Nguyễn Thị Vinh Hương

Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt:

Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi ngày càng mạnh mẽ, khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) nói chung và bảo vệ thông tin cá nhân (BVTTCN) của người tiêu dùng (NTD) nói riêng còn nhiều bất cập, sự phát triển của khoa học – công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc nghiên cứu và xây dựng một cơ chế pháp lý vững chắc, đầy đủ và khả thi nhằm bảo đảm an toàn, bí mật về thông tin cá nhân (TTCN) của NTD, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, ổn định của xã hội. Bài viết tập trung phân tích một số lý thuyết điển hình, có tác động trực tiếp đến tư duy lập pháp về BVTTCN của NTD tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

Từ khóa: thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Summary

In the context that the economy is transforming more and more strongly, the legal framework on protecting theinterests of consumers in general andprotecting personal information ofconsumers in particular still has manyshortcomings, the development ofscience and technology and the trend ofinternational integration have posed urgent requirements in research andconstruction a solid, adequate andfeasible legal mechanism to ensure thesafety and confidentiality of personalinformation of NTDs, contributing topromoting the synchronous and stabledevelopment of society. The articlefocuses on analyzing some typicaltheories, which have a direct impact onthe legislative thinking on environmentalprotection of NTDs in countries ingeneral and Vietnam in particular.

Keywords: personal information, protection of consumers' personalinformation, protection of consumers' interests.

ĐẶT VẤN ĐỀ

BVQLNTD là trách nhiệm chung của cả cộng đồng - một trong những yếu tố then chốt bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Sự can thiệp của Nhà nước bằng pháp luật là nhằm đảm bảo sự bình đẳng, cân bằng lợi ích giữa các bên trong giao dịch, qua đó, tạo nên sự ổn định của xã hội trong quá trình kinh doanh và mua sắm tiêu dùng.

BVTTCN được xem là một quyền hiến định theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới, bởi lẽ, TTCN thuộc sở hữu riêng của mỗi người, có thể dùng để xác định danh tính một cá thể cụ thể. TTCN của NTD là thông tin gắn với việc xác định danh tính của cá nhân NTD đó như: họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, thông tin y tế, tài chính, số thẻ ngân hàng, mã pin bảo mật… thậm chí thông số hình thể, sở thích, thói quen. NTD thường phải cung cấp TTCN cho chủ thể cung ứng hàng hóa, dịch vụ để thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch tiêu dùng (như được tư vấn, giới thiệu sản phẩm phù hợp với nhu cầu …). Ngược lại các chủ thể kinh doanh càng có nhiều thông tin về NTD thì càng tăng lợi thế cạnh tranh so với các chủ thể khác, bởi họ có thể tận dụng dữ liệu thu thập được để thực hiện hoạt động quảng cáo, tiếp thị, truyền thông và các hoạt động chăm sóc khách hàng.

Xuất phát từ tính chất nhạy cảm và riêng tư của TTCN có thể khẳng định, những thông tin này có tầm quan trọng đặc biệt đối với NTD vì nếu để lọt ra ngoài, NTD có thể phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, công việc, tài sản, sức khỏe của họ. Chính vì vậy, pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về BVQLNTD nói riêng cũng đã cụ thể hóa và xây dựng các cơ chế nhằm bảo đảm an toàn, bí mật về TTCN cho NTD. Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam những năm qua cho thấy, các quy định pháp luật về BVTTCN của NTD chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.

Trong khi đó, bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, đứng trước sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển của khoa học – công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế, đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc phải nghiên cứu và xây dựng một cơ chế pháp lý vững chắc, đầy đủ và khả thi nhằm BVTTCN của NTD trong hoạt động thương mại, đáp ứng một cách kịp thời các yêu cầu khách quan của thực tiễn công tác BVQLNTD tại Việt Nam, góp phần bảo đảm niềm tin của NTD và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, ổn định của xã hội.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Trong phần này tác giả đề cập đến một số lý thuyết nghiên cứu có giá trị thực tiễn, tác động trực tiếp đến tư duy lập pháp và thực thi pháp luật về BVTTCN của NTD tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây cũng là những lý thuyết điển hình, có sức ảnh hưởng lớn và phù hợp với xu thế và thông lệ chung của pháp luật quốc tế.

