ThS. Nguyễn Thị Nguyệt

Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ về hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của tổ chức quản lý CDĐL. Nghiên cứu đưa ra khái niệm về quản lý CDĐL, phân tích thực trạng các quy định về chủ thể có quyền quản lý CDĐL và quy định về quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức quản lý CDĐL. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh hiệu quả việc thực thi luật định trong thực tế.

Từ khóa: chỉ dẫn địa lý, quản lý chỉ dẫn địa lý, quản lý, sở hữu trí tuệ

Summary

In this paper, the author analyzes regulations of intellectual property law on management of geographical indication (GI) of GI management organizations. The study introduces definition of GI management, analyzes the current status of regulations on subjects with the right to manage GI as well as regulations on the powers and responsibilities of GI management organizations. Finally, a number of recommendations are proposed to promote effective implementation of the regulations in practice.

Keywords: geographical indication, geographical indication management, management, intellectual property

GIỚI THIỆU

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến tháng 3/2023, có 128 CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 13 CDĐL của nước ngoài, 115 CDĐL của Việt Nam (Nhĩ Anh, 2023). Thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở Trung ương và địa phương, nhiều nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai.

Việt Nam được biết đến là một nước nông nghiệp và hầu hết các địa phương đều có những sản phẩm đặc trưng, tạo nên thế mạnh kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trước hết, CDĐL góp phần làm tăng giá trị của hàng hóa, đặc biệt đối với các sản phẩm là nông sản. Sản phẩm gắn CDĐL thường nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng bởi chất lượng đặc thù và tính an toàn. Như vậy, với các sản phẩm được gắn CDĐL sẽ dễ dàng nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Mặt khác, sử dụng CDĐL giúp ngăn ngừa, chống lại hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, làm mất giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL.

Bên cạnh đó, CDĐL còn giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm gắn CDĐL. Khi CDĐL được thừa nhận và phổ biến rộng rãi, nó sẽ trở thành công cụ gia tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh ở địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa, thì việc sử dụng CDĐL càng mở ra cơ hội có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường của mình.

KHÁI NIỆM QUẢN LÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Hiện nay, khái niệm về quản lý CDĐL được đề cập trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên chưa có định nghĩa pháp lý về quản lý CDĐL. Có quan điểm cho rằng, quản lý CDĐL được hiểu là quá trình xây dựng chính sách và tổ chức, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo quyền sử dụng, quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm CDĐL được Nhà nước bảo hộ (Đào Đức Huấn, 2017). Bởi đối với Việt Nam, đặc thù về quy định sở hữu trí tuệ đó là quy định CDĐL thuộc sở hữu nhà nước, do đó hoạt động quản lý sẽ mang nhiều khía cạnh về quản lý nhà nước, chức năng quản lý CDĐL được giao cho UBND tỉnh/thành phố.

Theo cách hiểu thông thường, quản lý được hiểu hoặc là trông coi, giữ gìn theo những yêu cầu nhất định hoặc là việc tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định (Viện Ngôn ngữ học, 2006). Nếu hiểu theo cách thứ nhất, thì hoạt động quản lý CDĐL là hoạt động trông coi, giữ gìn CDĐL của các chủ thể có thẩm quyền. Hay nói cách khác, quản lý CDĐL là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền nhằm tổ chức, kiểm tra và kiểm soát việc sử dụng CDĐL.

Trong nghiên cứu này, tác giả hiểu quản lý CDĐL là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền nhằm tổ chức, kiểm tra và kiểm soát việc sử dụng CDĐL nhằm mục đích đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn CDĐL, duy trì danh tiếng của CDĐL. Việc quản lý CDĐL có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, có thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thể là tổ chức quản lý CDĐL – đại diện cho tập thể các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm gắn CDĐL như UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức nghề nghiệp (hội, hiệp hội)… Tuy nhiên, trong nội dung bài nghiên cứu, tác giả chỉ tập trung phân tích quy định pháp luật về quản lý CDĐL được thực hiện bởi tổ chức quản lý CDĐL.

CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ VÀ MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ

Quy định về chủ thể có quyền quản lý CDĐL

CDĐL giống như một loại tài sản chung cộng đồng, mà tất cả những người sản xuất sản phẩm mang CDĐL thuộc khu vực địa lý tương ứng đều có quyền sử dụng. Mặc dù là tài sản chung, nhưng không có nghĩa mọi người đều có quyền tự do, tùy tiện sử dụng, khai thác. Để đảm bảo uy tín, chất lượng của sản phẩm mang CDĐL cũng như phát triển CDĐL, cần có một tổ chức thực hiện việc quản lý CDĐL, giám sát việc sử dụng CDĐL của các nhà sản xuất địa phương. Tổ chức quản lý tập thể CDĐL đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển CDĐL. Các tổ chức này phải thể hiện đầy đủ vai trò là người đại diện, bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm khai thác CDĐL một cách hiệu quả, mang lại lợi ích chung, chứ không được tạo ra gánh nặng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất có sử dụng CDĐL.

Khoản 4 Điều 121, Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định “Nhà nước trực tiếp thực hiện việc quản lý CDĐL hoặc trao quyền quản lý CDĐL cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL”. Như vậy, chủ thể có quyền quản lý đối với CDĐL là Nhà nước hoặc chủ thể được nhà nước trao quyền quản lý CDĐL – tổ chức đại diện quyền lợi cho tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL. Điều 37, Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận các chủ thể được Nhà nước trao quyền quản lý CDĐL như Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, ngày 22/0/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, thì Nghị định số 65/2023/NĐ-CP còn bổ sung thêm một số chủ thể có quyền quản lý CDĐL, cụ thể:

Thứ nhất, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chủ thể có quyền quản lý đối với CDĐL

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với CDĐL trong trường hợp CDĐL thuộc một địa phương. Chẳng hạn như: UBND tỉnh Đắc Lắk đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ cho CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuật. Trường hợp CDĐL thuộc nhiều địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đại diện theo ủy quyền của các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi có khu vực địa lý tương ứng với CDĐL thực hiện quyền quản lý CDĐL. Có thể hiểu, trường hợp này là sản phẩm mang CDĐL có diện tích thuộc về nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, như: trường hợp sản phẩm sâm Ngọc Linh thuộc về địa bàn của cả 2 tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kom Tum, thì UBND thuộc một trong 2 tỉnh này sẽ ủy quyền cho địa phương còn lại, để thực hiện quản lý đối với CDĐL sâm Ngọc Linh. Điểm mới về chủ thể quản lý được đề cập đến trong Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định mở rộng thêm trường hợp chủ thể quản lý CDĐL có thể là UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân cấp, ủy quyền quản lý CDĐL.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với CDĐL được xác định là cơ quan thay mặt nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với CDĐL. Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định, tất cả các CDĐL đều phải có cơ quan quản lý. Quyền quản lý CDĐL thuộc về Nhà nước và UBND cấp tỉnh thực hiện quyền đại diện chứ không phải là UBND cấp dưới (UBND cấp huyện, UBND cấp xã) hay cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh (sở khoa học và công nghệ, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn…) ngay cả trong trường hợp CDĐL đó có diện tích xác định trong phạm vi của một huyện, một xã hay một làng nhất định.

Việc quy định thẩm quyền quản lý đối với CDĐL của UBND là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, bởi thực tiễn cho thấy, việc quản lý đối với CDĐL là một công việc tương đối khó khăn và phức tạp do tính đặc thù của nó, nên UBND cấp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có đủ điều kiện vật chất và nhân lực, để thực hiện tốt công việc này trong trường hợp các cơ quan khác chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết.

