VAI TRÒ CỦA NGUỒN VỐN ODA

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế, đồng thời góp phần phát triển văn hóa, chính trị - xã hội. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, viện trợ ODA ra đời nhằm giúp các nước nghèo, các nước đang hoặc kém phát triển giải quyết tình trạng thiếu vốn.

Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ODA đối với an ninh kinh tế ở Việt Nam
Vốn ODA được huy động chủ yếu vào các ngành giao thông vận tải, môi trường và phát triển đô thị, năng lượng và công nghiệp, nông nghiệp

Nguồn vốn ODA chủ yếu được đầu tư vào những lĩnh vực giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế, từ đó kéo theo sự phát triển mạnh của các ngành khác. Vai trò của ODA hết sức quan trọng, có thể minh chứng điều đó qua thực tế các nước ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhờ vào nguồn viện trợ của Mỹ, mà khu vực này đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục, trở về thời kỳ hưng thịnh như trước Chiến tranh, thậm chí còn phát triển hơn trước. Hay trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc – đây cũng là hai quốc gia nhận được nhiều viện trợ của Mỹ. Qua một thời gian, Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế sau Mỹ, còn Hàn Quốc cũng vươn lên thuộc nhóm các nước công nghiệp mới.

Đối với Việt Nam, trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế, tình trạng thiếu vốn cho phát triển đã được giải quyết một phần đáng kể khi Việt Nam bắt đầu nhận viện trợ ODA từ năm 1993. Nhìn lại quá trình thu hút và sử dụng ODA, có thể thấy rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào: GDP bình quân hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng cao, có một số năm đạt trên 7% (như năm 2019 đạt 7,02%, theo Tổng cục Thống kê), đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện, các mặt của đời sống văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế cũng không ngừng được nâng cao rõ rệt, tình hình chính trị ổn định, an ninh – quốc phòng được giữ vững, các mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng. Đạt được những thành công đó, bên cạnh việc khai thác hiệu quả các nguồn lực trong nước, thì viện trợ từ bên ngoài cũng đóng góp một phần quan trọng, trong đó ODA từ các quốc gia và tổ chức quốc tế giữ vai trò chủ đạo.

Tóm lại, viện trợ ODA giúp giải quyết phần nào “cơn khát vốn” và mang lại luồng sinh khí mới cho các nước đang phát triển như Việt Nam, góp phần “thay da đổi thịt” cho nền kinh tế trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Phần lớn nguồn vốn ODA là tiền vay sẽ phải hoàn lại trong tương lai. Thế nên, nếu ODA không được sử dụng hiệu quả, không thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, thì việc vay mượn ODA sẽ trở thành bi kịch cho các thế hệ sau.

ODA và vốn vay ưu đãi là một trong những nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển của Việt Nam trong điều kiện nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế. Trung bình giai đoạn 2011-2019, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã đóng góp 6,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 34,09% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và chiếm khoảng 2,4% GDP Việt Nam.

Tính đến năm 2019, Việt Nam đã tiếp nhận trên 85 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, 7 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại (chiếm 8% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi), trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% (tương đương 90% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi) và 1,7 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi, nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại (chiếm 2%). Lượng giải ngân đạt gần 65 tỷ USD. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 4/2020, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 12,553 tỷ USD, trong đó vốn vay là 12,04 tỷ USD (vay ODA: 9,169 tỷ USD, vay ưu đãi: 2,871 tỷ USD), viện trợ không hoàn lại là 513 triệu USD (Trung tâm Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, 2020).

Vốn ODA được huy động chủ yếu vào các ngành giao thông vận tải, môi trường và phát triển đô thị, năng lượng và công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Kết quả huy động vốn ODA được đánh giá là tương đối sát các mục tiêu, nguyên tắc và các lĩnh vực ưu tiên đề ra tại Quyết định số 251/QĐ-TTg, ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020” và Quyết định số 1489/QĐ-TTg, ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025” và đảm bảo các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và mức bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn an toàn cho phép.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ không ít bất cập, tồn tại và hạn chế. Đứng trên góc độ an ninh kinh tế, quá trình tổ chức thực hiện ODA đang có một số vấn đề đáng quan ngại. Cụ thể, nhiều dự án sử dụng vốn ODA có hiệu quả kinh tế thấp, không có khả năng thu hồi vốn, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nguồn để trả nợ nước ngoài, làm tăng gánh nặng nợ quốc gia. Tình trạng giải ngân chậm, sử dụng không đúng mục đích làm thất thoát, lãng phí nguồn vốn ODA khá phổ biến. Nhiều dự án chậm tiến độ, gây thiệt hại cho phía Việt Nam.