Thứ nhất, lý thuyết về quyền riêng tư

Quyền riêng tư là một trong các quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Quyền riêng tư được các văn kiện pháp lý quốc tế cũng như pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và bảo vệ. Ở Việt Nam, quyền này được đề cập trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp lý liên quan.

Về nội hàm của quyền riêng tư, năm 2004, Tổ chức Bảo mật quốc tế và Trung tâm Bảo mật thông tin điện tử đã công bố Báo cáo nghiên cứu với tiêu đề “Sự riêng tư và nhân quyền” nhằm khái quát hóa sự phát triển của pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư ở 50 quốc gia, theo đó, quyền riêng tư được nhận thức bao gồm 4 nội dung chủ yếu là: (i) Sự riêng tư về TTCN; (ii) Sự riêng tư về cơ thể; (iii) Sự riêng tư về thông tin liên lạc và (iv) Sự riêng tư về nơi cư trú.

TTCN thuộc sở hữu riêng của mỗi người, có thể dùng để xác định danh tính của một con người cụ thể, điều đó có nghĩa rằng, không những thông tin đó phải có mối liên hệ với cá nhân mà còn phải hướng tới việc nhận diện cá nhân. Quyền riêng tư luôn gắn với cá nhân, vì lẽ đó để bảo vệ quyền riêng tư thì phải bảo vệ TTCN, ngược lại, bảo vệ TTCN cũng chính là nhằm thực hiện quyền riêng tư. Trong bối cảnh này, sự riêng tư về TTCN được hiểu là việc dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân... nhằm ngăn chặn nguy cơ TTCN bị khai thác, tiết lộ và sử dụng cho những mục đích bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới đời sống của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Trên cơ sở đó, pháp luật về BVQLNTD đã cụ thể hóa và xây dựng cơ chế bảo đảm an toàn, bí mật về TTCN của NTD, không chỉ trong các giao dịch thương mại truyền thống mà ngay cả khi NTD mua hàng hóa, dịch vụ bằng giao dịch thương mại điện tử. Thậm chí bỏ qua khía cạnh giao dịch, nếu NTD đã cung cấp TTCN nhưng chưa hoặc từ chối xác lập giao dịch, bên bán vẫn có nghĩa vụ bảo đảm quyền riêng tư cho NTD thông qua việc bảo đảm an toàn cho những TTCN của NTD mà bên bán tiếp cận được. Trong trường hợp quyền riêng tư đối với TTCN của NTD bị xâm phạm thì các chế tài do vi phạm quyền riêng tư của con người trong pháp luật về quyền riêng tư có thể được áp dụng đối với các bên liên quan.

Ở cấp độ toàn cầu, quyền về sự riêng tư được chính thức ghi nhận lần đầu tiên ở Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (UDHR), sau đó được tái khẳng định tại Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) đã cho thấy nội hàm của các giá trị riêng tư cần được bảo vệ không chỉ giới hạn ở cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân mà còn bao gồm cả những khía cạnh đời sống có sự gắn kết mật thiết với cá nhân như gia đình, nơi ở, thư tín và những giá trị định tính như danh dự, uy tín cá nhân, tuy nhiên cần lưu ý rằng đây không phải là quyền tuyệt đối. Bên cạnh đó, quyền riêng tư còn được thừa nhận trong các công ước nhân quyền khu vực như Điều 8 Công ước Nhân quyền châu Âu năm 1950, Điều 11 Công ước Nhân quyền châu Mỹ năm 1969… với nội dung tương tự. Mặt khác, xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu mới với việc bảo vệ dữ liệu của cá nhân NTD. Đáp ứng yêu cầu này hai văn kiện pháp lý quốc tế đã được ban hành, bao gồm: Công ước của Hội đồng châu Âu về bảo vệ cá nhân đối với việc xử lý tự động dữ liệu cá nhân năm 1981 (COE) và Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OSCD) điều chỉnh việc bảo vệ quyền về sự riêng tư và việc chuyển đổi dữ liệu cá nhân xuyên biên giới. Các văn kiện nêu trên với nội dung ghi nhận một số quy tắc cụ thể chi phối việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân đã tác động sâu sắc đến việc xây dựng và áp dụng luật pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên toàn thế giới. Quyền của NTD đối với việc truy cập và sửa đổi dữ liệu cá nhân của mình cũng là một khía cạnh quan trọng của các quy tắc này.