Về mặt lý thuyết, việc quản lý CDĐL phải là nhiệm vụ của một cơ quan chuyên trách – là tổ chức đại diện cho các chủ thể sử dụng CDĐL. Ở Việt Nam, có một thực trạng là các CDĐL thường được xác định và công nhận trước khi tổ chức quản lý tập thể CDĐL được thành lập. Nhiều CDĐL được các cơ quan quản lý hành chính địa phương nộp đơn đăng ký bảo hộ, nhưng sau khi CDĐL đã được đăng bạ, vẫn chưa có tổ chức quản lý tập thể của các nhà sản xuất. Trong những trường hợp đó, giải pháp hiện tại là, các cơ quan quản lý địa phương nơi có CDĐL phải tạm thời đảm nhiệm công việc này, trong khi chờ đợi một tổ chức quản lý CDĐL chuyên trách ra đời. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan quản lý hành chính như UBND vẫn đang thực hiện nhiệm vụ, mà đáng lẽ là thuộc tổ chức tập thể các nhà sản xuất.

Thứ hai, cơ quan, tổ chức được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trao quyền quản lý CDĐL với điều kiện cơ quan, tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL theo quy định tại Khoản 4 Điều 121 của Luật Sở hữu trí tuệ

Hiện nay, chưa có quy định nào giải thích thế nào là “cơ quan, tổ chức đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL”, nhưng trong thực tế, UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho các sở (sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở khoa học và công nghệ, chi cục tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng…) hay UBND cấp dưới (UBND cấp huyện, UBND cấp xã) trong trường hợp CDĐL trên thuộc về phạm vi một địa phương. Ví dụ: Hiệp hội Thanh long Bình thuận được cấp văn bằng bảo hộ cho chỉ dẫn Thanh Long Bình Thuận… Tổ chức được UBND cấp tỉnh trao quyền quản lý CDĐL phải đáp ứng các điều kiện: cơ quan, tổ chức này đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL; có đủ các điều kiện nhân lực, kỹ thuật và khả năng huy động các điều kiện này để tiến hành kiểm soát việc sử dụng CDĐL; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang CDĐL và được UBND cấp tỉnh trao quyền quản lý CDĐL theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, UBND cấp tỉnh vẫn là cơ quan chủ yếu thực hiện quyền quản lý CDĐL. Tuy nhiên, việc để cơ quan hành chính đứng ra quản lý CDĐL về lâu dài sẽ có nhiều điểm chưa thật hợp lý. Bởi vậy, việc trao quyền quản lý CDĐL cho các hội, hiệp hội của những người sản xuất để đảm bảo hiệu quả của việc quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi trao quyền quản lý CDĐL cho hội, hiệp hội ở Việt Nam hiện nay chính là trình độ quản lý và khả năng kiểm soát việc sử dụng CDĐL của các tổ chức này còn hạn chế, các điều kiện vật chất chưa được đảm bảo. Vì vậy, việc trao quyền quản lý CDĐL cần có lộ trình và bước đi cụ thể. Trước hết, ở những nơi chưa thành lập được hội hay hiệp hội để đứng ra quản lý CDĐL, thì UBND thực hiện quyền quản lý CDĐL. Những nơi đã thành lập được hội, hiệp hội và hoạt động của hội, hiệp hội có hiệu quả thì cần mạnh dạn trao quyền quản lý CDĐL cho chủ thể này. Đây là mô hình quản lý CDĐL đã rất thành công ở châu Âu và việc áp dụng mô hình này ở Việt Nam tại thời điểm này là tương đối phù hợp. Các hiệp hội sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL không có điều kiện thực hiện các công đoạn nghiên cứu, đánh giá tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm để có bộ hồ sơ pháp lý khoa học đăng ký CDĐL, thì cơ quan quản lý hành chính địa phương là chủ thể chủ yếu và có điều kiện nhất thực hiện công việc này.