Hơn nữa, năng lực của cơ quan thực hiện dự án còn hạn chế, trình độ quản lý của cán bộ yếu kém làm giảm lòng tin của các nhà tài trợ về khả năng tiếp nhận, sử dụng ODA của Việt Nam. Chẳng hạn, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, nguồn vốn vay ODA Trung Quốc, do nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Dự án được khởi công từ ngày 10/10/2011 và dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành năm 2015, nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ, chưa đưa vào khai thác thương mại. Hay trường hợp Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 16 tỷ đồng cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được thắng thầu trong các dự án xây dựng bằng ngân sách từ vốn ODA do Chính phủ Nhật Bản cung cấp (Mai Hà, 2019). Những sự kiện này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng thế giới.

Phần lớn nguồn vốn ODA là tiền vay sẽ phải hoàn lại trong tương lai. Thế nên, nếu ODA không được sử dụng hiệu quả, không thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, thì việc vay mượn ODA sẽ trở thành bi kịch cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, tại Việt Nam, rất nhiều người lại cho rằng, ODA là “của cho không”. Chính điều này đã dẫn tới hệ lụy đáng tiếc trong quá trình sử dụng, quản lý nguồn vốn ODA.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế các bộ, ban, ngành liên quan theo hướng vừa quản lý an ninh trật tự, vừa tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài trợ, kết hợp chặt chẽ giữa đảm bảo an ninh quốc gia với phát triển kinh tế.

Để làm tốt công tác quản lý, sử dụng, phòng ngừa và đấu tranh với những mặt trái của nguồn ODA, hạn chế các rủi ro có thể xuất hiện trong tài trợ, sử dụng ODA, dưới góc độ quản lý nhà nước về an ninh kinh tế, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như sau:

Một là, xem xét, đánh giá toàn diện cả về kinh tế - chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng đối với các điều kiện ràng buộc đi kèm hoạt động tài trợ ODA. Phải cân nhắc và xem xét toàn diện các ràng buộc cả trước mắt và lâu dài, cả về kinh tế và an ninh quốc phòng. Trên cơ sở đó, chủ động trong đàm phán, đạt được lợi ích cao nhất về kinh tế, giảm thiểu những rủi ro về tài chính và loại trừ nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Khi xem xét các điều kiện tài trợ, nguyên tắc lợi ích quốc gia phải được đặt lên cao nhất. Cần quán triệt đầy đủ nguyên tắc này trong mọi hoạt động, từ cấp hoạch định chính sách đến các cấp tổ chức thực hiện. Phân tích cụ thể các điều kiện vay và các điều kiện ràng buộc để bố trí sử dụng vốn vay hiệu quả trên cơ sở đã chủ động lựa chọn danh mục các dự án.

Hai là, nâng cao nhận thức cho cán bộ Việt Nam trong các dự án ODA về bản chất ODA, về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tài trợ ODA để gây thiệt hại về kinh tế. ODA là một nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế, song cũng là đối tượng đảm bảo an ninh để phát triển của Việt Nam. Cần tuyên truyền giáo dục cho các cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nhận thức sâu sắc rằng, chúng ta vận động tài trợ ODA để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng có nhiều đối tượng sử dụng ODA để phá hoại ta về kinh tế - chính trị - xã hội thông qua các biện pháp kinh tế, thông qua các hoạt động tài trợ về tiền vốn, công nghệ, thậm chí cả về chuyên gia kinh tế để thực hiện diễn biến hòa bình, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đặc thù của ODA là nguồn vốn bên ngoài gắn với các mục tiêu có liên quan đến hoạt động tài trợ, nên cần đặc biệt chú ý tìm hiểu những âm mưu mang tính chiến lược, lâu dài của các thế lực thù địch sử dụng hoạt động này để xâm hại an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Từ đó, xây dựng kế hoạch, chương trình nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt Việt Nam về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tài trợ ODA để xâm hại ta về kinh tế.