Thứ hai, lý thuyết về vai trò của NTD - một bộ phận cấu thành nền kinh tế

NTD là chủ thể chiếm số đông trong xã hội, bởi lẽ dù người trực tiếp mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là cá nhân hay tổ chức thì người cuối cùng trực tiếp sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó cũng chính là các cá nhân. Vì vậy, số lượng NTD sẽ tương ứng với số lượng các thực thể là cá nhân trong đời sống. Mặt khác, trong bất kỳ nền kinh tế nào, NTD cũng giữ vị trí rất quan trọng, với nhu cầu và thị hiếu của mình, họ có tác động vô cùng to lớn đối với quá trình dẫn dắt, vận hành của thị trường. Họ điều tiết quan hệ cung cầu, quyết định xu hướng tiêu dùng, quyết định chủng loại, chất lượng, số lượng, giá cả của sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, NTD là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Do đó, việc ghi nhận và bảo vệ các quyền của NTD càng trở nên quan trọng và cần thiết, góp phần bảo đảm lợi ích chung cho cả cộng đồng.

BVQLNTD được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng đều hướng tới việc đảm bảo cho NTD được thực thi những quyền lợi chính đáng của họ, có biện pháp và thiết chế bảo vệ quyền lợi của chính mình một cách hiệu quả, tạo cho họ sự an tâm trong môi trường kinh doanh lành mạnh và an toàn. NTD không những phải được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, mà còn phải được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, NTD có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ trong trường hợp hàng hóa họ mua gây thiệt hại cho họ, cho môi trường sống xung quanh hoặc khi TTCN của họ không được bảo mật, bị rò rỉ, bị đánh cắp, bị mua bán, sử dụng trái phép… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống riêng tư, công việc, sức khỏe, tài sản của NTD.

Lý thuyết về vai trò của NTD được xuất phát từ phát biểu của Cố Tổng thống Mỹ John Kennedy trong một tuyên bố được đưa ra trước Thượng viện Mỹ ngày 15/3/1962. Ông nhấn mạnh: “NTD bao gồm tất cả chúng ta, là nhóm kinh tế lớn nhất gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi hầu hết các quyết định kinh tế của Nhà nước và tư nhân, là lực lượng rất quan trọng đối với nền kinh tế”, tuy nhiên, ý kiến và quan điểm của NTD lại không được lắng nghe. Cũng trong bài phát biểu này, John Kennedy chỉ ra 04 quyền cơ bản của NTD, đó là quyền được an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ và quyền được lắng nghe, góp ý. Đây là luồng tư tưởng đầu tiên cổ vũ cho việc BVQLNTD, góp phần chống lại sự lạm dụng của các nhà sản xuất, kinh doanh và những bất công trong xã hội. Năm 1985, quyền của NTD được Liên hợp quốc công nhận và mở rộng ra thành 8 quyền cơ bản trong tài liệu Hướng dẫn của Liên hợp quốc về BVQLNTD. Lý thuyết về vị trí, vai trò trung tâm của NTD tiếp tục được củng cố khi Tổ chức NTD Quốc tế chính thức công nhận ngày 15/3 là “Ngày Quyền của NTD thế giới”, hàng năm tổ chức sự kiện này với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác BVQLNTD tại các quốc gia.