Như vậy, so với Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, thì Nghị định số 65/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số đối tượng, cụ thể đối với chủ thể quản lý trong nước bổ sung thêm: UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân cấp, ủy quyền quản lý CDĐL. Đồng thời, Nghị định số 65/2023/NĐ-CP bổ sung thêm về đối với CDĐL của nước ngoài, chủ sở hữu, tổ chức được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với CDĐL và tổ chức quản lý CDĐL được xác định theo quy định pháp luật của nước xuất xứ của CDĐL đó.

Quy định về quyền và nghĩa vụ trong quản lý CDĐL của tổ chức quản lý CDĐL (nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của tổ chức quản lý CDĐL)

Quyền hạn của tổ chức quản lý CDĐL

Khoản 2 Điều 123, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý CDĐL theo quy định tại khoản 4 Điều 121, Luật Sở hữu trí tuệ có các quyền sau đây: (i) Tổ chức được trao quyền quản lý CDĐL có quyền cho phép người khác sử dụng CDĐL đó; (ii) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý CDĐL có quyền ngăn cấm người khác sử dụng CDĐL đó. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quyền cho phép người khác sử dụng CDĐL theo quy định của pháp luật

Khoản 4 Điều 121 và Khoản 2, Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) quy định, tổ chức được Nhà nước trao quyền quản lý CDĐL có quyền cho phép người khác sử dụng CDĐL. Như vậy, tổ chức quản lý CDĐL với vai trò là tổ chức được sự ủy quyền sẽ thực hiện quyền cho phép những người có đủ điều kiện sử dụng CDĐL.

Điều này được hiểu là các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm đáp ứng điều kiện về tính chất, chất lượng đặc thù tại khu vực địa lý tương ứng thì được sử dụng CDDL và việc sử dụng đó không dựa trên việc cấp quyền của tổ chức quản lý CDĐL. CDĐL về bản chất là tài sản của cộng đồng, gắn liền với đời sống và hoạt động sản xuất lâu đời của người dân địa phương, quyền sử dụng phải thuộc về người sản xuất đáp ứng điều kiện của sản phẩm mang CDĐL. Điều 129.3a Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) cũng quy định, việc sử dụng CDĐL cho sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý, nhưng không đáp ứng tính chất, chất lượng của sản phẩm mang CDDL, thì sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền CDĐL.

Tuy nhiên, nếu chủ thể nào cũng được quyền sử dụng CDĐL, mà không có sự kiểm tra, giám sát về chất lượng, tính chất của sản phẩm bởi một tổ chức có thẩm quyền, thì trường hợp danh tiếng và chất lượng của sản phẩm mang CDĐL bị giảm sút có thể xảy ra, gây thiệt hại đến các tổ chức, cá nhân khác. Thực tế đã chỉ ra sự bất cập trong việc tùy tiện sử dụng CDĐL, bởi một số chủ thể không đáp ứng được điều kiện đặc biệt là các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng khi đưa sản phẩm gắn CDĐL ra thị trường. Điển hình như: CDĐL nước mắm Phú Quốc, một số cơ sở sản xuất lấy màu pha với nước muối, thêm “hương vị nước mắm” rồi dán nhãn nước mắm Phú Quốc, sau đó tung ra thị trường bán với giá rất rẻ. Hay đối với CDĐL Chè Shan tuyết Mộc Châu, đến 90% được sử dụng để đóng bao sản phẩm 35kg khi chuyển đi nơi khác bán (Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Minh Bách Tùng, 2020). Khi đến tay nhà phân phối, người ta lại mở bao gói sản phẩm này ra để đóng thành gói lẻ bán ra thị trường, điều này khó tránh khỏi việc sản phẩm bị trộn lẫn với những sản phẩm chè được sản xuất từ nơi khác. Tương tự, nhiều sản phẩm cà phê thực tế không được sản xuất tại các khu vực được xác định trên bản đồ bảo hộ, nhưng khi thực hiện đóng gói tại Buôn Ma Thuột liền được gắn với CDĐL Buôn Ma Thuột.

Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, quyền cho phép người khác sử dụng CDĐL của tổ chức quản lý CDĐL không phải là một quyền mang tính chất chủ quan, các điều kiện mà chủ thể muốn sử dụng CDĐL phải đáp ứng là các điều kiện do pháp luật quy định, chứ không phải theo ý chí của tổ chức quản lý.

Thứ hai, về quyền ngăn cấm người khác sử dụng CDĐL

Tổ chức quản lý CDĐL có quyền cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được quyền sử dụng CDĐL. Những chủ thể không có đủ các điều kiện sử dụng CDĐL như không ở trong vùng CDĐL, sản phẩm mang CDĐL không đáp ứng các tiêu chuẩn, đặc tính đã được xác định… sẽ không được quyền sử dụng CDĐL. Hay nói cách khác, các tổ chức, cá nhân này sẽ không được tổ chức quản lý CDĐL cho phép sử dụng CDĐL.

Trách nhiệm của tổ chức quản lý CDĐL

Điều 38 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của tổ chức quản lý CDĐL khi thực hiện hoạt động quản lý CDĐL:

Một là, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý CDĐL

Để có thể quản lý CDĐL một cách hiệu quả, từ đó đảm bảo chất lượng của sản phẩm gắn CDĐL và danh tiếng của CDĐL, điều đầu tiên cần thiết phải có một quy chế thống nhất trong quản lý CDĐL, tránh tình trạng tùy tiện, không công bằng, minh bạch trong hoạt động quản lý CDĐL. Việc xây dựng và ban hành quy chế quản lý CDĐL thuộc trách nhiệm của tổ chức quản lý CDĐL – đây là điểm mới của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP khi quy định về CDĐL. Việc giao trách nhiệm cho tổ chức quản lý CDĐL là hợp lý, bởi CDĐL là tài sản chung của các nhà sản xuất sản phẩm tại địa phương, những người này am hiểu nhất về các đặc tính về chất lượng cũng như quy trình sản xuất. Hay nói cách khác, tổ chức đại diện quản lý CDĐL của các nhà sản xuất sản phẩm là người hiểu rõ nhất về đặc tính của sản phẩm, đồng thời hiểu rõ nhất về năng lực quản lý của mình. Vì thế, tổ chức quản lý CDĐL sẽ xây dựng được một quy chế quản lý CDĐL phù hợp với CDĐL do mình quản lý.

Theo quy định của pháp luật đây là một nội dung của quy chế quản lý CDĐL mà tổ chức quản lý CDĐL phải có trách nhiệm xây dựng và ban hành. Pháp luật không đưa ra quy chế quản lý chung cho tất cả các CDĐL, mà cho phép tổ chức quản lý đối với mỗi CDĐL cụ thể sẽ tự xây dựng quy chế quản lý riêng đối với CDĐL đó. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 38 Nghị định 65/2023/NĐ-CP cũng có quy định quy chế quản lý cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định: (i) Quy chế quản lý CDĐL phải bao gồm các nội dung chủ yếu như quy định về sản phẩm mang CDĐL, quy định việc ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL, cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng CDĐL, quyền và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sử dụng CDĐL…; (ii) Lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL trước khi được ban hành; (iii) Không hạn chế một cách bất hợp lý quyền sử dụng hợp pháp CDĐL của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL.

Hai là, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm quản lý CDĐL theo quy chế do mình ban hành

Quản lý CDĐL là hoạt động được thực hiện nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao và phát triển sản phẩm gắn CDĐL. Đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo mọi sản phẩm sau quá trình sản xuất và khi đưa vào lưu thông đều có chất lượng đồng đều và đạt các tiêu chuẩn đã xác lập, bảo vệ uy tín của sản phẩm, lợi ích của các nhà sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội. Tổ chức quản lý CDĐL là chủ thể xây dựng và ban hành quy chế quản lý CDĐL, bởi vậy đồng thời có trách nhiệm quản lý CDĐL theo quy chế do mình ban hành.

Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi hơn ai hết, người xây dựng quy chế quản lý CDĐL sẽ hiểu rõ nhất về quy chế đó, nên dễ dàng triển khai quy chế này trên thực tế. Bên cạnh đó, việc pháp luật yêu cầu tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm quản lý theo quy chế do mình ban hành sẽ hạn chế được sự tùy tiện, thiếu minh bạch của tổ chức này trong hoạt động quản lý CDĐL. Từ đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm gắn CDĐL, cũng như đảm bảo được uy tín và danh tiếng của CDĐL.

Ba là, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL

Trước khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2009), pháp luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền cấp phép sử dụng CDĐL của tổ chức quản lý CDĐL cho các nhà sản xuất, với mục đích để kiểm soát việc sử dụng CDĐL, bảo đảm chỉ các nhà sản xuất đủ điều kiện mới được sử dụng CDĐL. Có thể hiểu rằng, các tổ chức, cá nhân trong vùng địa lý muốn được sử dụng CDĐL cho sản phẩm của mình phải được sự đồng ý của tổ chức quản lý thông qua thủ tục cấp quyền sử dụng CDĐL. Như vậy, bất cứ người nào đáp ứng các tiêu chuẩn để được sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì không được sử dụng CDĐL. Quy định như vậy không phù hợp với bản chất của đối tượng này. CDĐL được hình thành và phát triển bởi chính những người đã và đang sử dụng chúng. Vì thế, không có một lý do nào để ngăn cản một người đang sử dụng CDĐL cho hàng hóa của mình phải dừng việc sử dụng lại chỉ vì lý do người đó chưa làm thủ tục cấp quyền sử dụng CDĐL (Đinh Trung Tụng, 2005). Bên cạnh đó, pháp luật cũng không có quy định cụ thể về trình tự thủ tục cấp quyền sử dụng CDĐL, gây khó khăn cho các tổ chức quản lý CDĐL trong hoạt động cấp quyền sử dụng CDĐL trên thực tế.

Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), khi một CDĐL được bảo hộ theo EVFTA (các CDĐL trong Danh mục), thì việc sử dụng hợp pháp CDĐL đó không phụ thuộc vào việc đăng ký người sử dụng hoặc nộp thêm bất kỳ khoản phí nào. Có thể hiểu, các tổ chức, cá nhân tiền hành hoạt động sản xuất sản phẩm đương nhiên có quyền sử dụng không phụ thuộc vào việc đăng ký người sử dụng và nộp phí. Pháp luật Việt Nam cũng không yêu cầu người sử dụng (các hiệp hội, tổ chức quản lý CDĐL) nộp phí sử dụng CDĐL. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 92 Luật sửa đổi bổ sung Sở hữu trí tuệ (năm 2009) quy định văn bằng bảo hộ ghi nhận các tổ chức cá nhân có quyền sử dụng CDĐL. Điều đó có nghĩa là, đơn đăng ký CDĐL phải liệt kê những người có quyền sử dụng và văn bằng bảo hộ phải được sửa đổi, bổ sung để ghi nhận thay đổi về người có quyền sử dụng về sau. Quy định này vừa không đảm bảo cam kết trong EVFTA cũng như khả năng thực thi trong thực tế. Bởi vậy, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) sửa đổi khoản 2 Điều 92 như sau: “2. Văn bằng bảo hộ CDĐL ghi nhận tổ chức quản lý CDĐL, CDĐL được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang CDĐL, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang CDĐL”. Như vậy, quy định này đã loại yêu cầu ghi tên tổ chức, cá nhận được quyền sử dụng CDĐL là hoàn toàn hợp lý.

