Xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý gắn với nông sản tại thị trường Việt Nam
Từ khóa: chỉ dẫn địa lý, nông sản, thương hiệu
Summary
For agricultural products to be competitive in the market, branding is a must. However, currently, building geographical indication brands attached to our country's agricultural products still has many problems, such as overlapping management departments, weak brand awareness, and uncomplete product quality assessment and quality monitoring system, etc. In this article, the author proposes some directions to promote sustainable development of agricultural product brands.
Keywords: geographical indications, agricultural products, brands
GIỚI THIỆU
Chỉ dẫn địa lý xuất hiện do nhu cầu của những người sản xuất muốn đánh dấu cho các sản phẩm của mình để nhằm phân biệt sản phẩm do họ sản xuất với sản phẩm đến từ những vùng khác. Càng ngày, các nhà sản xuất càng ý thức được vai trò quan trọng như một phương tiện xúc tiến thương mại, làm gia tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm, mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho người sử dụng chỉ dẫn địa lý, như: tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khách hàng; sản phẩm bán chạy hơn và giá thành sản phẩm cũng cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại không được sản xuất ở khu vực địa lý đặc biệt đó. Người tiêu dùng cũng dựa vào những dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Ở một quốc gia có nhiều lợi thế về các mặt hàng nông sản như Việt Nam, thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng.
TIẾP CẬN VỀ SẢN PHẨM CHỈ DẪN ĐỊA LÝ
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là sản phẩm đặc thù có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của địa phương, khu vực hoặc quốc gia tương ứng. Danh tiếng của sản phẩm được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng biết đến và lựa chọn sản phẩm đó.
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng, hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, sinh học và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia theo phương pháp kiểm tra phù hợp.
Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên và yếu tố về con người. Trong đó, yếu tố tự nhiên bao gồm các yếu tố về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác. Yếu tố con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương được hội tụ trong sản phẩm.
THỰC TRẠNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHỈ DẪN ĐỊA LÝ GẮN VỚI SẢN PHẨM NÔNG SẢN TẠI VIỆT NAM
Mỗi bộ phận tự hành động, quản lý chồng chéo
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, vì vậy, Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý thông qua các cơ quan chức năng, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN)… hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ). Đó có thể là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi có vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh xác định và trao quyền quản lý (Hình).
Hình: Hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam
Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Hiện nay, những quy định về chủ thể cũng như nội dung quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chưa cụ thể, vì vậy mặc dù đã có 115 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ tính đến đầu năm 2023 (Bảo Hòa, 2023), nhưng mỗi chỉ dẫn địa lý lại được quản lý theo một hướng khác nhau. Đánh giá hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam sẽ dựa trên thực trạng hoạt động của tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý - nhân tố được coi là có tính chất quyết định đến sự thành công của việc quản lý chỉ dẫn địa lý.
Nhóm 1: Các chỉ dẫn địa lý chưa có tổ chức tập thể
Đối với một số chỉ dẫn địa lý chưa có tổ chức tập thể, việc quản lý chỉ dẫn địa lý hầu như chưa được thực hiện. Với các chỉ dẫn địa lý này, việc tiến hành các thủ tục yêu cầu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, chẳng hạn như UBND tỉnh Đắk Lắk (đối với cà phê Buôn Ma Thuột), Sở KHCN Phú Thọ (bưởi Đoan Hùng), Sở KHCN Lạng Sơn (hồi Lạng Sơn), Chi cục Tổng cục đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận (nước mắm Phan Thiết), Sở KHCN Nghệ An (cam Vinh), UBND tỉnh Thái Nguyên (chè Tân Cương), UBND tỉnh Bắc Giang (vải thiều Lục Ngạn), UBND tỉnh Bạc Liêu (gạo Hồng dân)… Lẽ ra, cơ quan quản lý phải thực hiện chức năng quản lý bên ngoài, song lại thực hiện trực tiếp hoạt động liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
Nhóm 2: Đã thành lập tổ chức tập thể, nhưng tổ chức này chưa thực sự tham gia vào quá trình quản lý chỉ dẫn địa lý