Thứ ba, lý thuyết về thông tin bất cân xứng

Thông tin bất cân xứng là tình trạng một bên trong giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin đầy đủ hơn và tốt hơn so với bên còn lại. Tình trạng này xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như phát hành chứng khoán, thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bất động sản… Việc mất cân bằng thông tin khiến các chủ thể tham gia giao dịch khó có thể đưa ra quyết định một cách sáng suốt, thậm chí có những lựa chọn “lệch hướng” gây bất lợi cho chính mình và dẫn đến sự thất bại của thị trường. Vậy giữa NTD và người sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ có tồn tại câu chuyện bất cân xứng thông tin hay không và điều đó tác động như thế nào đến hoạt động BVTTCN của NTD?

Thực tiễn cho thấy, trong bất kỳ nền kinh tế nào, NTD cũng luôn là một lực lượng rất đông đảo. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các thương nhân, tổ chức khác, NTD thường ở vị thế yếu hơn do bất cân xứng về nhiều mặt, như khả năng tiếp cận thông tin; khả năng đàm phán khi ký kết hợp đồng; khả năng tự bảo vệ khi có tranh chấp; mức độ hiểu biết về thị trường; về pháp lý cũng như điều kiện kinh tế của một cá nhân so với một tổ chức hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp. Chẳng hạn, người bán thường nắm giữ đầy đủ thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, như: xuất xứ, chất lượng, đặc tính kỹ thuật, giá trị thực tế, các khuyết tật của hàng hóa, dịch vụ đó, nhưng ngược lại, NTD không dễ tiếp cận với những thông tin này, việc không có lợi thế về thông tin tiềm ẩn những rủi ro khó lường cho quyền lợi của NTD. Mặt khác, khi xác lập và tiến hành giao dịch, đa số các trường hợp NTD phải cung cấp những TTCN của mình để thuận lợi cho việc tư vấn, lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp, phục vụ cho giao dịch trước mắt. Với mục tiêu giành được lợi thế cạnh tranh, nhìn chung, cơ sở dữ liệu khách hàng thường được các doanh nghiệp bảo mật chặt chẽ, tránh tình trạng thông tin của khách hàng bị rò rỉ, bị đánh cắp hoặc tiết lộ, chia sẻ ra bên ngoài, gây tổn hại và vi phạm tới quyền riêng tư của họ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nguy cơ mất an toàn thông tin của NTD vẫn có thể xảy ra. Xét cho cùng, họ vẫn là bên yếu thế hơn so với doanh nghiệp, bởi lẽ khi cung cấp các thông tin liên quan cho doanh nghiệp thu thập, quản lý NTD cũng không có đầy đủ các công cụ để giám sát quá trình bảo mật những TTCN mà mình đã cung cấp theo luật định.

Trong bối cảnh này, việc có một cơ chế pháp lý phù hợp, hiệu quả để nâng cao trách nhiệm xã hội của chủ thể kinh doanh không chỉ trong việc cung cấp thông tin trung thực và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ nhằm giảm bớt sự bất cân xứng thông tin, mà còn trong các hoạt động thu thập, sử dụng và bảo mật TTCN của NTD, ngăn chặn, giải quyết, xóa bỏ các hành vi xâm phạm TTCN một cách triệt để, bảo vệ niềm tin của NTD là vô cùng cần thiết.

Lý thuyết thông tin bất cân xứng lần đầu tiên được xuất hiện vào năm 1970 và đã khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế học hiện đại bằng sự kiện năm 2001, các nhà khoa học nghiên cứu lý thuyết này là George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz cùng vinh dự nhận giải Nobel kinh tế cho công trình nghiên cứu: “Phân tích các thị trường với tình trạng thông tin bất cân xứng”.

Thứ tư, lý thuyết về bảo đảm công bằng xã hội

Bảo vệ đối tượng yếu thế trong xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng của pháp luật, mục tiêu này được xây dựng dựa trên lý thuyết bảo vệ kẻ yếu trong mối tương quan với kẻ mạnh nhằm đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người ở các mức độ khác nhau. Ở góc độ quan hệ pháp luật cụ thể, không phải khi nào cũng thiết lập được sự bình đẳng giữa các bên chủ thể mà trong nhiều trường hợp một bên ở vị trí bất lợi hơn, chịu sự chi phối của bên còn lại, thậm chí sự tiếp cận các nhu cầu cơ bản của họ cũng gặp nhiều cản trở. Vì lẽ đó, các ngành luật hiện đại ngày nay đều được thiết lập theo xu hướng bảo vệ được bên yếu thế hơn trong quan hệ pháp luật, một mặt đảm bảo quyền lợi của họ, mặt khác hướng đến duy trì, cân bằng lợi ich giữa các bên, điều đó thể hiện sự tiến bộ và tính nhân văn sâu sắc.