Cùng với các hoạt động trên, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các cấp tham gia sử dụng ODA để tạo ra sự thống nhất về nhận thức đối với vốn vay ODA; thấy được những nguy cơ tiềm ẩn của vốn ODA đối với an ninh kinh tế. Phải quán triệt để mỗi cấp sử dụng ODA nhận thức đầy đủ rằng, ODA là khoản vay nước ngoài và phải trả cả gốc lẫn lãi. Đây là nguồn vốn có khả năng gây nợ và cái giá phải trả nguồn vốn này là rất lớn nếu sử dụng chúng không hiệu quả.

Ba là, chủ động đấu tranh với những hoạt động đang có dấu hiệu vi phạm về an ninh kinh tế, hoặc các hoạt động lợi dụng tài trợ ODA để vi phạm pháp luật, xâm hại an ninh quốc gia. Lực lượng an ninh các cấp cần tập trung đổi mới, làm tốt công tác điều tra cơ bản đối với các nhà tài trợ ODA quan trọng. Kết hợp các biện pháp kinh tế với các biện pháp nghiệp vụ cơ bản để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu của các thế lực thù địch, các cơ quan lợi dụng triển khai các dự án ODA để tiến hành hoạt động phá hoại về kinh tế, phá hoại chính sách của Nhà nước, thu thập tin tình báo, kích động phản động trong nước hoạt động chống phá chính quyền.

Để làm tốt công tác này, cần tăng cường lực lượng, phương tiện và biện pháp nắm bắt tình hình từ xa để kịp thời phát hiện sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, các nhà tài trợ lớn ở Việt Nam. Cần tập trung các biện pháp, công tác để nắm chắc được ý đồ của các nhà tài trợ lớn ở Việt Nam. Xác định sớm những dự án có nghi vấn liên quan đến an ninh quốc gia để từ đó tham mưu cho Chính phủ, các ngành, địa phương có biện pháp ứng xử thích hợp.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chuyển hóa kinh tế, từ kinh tế chuyển hóa chính trị trong hoạt động tài trợ ODA, lực lượng an ninh kinh tế cần chủ động phối hợp với các ban, ngành, lực lượng hữu quan tiến hành rà soát, đánh giá một cách toàn diện các dự án ODA đã và đang được triển khai ở Việt Nam. Bên cạnh đó, phải tổ chức thực hiện và theo dõi quy hoạch một cách có hiệu quả, lựa chọn các chương trình, dự án sử dụng vốn không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế, tài chính, mà còn phải xét tới các khía cạnh tác động đến nghĩa vụ trả nợ, đến mục tiêu phát triển ổn định của toàn bộ nền kinh tế.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện quy chế, quy trình phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan để đánh giá, giám sát và quản lý tốt các hoạt động tài trợ ODA. Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh kinh tế phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế các bộ, ban, ngành liên quan theo hướng vừa quản lý an ninh trật tự, vừa tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài trợ, kết hợp chặt chẽ giữa đảm bảo an ninh quốc gia với phát triển kinh tế, đối ngoại./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Báo cáo tình hình vay, quản lý và sử dụng các khoản vay từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA

2. Tổng cục Thống kê (2019). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019

3. Nguyễn Văn Tuấn (2020). Hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1, tháng 6/2020

4. Nguyễn Bá Duy (2020). Công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/815913/cong-tac-bao-dam-an-ninh-kinh-te-trong-dieu-kien-phat-trien-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-va-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te.aspx

5. Mai Hà (2019). Ai là người chịu trách nhiệm khi biết lỗ vẫn 'làm' dự án Cát Linh - Hà Đông?, truy cập từ https://thanhnien.vn/thoi-su/ai-la-nguoi-chiu-trach-nhiem-khi-biet-lo-van-lam-du-an-cat-linh-ha-dong-1128959.html

6. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Tình hình huy động và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Việt Nam thời gian qua, truy cập từ http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22284

Thái Quang Thế

Học viện An ninh nhân dân

(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15, tháng 5/2021)