Tiêu biểu là trường hợp của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận và Hội nước mắm Phú Quốc. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận được thành lập từ năm 2003 với mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh thanh long nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tăng thu nhập cho hội viên. Ngoài ra, Hiệp hội có trách nhiệm phối hợp với Ban Kiểm soát (do Sở KHCN tỉnh Bình Thuận thành lập) thực hiện việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thông thường, mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý hợp lý cần phân bổ một cách cân đối vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm soát và của tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, từ đó, các hoạt động kiểm soát từ bên ngoài và trong nội bộ được tiến hành song song. Đối với chỉ dẫn địa lý Bình Thuận, Hiệp hội hầu như không hình thành cơ cấu kiểm soát nội bộ, không có các nhân viên kiểm soát quá trình trồng, thu hoạch thanh long của các hội viên. Điều này dẫn tới hậu quả là không xác định được số lượng thực tế thanh long được sản xuất và lưu thông ra thị trường, gây khó khăn cho quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đối với sản phẩm nước mắm Phú Quốc, sự tham gia nhiều và sâu của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như nhiều bộ, ban, ngành trong việc kiểm soát chất lượng đối với nước mắm Phú Quốc đã làm cho hệ thống trở nên cồng kềnh, chồng chéo, chính vì vậy, hiệu quả thực tế vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, cũng giống như thanh long Bình Thuận, mô hình vẫn đặt nặng trách nhiệm của Ban Kiểm soát: tất cả các hoạt động kiểm soát hiện trạng sản xuất, chế biến, tình hình kinh doanh, vốn dĩ nên thuộc trách nhiệm kiểm soát nội bộ của Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc hiện nay đều do Ban Kiểm soát đảm nhiệm.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù tổ chức tập thể của hai chỉ dẫn địa lý trên được thành lập, tuy nhiên vai trò của họ khá mờ nhạt. Thực tế, hoạt động của hai tổ chức tập thể này bị hành chính hóa và chính trị hóa, chỉ dừng lại ở các quy định do các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương ban hành, hoạt động quản lý bên ngoài và hoạt động quản lý bên trong bị lẫn lộn.
Nhóm 3: Tổ chức tập thể đóng vai trò nòng cốt, xuyên suốt quá trình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý
Đó là trường hợp gạo tám xoan Hải Hậu và vải thiều Thanh Hà. Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu được thành lập tháng 10/2005 với mục đích khôi phục lại các giống lúa tám truyền thống, có chất lượng cao dưới sự hộ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp. Tiếp đó, Hiệp hội tiến hành nghiên cứu chất lượng đặc thù của gạo tám xoan, xác định điều kiện địa lý đặc trưng ảnh hưởng đến đặc thù chất lượng, từ đó, khoanh vùng khu vực địa lý. Hiệp hội cũng tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm bón, thu hoạch và quy trình công nghệ sau thu hoạch kết hợp áp dụng các kinh nghiệm truyền thống với kỹ thuật hiện đại. Hiệp hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế và tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn trong canh tác, chế biến gạo tám xoan Hải Hậu. Sau khi xây dựng và vận hành ổn định hệ thống quản lý, Hiệp hội tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý Hải Hậu. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tập hợp những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tham gia vào thị trường với khối lượng sản phẩm lớn và ổn định. Nhờ đó, gạo tám xoan Hải Hậu truyền thống đã được khôi phục và có chất lượng đồng nhất khi đưa ra thị trường. Đặc biệt, Hiệp hội đã chủ động tìm kiếm kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm thông qua các đại lý chính thức tại Hà Nội và một số thị trường khác. Điều này không chỉ giúp người sản xuất yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, mà còn giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được sản phẩm mang chỉ dẫn gạo tám xoan Hải Hậu.
Đối với Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải Thiều Thanh Hà, công việc đầu tiên của Hiệp hội là xây dựng quy trình kỹ thuật tập thể kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất truyền thống của nông dân cùng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tổ chức áp dụng quy chế giám sát chất lượng nội bộ từ sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2006, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hỗ trợ kỹ thuật Đức (GTZ), Hiệp hội đã tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao năng lực tổ chức và quản lý chất lượng ngành hàng, đồng thơi tiến hành các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Sau khi chỉ dẫn địa lý Thanh Hà được bảo hộ, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm mở rộng vùng sản xuất, nâng cao sản lượng vải. Sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý đã được xuất khẩu chuyến đầu tiên sang Đức vào tháng 6/2007 đã mở đầu cho xuất khẩu lô hàng 20-25 tấn vải thiều sơ chế, đóng gói với giá cao hơn từ 30 đến 40% giá vải cùng loại đang bán trên thị trường trong nước. Năm 2007, một số công ty đã thu mua lượng vải thiều gấp 8 lần so với năm 2006, góp phần giải quyết khó khăn đầu ra cho vùng vải truyền thống nổi tiếng này (Diệu Thúy, 2023).