Từ lý thuyết về thông tin bất cân xứng cho thấy, NTD luôn ở vị thế yếu hơn trong tương quan so sánh với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Họ thiếu thông tin, hiểu biết và khả năng tự bảo vệ khi đàm phán, giao dịch, chính vì thế thường phải chấp nhận những quy tắc do chính nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ đặt ra. Mặt khác, mối quan hệ giữa hai bên được thiết lập chủ yếu thông qua hình thức hợp đồng, mặc dù bản chất hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí nhằm mục đích tạo lập hiệu lực pháp lý cho các bên chủ thể, tuy nhiên, trong đời sống tiêu dùng các nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ thường đưa ra những nội dung của hợp đồng mà họ đã đơn phương soạn sẵn, còn NTD chỉ có một trong hai lựa chọn “chấp nhận” hoặc “không chấp nhận”. Thậm chí, trong một số trường hợp, NTD chỉ có thể “chấp nhận” mà không có lựa chọn khác do tình trạng độc quyền, ví dụ như hợp đồng mua bán điện sinh hoạt hoặc khi NTD không muốn bị loại khỏi cuộc chơi bởi bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ đang nắm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường. Do sự thiếu vắng quá trình đàm phán, thỏa thuận trong giao kết hợp đồng theo mẫu, bên soạn thảo hợp đồng có thể sử dụng lợi thế sẵn có của mình để chèn ép bên còn lại, dẫn đến tổn hại cho lợi ích NTD và gây ảnh hưởng tiêu cực đối với tình hình kinh tế - xã hội nói chung.

Tương tự hợp đồng theo mẫu còn có điều kiện giao dịch chung cũng do một bên soạn thảo, thường là bên đưa ra đề nghị (cũng chính là các tổ chức, cá nhân kinh doanh), đây là những điều khoản mang tính ổn định, không thể thay đổi do bên đưa ra đề nghị công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng, nếu chấp nhận giao kết coi như chấp nhận các điều khoản này, như vậy NTD cũng không có cơ hội đàm phán, thương lượng mà chỉ có một trong hai lựa chọn “chấp nhận” hoặc “không chấp nhận” những điều khoản sẵn có. Tuy nhiên, có sự khác biệt ở chỗ điều kiện giao dịch chung là một bộ phận gắn liền với hợp đồng, là một nội dung của hợp đồng chứ không thể thay thế hợp đồng giữa các bên.

Hiện nay, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đều được pháp luật kiểm soát, thể hiện rõ quan điểm của nhà nước về BVQLNTD trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh, khắc phục sự yếu thế của NTD trong quá trình mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày. Ví dụ như pháp luật yêu cầu phải thiết lập, công khai hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung theo những trình tự, thể thức nhất định nhằm thông tin cho khách hàng biết trước khi giao kết hợp đồng; đối với những điều khoản không rõ ràng thì bên soạn thảo phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó; đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong danh mục Thủ tướng Chính phủ ban hành, hợp đồng đi kèm thường có nhiều điều khoản phức tạp nên bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật…