Đồng thời, theo quy định của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, thì tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL trên cơ sở thông báo của các tổ chức, cá nhân đó. Danh sách, tổ chức cá nhân sử dụng CDĐL phải được cập nhật khi có bất kỳ sự thay đổi nào. Đồng thời, pháp luật cũng quy định trong quy chế cần đề cập đến một số nội dung liên quan đến việc ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL, như: hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL bao gồm yêu cầu ghi nhận, tài liệu chứng minh tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất sản phẩm mang CDĐL tại khu vực địa lý tương ứng với CDĐL và các tài liệu chứng minh khác, nếu cần; việc xem xét hồ sơ, kiểm tra và đánh giá tính xác thực của tài liệu, bao gồm cả việc tuân thủ bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang CDĐL (nếu cần thiết) và ghi nhận các thông tin của tổ chức, cá nhân vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL. Đây là một điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ được thể hiện trong Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, trách nhiệm lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL được thay thế cho quy định tổ chức này có quyền cấp quyền sử dụng CDĐL cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm gắn CDĐL.

Bốn là, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp để quản lý việc sử dụng CDĐL của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL nhằm bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng phù hợp với bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang CDĐL

Bảo hộ CDĐL về mặt bản chất là một hình thức bảo hộ cho những sản phẩm đặc trưng, gắn với một tên gọi, biểu tượng… của vùng, quốc gia cụ thể. Các sản phẩm gắn CDĐL luôn tồn tại những đặc thù về tính chất, chất lượng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bởi vậy, hoạt động quản lý luôn hướng tới việc bảo đảm sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm gắn CDĐL không làm ảnh hưởng đến uy tín và giá trị của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Trách nhiệm của tổ chức quản lý CDĐL là thiết lập bộ máy, công cụ để quản lý việc sử dụng CDĐL nhằm bảo đảm duy trì tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL, nhưng việc quản lý này không được cản trở quyền sử dụng hợp pháp CDĐL của các tổ chức, cá nhân.

Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát việc sử dụng CDĐL của các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL nhằm bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng phù hợp với bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang CDĐL, bao gồm: sự tuân thủ về quy trình kỹ thuật thông qua quy chế và kế hoạch kiểm soát, chất lượng sản phẩm và sử dụng dấu hiệu CDĐL. Quá trình tổ chức có thể được triển khai từ trước khi đăng ký bảo hộ, tuy nhiên sau khi sản phẩm được bảo hộ CDĐL thì quá trình này được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về các nội dung hoạt động kiểm soát việc sử dụng CDĐL mà để các các tổ chức quản lý CDĐL tự quy định về nội dung này. Tuy nhiên có thể thấy hoạt động kiểm soát chủ yếu mà tổ chức CDĐL thường thực hiện bao gồm: (i) Kiểm soát việc sử dụng CDĐL của tổ chức, cá nhân sản xuất nhằm bảo đảm chỉ các nhà sản xuất đủ điều kiện mới được sử dụng CDĐL; (ii) Kiểm soát chất lượng sản phẩm, tùy từng sản phẩm mà việc kiểm soát chất lượng có thể là kiểm tra nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm hay kết quả sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Tổ chức quản lý CDĐL cũng tự quyết định về phương thức kiểm tra, có thể thử nghiệm và kiểm định đối với toàn bộ các lô hàng sản xuất hoặc thử nghiệm với bất kỳ sản phẩm nào.

Năm là, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm theo dõi, thực hiện các biện pháp để phòng ngừa và ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật

Hoạt động kiểm soát hành vi sử dụng CDĐL đồng nghĩa với việc kiểm soát thông tin truyền tải tới người tiêu dùng; theo dõi sử dụng thương hiệu của đối thủ cạnh tranh để giảm thiểu các nguy cơ làm ảnh hưởng đến CDĐL của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm gắn CDĐL… Kiểm soát việc sử dụng CDĐL cũng bao gồm hành vi theo dõi, thực hiện các biện pháp để bảo vệ CDĐL khỏi sự xâm phạm, những hành vi lạm dụng CDĐL làm giảm uy tín, danh tiếng và giá trị sản phẩm gắn CDĐL của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm gắn CDĐL.