Mặc dù hai sản phẩm vải thiều Thanh Hà và gạo tám xoan Hải Hậu có số lượng hạn chế nên việc quản lý không quá khó khăn, tuy nhiên thành công bước đầu của các tổ chức tập thể này đã khẳng định vai trò không thể thiếu của tổ chức tập thể trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý.
Hệ thống nhận diện thương hiệu nông sản còn yếu
Hiện nay, với nhiều nhà sản xuất nông nghiệp, thì chỉ dẫn địa lý chủ yếu chỉ dựa vào việc đăng ký và bảo hộ, chứ không có cơ sở mở rộng bảo hộ thêm, thiếu ý thức marketing thương hiệu. Cụ thể, liên quan đến quảng bá thương hiệu, thì thiếu hệ thống sản phẩm và chỉ dẫn địa lý về tuyên truyền, thậm chí có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản chỉ dẫn địa lý vì lợi ích trước mắt, mà thiếu kế hoạch và tư duy dài hạn; trong sản xuất chú trọng số lượng, chứ không chú trọng chất lượng; trong quá trình bán hàng chỉ đơn thuần là tiếp thị sản phẩm, chưa khai thác hết nội hàm văn hóa của các dấu hiệu địa lý.
Hệ thống đánh giá chất lượng và hệ thống quản lý chưa hoàn thiện
Nhìn chung, việc kiểm soát chất lượng nông sản chưa chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Chất lượng của sản phẩm phần lớn được đảm bảo bởi đạo đức của người nông dân. Trong khi đó, một số nhà khai thác vì chạy theo lợi nhuận, nên sản phẩm dù không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, song vẫn lấy tên chỉ dẫn địa lý thương hiệu nông sản để bán, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thương hiệu.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đưa ra định hướng trong việc xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý gắn với nông sản tại thị trường Việt Nam, nhằm thúc đẩy thương hiệu nông sản phát triển bền vững, cụ thể như sau:
Thứ nhất, định vị thương hiệu rõ ràng
Đặc điểm cơ bản của chỉ dẫn địa lý nông sản là nông sản vừa có thương hiệu chung, vừa có tính đặc thù riêng về hương vị thơm ngon của sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc định vị sản phẩm nông nghiệp nên dựa trên các thuộc tính tự nhiên của chúng.
Thứ hai, phối hợp hiệu quả và phát huy đầy đủ vai trò tích cực của tất cả các bên
Quản lý thương hiệu gắn chỉ dẫn địa lý nông sản là một quá trình liên quan đến sản xuất và vận hành, liên quan đến Chính phủ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, nông dân và hành vi của người tiêu dùng. Do đó, bất kỳ bên nào không hành động đều sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện hiệu quả quản lý thương hiệu gắn chỉ dẫn địa lý nông sản. Vì vậy, phải làm rõ vai trò và phát huy hết vai trò của các bên. Trong đó, Chính phủ phải đóng vai trò quản lý vĩ mô và điều phối toàn diện.
Thứ ba, thiết lập cơ chế quản lý hợp lý
Cần xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý nông sản, hệ thống quản lý nhận diện; tăng cường quyền tập thể chỉ dẫn địa lý. Thiết kế logo cho thương hiệu chỉ dẫn địa lý nông sản cần được kiểm soát chặt chẽ để giám sát, thiết lập hệ thống cấp phép, quản lý và giám sát chất lượng chỉ dẫn địa lý cho nông sản, tiêu chuẩn hóa việc sử dụng chỉ dẫn địa lý; nên chuẩn hóa nghiêm ngặt và chuẩn hóa quy trình sản xuất nông sản, chuẩn hóa và công nghiệp hóa sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều. Có cơ chế khen thưởng hoặc bồi thường cho nhà sản xuất đối với hành động chống lại thương hiệu chỉ dẫn địa lý./.
ThS. Nguyễn Thị Vân Quỳnh - Trường Đại học Thương mại
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo Hòa (2023), Chỉ dẫn địa lý tăng số lượng nhưng nhận diện chưa tốt, vì đâu nên nỗi?, truy cập từ https://sohuutritue.net.vn/chi-dan-dia-ly-tang-so-luong-nhung-nhan-dien-chua-tot-vi-dau-nen-noi-d157462.html.
2. Diệu Thúy (2023), Tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/tang-kha-nang-canh-tranh-cua-cac-san-pham-mang-chi-dan-dia-ly/839108.vnp.
3. Ries, A., Trout, J. (1986), Positioning: The Battle for Your Mind, McGraw Hill, New York.
Bình luận