Thực tiễn BVQLNTD cho thấy, quyền lợi chính đáng của NTD có thể bị xâm hại bởi nhiều nguyên nhân như hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng (hàng nhái, hàng giả, vi phạm xuất xứ, thương hiệu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế…) hoặc quá trình bảo mật TTCN mà NTD đã cung cấp cho tổ chức, cá nhân kinh doanh bị lơi lỏng (thông tin bị rao bán, đánh cắp, khai thác, trục lợi một cách bất chính, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư). Trong bối cảnh này, sự can thiệp của Nhà nước trong việc xử lý hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của NTD chính là nhằm đảm bảo sự bình đẳng, sự cân bằng lợi ích giữa các bên trong quan hệ tiêu dùng, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Trong vài năm gần đây những vụ việc vi phạm quyền được bảo mật TTCN của NTD trong hoạt động thương mại có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ, các hành vi xâm phạm trái phép TTCN của NTD, đặc biệt là trong thương mại điện tử ngày càng phổ biến và tinh vi. Điều đó cho thấy công tác bảo đảm an toàn TTCN của NTD ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ NTD 1800.6838 và Hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc NTD bị một số đối tượng lừa gạt khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng thương mại điện tử hoặc thông qua các trang mạng xã hội. Nguyên nhân được xác định là do TTCN, thông tin về đơn hàng của NTD đã bị các đối tượng này thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, cố tình giao hàng kém chất lượng vói danh nghĩa bên bán hòng chiếm đoạt tài sản, khi sự việc xảy ra bên giao hàng và bên bán đều thoái thác trách nhiệm, không hỗ trợ giải quyết, hoặc do NTD bị lộ những TTCN mà từ các thông tin này đối tượng có thể sử dụng để làm giả thẻ tín dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc thực hiện các chi tiêu mua sắm…

Ngay trong các giao dịch truyền thống có rất nhiều vụ việc TTCN của NTD bị tiết lộ cho bên thứ ba, bị đánh cắp, bị khai thác một cách trái phép và rao bán tràn lan nhằm trục lợi bất chính, thậm chí có trường hợp TTCN còn bị bóp méo sau đó lan truyền nhanh chóng gây ra những hậu quả nặng nề đối với NTD, với nhà nước và xã hội. Những hành vi vi phạm quyền riêng tư này không chỉ gây tổn thất về tài sản mà còn có khả năng xâm hại đến đời sống tinh thần của NTD, gây tâm lý e ngại khi cá nhân tham gia các giao dịch tiêu dùng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:

Thứ nhất, các quy định pháp luật hiện hành về BVTTCN của NTD đang nảy sinh nhiều bất cập và còn tồn tại những khoảng trống pháp lý.

Ví dụ như các quy định về BVTTCN không mang tính hệ thống mà nằm rải rác ở nhiểu văn bản pháp luật chuyên ngành; chưa xây dựng được định nghĩa thống nhất về TTCN; chưa bắt kịp thực tiễn sử dụng dữ liệu cá nhân hiện nay; đặc biệt quy định được đặt ra chủ yếu điều chỉnh vấn đề BVTTCN trên môi trường mạng chứ chưa chú trọng BVTTCN ở không gian thực; bên cạnh đó chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt, bồi thường thỏa đáng cho NTD, có sự khác biệt nhất định về mô tả các loại hành vi bị xử phạt và mức phạt cho mỗi loại hành vi… Ngay cả khi so sánh kinh nghiệm quốc tế, thì mức phạt đối với các hành vi vi phạm theo pháp luật Việt Nam cũng còn khá nhẹ nhàng.

Thứ hai, các thiết chế nhà nước và tổ chức BVQLNTD còn lỏng lẻo trong quản lý, giữ vai trò khá mờ nhạt trong thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về BVTTCN của NTD. Khi vụ việc xảy ra có tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoặc không xác định được thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước cho nhau, chậm trong việc xử lý hoặc không thống nhất về cách thức xử lý vi phạm.

Thứ ba, nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh hoặc chính NTD còn chưa có ý thức về quyền riêng tư, vì thế thiếu sự quan tâm cần thiết tới vấn đề bảo mật TTCN. Quyền riêng tư của NTD là khả năng họ kiểm soát TTCN của mình bằng việc sử dụng hoặc cho đi khi thấy phù hợp, NTD càng ít quan tâm đến quyền riêng tư thì thương nhân càng dễ dàng có cơ hội khai thác thông tin một cách trái phép nhằm tối đa hóa lợi ích thương mại.

Thứ tư, sự xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... tính phức tạp của công nghệ khiến cho quá trình phát hiện và xử lý những hảnh vi xâm phạm trái phép TTCN của NTD gặp những khó khăn nhất định.

