, các bệnh tâm lý tâm thần cao hơn nhiều so với các trẻ khác. Thậm chí nhiều trẻ gặp rất khó khăn trong đời sống tình dục khi trưởng thành.
Lý giải về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia trong buổi tọa đàm chỉ ra rằng đó là do phản ứng và hành động của các chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện quyền trực tiếp như khối các cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội, cơ quan hành pháp, truyền thông và gia đình.
Đáng chú ý, phản ứng và hành động của các bên liên quan chưa được kịp thời và hiệu quả, dẫn tới thiếu các hoạt động can thiệp phù hợp. Sự chậm trễ này gây nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, quan hệ gia đình và xã hội của các nạn nhân cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, trong những ngày gần đây, các vụ xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu bị “chìm xuồng” do sự im lặng của các cơ quan chức năng. Chính vì thế các vụ xâm hại tình dục ở trẻ ngày càng trở nên nóng bỏng bởi các sự vụ không được giải quyết một cách nhanh chóng, quyết liệt và và triệt để.
Nguyên nhân sâu xa nhất là do văn hóa, do chúng ta ngại nói đến vấn đề tình dục vì nghĩ đó là vấn đề nhạy cảm, khó nói nên mới dẫn đến câu chuyện như hiện tại. Chính vì sự im lặng của gia đình nạn nhân, của cộng đồng, của cơ quan chức năng và sự im lặng của các bên khác nữa... đã khiến các vụ xâm hại tình dục trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng và vì thế mà kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Lúng túng, vướng trong xử lý
Tại một khảo sát nhanh trên Diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân ngày 12/03/2017 về việc: “Tại sao các vụ xâm hại tình dục trẻ em chậm xử lý” nhận được 541 lượt ý kiến, trong đó 44.2% người cho rằng nguyên nhân là do Cơ quan pháp luật ít quan tâm, 22.9% cho rằng Việt Nam đang thiếu vắng các tổ chức xã hội về Bảo vệ trẻ em, 16,3% cho rằng thân nhân và nạn nhân muốn giấu thông tin, 8.7% cho rằng thế lực của kẻ phạm tội rất mạnh, 7.9% cho rằng cha mẹ chưa biết cách lên tiếng.
Hãy lên tiếng vì thế hệ tương lai của đất nước
Bà Nguyễn Vân Anh cho biết thêm, hành trình tìm đến công lý của các nạn nhân và gia đình rất khó khăn một phần vì định kiến, dư luận nên có những gia đình nạn nhân chấp nhận thương lượng rồi im lặng. Bên cạnh đó, còn nhiều người khi nhắc tới cưỡng hiếp thì xấu hổ không dám lên tiếng, nên các cơ quan thực thi pháp luật rất lúng túng cho sự việc tìm chứng cứ cho những sự vụ này. Chính vì vậy, cần đặt ra quy trình xử lý vấn đề này phải nhanh chóng. Hiện trạng có rất nhiều trường hợp như thế nhưng không xử lý gì cả hoặc xử lý nửa chừng.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đề xuất nên dùng biện pháp "thiến hóa học" với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Biện pháp này gồm việc tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa hormone vào người, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất những ham muốn tình dục. Có thể áp dụng cả hình phạt thiến sinh học để người đó không còn khả năng tiếp tục phạm tội nữa. Hiện tại, châu Á đã có Indonesia và Hàn Quốc áp dụng hình thức "thiến hóa học" để tiêu diệt tính dục với tội phạm ấu dâm, các nước châu Âu như Anh, Thụy Điển, Ba Lan... cũng áp dụng thiến hóa học để xử lý loại tội phạm này. |
Theo luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết điều, hiện tại, tội dâm ô ở nước ta đang gần như rơi vào bế tắc, chậm xử lý do chúng ta vướng vào việc xử lý phải có dấu vết vật chất. Trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới, họ xử lý bằng cách phòng tránh chỉ cần gợi ý sex hoặc cho xem truyện đều bị cấu thành tội. Nghĩa là khi mà trẻ chưa hề bị xâm hại tình dục đã có thể xử lý. Trong khi theo Bộ Luật tố tụng Hình sự của nước ta, đối với các vụ dâm ô thì điều tra cần dựa vào nhân chứng, thực hiện hiện trường, nhận dạng, lời khai của nạn nhân, chất vấn kẻ gây án… Điều vô lý trong các vụ xâm hại tình dục hiện nay là các cơ quan điều tra đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. “Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết?”. Đó là một trong nhiều khoảng trống trong việc bảo vệ trẻ em ở nước ta.
Ngoài ra, cần lưu ý, trong các vụ việc xâm hại tình dục, tuyệt đối không được hoà giải, cũng như không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân. Chỉ cần có người phát hiện ra là có thể tiến hành điều tra.
Bổ sung quan điểm này, ông Nguyễn Trọng An, chuyên gia về bảo vệ trẻ em cho rằng, khi có một vấn đề xảy ra ở cộng đồng có liên quan đến trẻ em, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương, còn Trung ương sẽ có công văn nhắc nhở, yêu cầu tiến hành điều tra ngay. Bởi lẽ, xâm hại tình dục trẻ em là tội ác, cần lôi thủ phạm ra trước phát luật. Vì vậy cần lên tiếng, vì biết mà im lặng cũng là đồng lõa với tội ác..
Cùng lên tiếng trước khi quá muộn
Trước thực tế nạn nhân bị xâm hại, lạm dụng tình dục thường im lặng, ThS. Hà Minh Loan, chuyên gia tâm lý về gia đình cho rằng, những vụ việc trẻ bị xâm hại vừa qua chính là những hồi chuông cảnh tỉnh, và cần lên tiếng đòi công bằng cho người bị hại. Bởi lẽ, lên tiếng là cần thiết để ngăn chặn tội ác. Đồng thời mong muốn có chương trình hỗ trợ cho người bị hại để đảm bảo rằng sau khi họ lên tiếng, cuộc sống của họ vẫn tốt đẹp và có tương lai thì sự lên tiếng ấy sẽ mạnh mẽ hơn.
Bày tỏ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, chuyên gia luật Dân sự cho rằng, những định kiến xã hội, những lời gièm pha... chính là những rào cản tâm lý lớn khiến người bị hại chưa được bảo vệ một cách triệt để. Tuy nhiên, giải quyết điều đó không thể trong một sớm, một chiều vì cho đến nay, giáo dục giới tính chưa được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông một cách đầy đủ, khoa học và hiệu quả. Do đó, đáng lẽ ra từ bậc Tiểu học, trẻ đã phải được học về cách bảo vệ thân thể, cần biết việc đánh bạn, giật tóc bạn là sai…
TS. Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, nạn nhân và gia đình, cộng đồng cần phải lên tiếng để buộc các cơ quan chức năng vào cuộc. Chúng ta cần vượt qua được chính mình, để tránh cho trẻ tiếp tục bị xâm hại, bị mất tương lai. Các bậc cha mẹ cần chủ động trang bị kiến thức, sự nhạy cảm về giới để hướng dẫn con em của mình biết cách phòng tránh loại tội phạm này. Đồng thời việc xử lý các trường hợp xâm hại tình dục thật nghiêm minh cũng là bài học cảnh báo cho những kẻ khác.
Đã đến lúc xã hội cần dẹp sự ngại ngùng vô lý sang một bên để cùng lên tiếng trước khi quá muộn./.
Bình luận