Ở châu Âu, các quy định về kiểm soát hành vi xâm phạm CDĐL cũng được quy định rõ ràng ở 2 mức độ: (i) Xử lý hành vi xâm phạm trên thị trường sẽ do các cơ quan quản lý nhà nước về xâm phạm sở hữu trí tuệ, quản lý thị trường xử lý; (ii) Hành vi xâm phạm trong hoạt động sử dụng CDĐL, được quy định theo nguyên tắc “sửa chữa” và ngăn cấm: cho phép tổ chức, cá nhân sửa chữa, khắc phục sai phạm và ngăn cấm nếu không sửa chữa hoặc vi phạm ở những lỗi không thể sửa chữa (Đào Đức Huấn, 2017). Với các hành vi xâm phạm CDĐL diễn ra khi sản phẩm đã được lưu thông trên thị trường sẽ không còn thuộc thẩm quyền xử lý của tổ chức quản lý CDĐL. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, chủ thể quyền có thể áp dụng biện pháp tự bảo vệ được quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) không bao gồm tổ chức quản lý CDĐL, bởi vậy sẽ gây khó khăn nếu tổ chức quản lý CDĐL muốn khởi kiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với CDĐL.

Sáu là, tổ chức quản lý CDĐL có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về tình hinh quản lý CDĐL theo định kỳ 2 năm một lần

Nghĩa vụ báo cáo tình hình quản lý CDĐL định kỳ của tổ chức quản lý CDĐL trước cơ quan có thẩm quyền có ý nghĩa quan trọng, một mặt giúp các cơ quan có thẩm quyền nắm bắt được thực trạng việc sử dụng CDĐL, từ đó có phương hướng để xử lý các hành vi xâm phạm đối với CDĐL cũng như thúc đẩy hoạt động phát triển CDĐL. Mặt khác, thông qua trách nhiệm báo cáo, tổ chức quản lý CDĐL cũng nâng cao ý thức trong hoạt động quản lý CDĐL, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động quản lý.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thống nhất việc cấp Văn bằng bảo hộ CDĐL theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và việc cấp Mã số vùng trồng theo quy định của Luật Trồng trọt kết hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã địa điểm GLN (tại Quyết định số 611/QĐ-TTg, ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho hai bộ).

Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư và định hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư hệ thống phòng thử nghiệm đáp ứng nhu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thứ ba, xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm trọng điểm theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 157/QĐ-TTg, ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Thứ tư, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ cần được tăng cường thực hiện. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc đăng ký CDĐL ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, phát triển hình ảnh, khẳng định vị thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ năm, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 theo hướngbổ sungquy định về thủ tục cấp quyền sử dụng CDĐL, điều kiện cấp quyền CDĐL;bổ sung quy định về nghĩa vụ công khai danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng CDĐL bởi tổ chức quản lý CDĐL./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Minh Bách Tùng (2020), Bảo hộ CDĐL: yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 17(417), tháng 9/2020.

2. Đào Đức Huấn (2017), Quản lý CDĐL cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế Quốc dân.

3. Đinh Trung Tụng (2005), Bình luận những nội dung mới của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nxb Tư Pháp.

4. Lê Thị Thanh Tâm (2017), Vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện tại, Tạp chí Thông tin khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 4.

5. Nhĩ Anh (2023), Còn nhiều CDĐL chưa được sử dụng nhận diện trong thương mại, xuất khẩu sản phẩm, truy cập từ https://vneconomy.vn/con-nhieu-chi-dan-dia-ly-chua-duoc-su-dung-nhan-dien-trong-thuong-mai-xuat-khau-san-pham.htm.

6. Viện Ngôn ngữ học (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

Ngày nhận bài: 13/5/2024; Ngày phản biện: 20/5/2024; Ngày duyệt đăng: 28/5/2024