Thực tiễn BVTTCN của NTD cho thấy quyền của NTD chưa được bảo vệ hiệu quả như kỳ vọng, các văn bản pháp luật có liên quan chưa đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn. Hơn bao giờ hết, vấn đề hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về BVTTCN của NTD, bảo đảm niềm tin của NTD đối với các giao dịch trong nền kinh tế số đang dần được hình thành ở Việt Nam hiện nay trở thành nhu cầu cấp bách, một thách thức lớn đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách, dưới góc độ pháp lý cũng như góc độ kỹ thuật.

Phân tích cho thấy, những lý thuyết nghiên cứu được đề cập ở mục Cơ sở lý thuyết tuy không mang lại câu trả lời cụ thể như ai đúng, ai saim nhưng có vai trò soi đường, định hướng tư duy với những người làm luật, có ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về BVQLNTD nói chung và BVTTCN của NTD nói riêng. Cụ thể như:

- Quyền riêng tư đã trở thành một trong những quyền con người quan trọng nhất của thời hiện đại, BVTTCN chính là nhằm thực hiện quyền riêng tư. Chính vì thế, lý thuyết về quyền riêng tư có ảnh hưởng sâu sắc tới việc đánh giá thực trạng pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về BVTTCN của NTD, xây dựng cơ chế bảo đảm an toàn, bí mật về TTCN của NTD tránh nguy cơ TTCN của NTD bị xâm phạm, sử dụng cho những mục đích bất hợp pháp.

- Bên cạnh đó, lý thuyết về vai trò của NTD khẳng định vị trí quan trọng của NTD trong nền kinh tế, là cơ sở lý luận để luận giải sự cần thiết BVQLNTD nói chung và BVTTCN của NTD trong hoạt động thương mại nói riêng, hướng tới những biện pháp bảo vệ TTCN của NTD một cách thiết thực và hiệu quả, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi chính đáng của NTD.

- Ngoài ra, lý thuyết về thông tin bất cân xứng được vận dụng để phân tích mối quan hệ giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD trong việc thực thi pháp luật về BVTTCN của NTD, từ đó đề xuất những công cụ để giám sát quá trình bảo mật TTCN mà NTD đã cung cấp, bảo đảm thực thi pháp luật về BVTTCN của NTD.

- Cuối cùng, lý thuyết công bằng xã hội có tác động mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về BVTTCN, xây dựng chế tài xử lý đối với các hành vi xâm phạm quyền được BVTTCN của NTD nhằm duy trì, cân bằng lợi ích giữa các bên trong quan hệ tiêu dùng, hướng tới bảo vệ đối tượng yếu thế trong xã hội.

CHIA SẺ CỦA TÁC GIẢ

Với giá trị tích cực mà những lý thuyết nói trên mang lại, chúng hoàn toàn có thể được tham chiếu và vận dụng trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay. Điều này vô cùng ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh vấn đề bảo đảm an toàn, bí mật TTCN của NTD trong các giao dịch thương mại truyền thống và thương mại điện tử ngày càng trở nên đáng lo ngại, trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm rộng rãi của Chính phủ các nước với quan điểm chung BVTTCN chính là bảo vệ các quyền cơ bản của mỗi công dân./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Vân Anh (2013), Nghiên cứu pháp luật về quyền được cung cấp thông tin và bảo vệ thông tin của người tiêu dùng ở Việt Nam, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội.

  2. Bộ Công Thương (2022), Tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn, tháng 7/2022, Hà Nội.

  3. Bộ Công Thương (2022), Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề trong pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, tháng 7/2022, Hà Nội.

  4. Nguyễn Văn Cương (2020), Thực trạng pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam hiện nay và hướng hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15(415), tháng 8/2020.

  5. Samuel D. Warren; Louis D. Brandeis (1980), The Right to Privacy, Harvard Law Review, Vol. 4, No. 5., 193-220.

    Ngày nhận bài: 26/4/2024; Ngày phản biện: 11/5/2024; Ngày duyệt đăng: 16/5/2024