Mua sắm trực tuyến vẫn là điều “xa xỉ” đối với người tiêu dùng
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại hội thảo, kết quả nghiên cứu về “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” do nhóm chuyên gia thuộc CIEM phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử (Vecom) và Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng thực hiện cũng được công bố.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, internet và công nghệ thông tin là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Internet mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ vì nó giúp giảm chi phí giao dịch, mở rộng phạm vi quảng bá. Internet cũng là một phương thức có hiệu quả để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế, giúp các doanh nghiệp thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa bằng cách giảm thiểu các khâu trung gian. Ngoài ra, internet còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối doanh nghiệp với mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Cũng theo điều tra của nhóm nghiên cứu, ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử. Đầu tiên là hạ tầng kỹ thuật viễn thông internet đang dần được cải thiện và phát triển. Số người sử dụng internet tăng từ 17.720.000 lên 33.200.000 năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,48%/năm. Cùng với đó, tỷ lệ người sử dụng internet/100 người dân tăng từ 21,05% năm 2007 lên 37% năm 2013.
Đặc biệt, thị phần doanh thu từ dịch vụ di động trong tổng doanh thu internet và viễn thông ngày càng lớn do sự suy giảm của doanh thu từ các dịch vụ khác. Cụ thể, doanh thu từ internet và viễn thông tăng lên trong giai đoạn 2009-2013 là từ 6,87 tỷ USD lên 7,37 tỷ USD năm 2013.
Đồng tình với những lợi ích mà báo cáo đưa ra, tuy nhiên, PGS. TS Trần Kim Chung cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay ở Việt Nam, mặc dù tiềm năng phát triển thương mại điện tử lớn, song lại chưa được khai thác một cách tối đa bởi nhiều rào cản.
Trong đó, PGS. TS Chung nhấn mạnh rào cản về người tiêu dùng, do họ thiếu niềm tin vào chất lượng hàng hóa... Chính vì vậy, các hình thức thương mại điện tử, như: mua chung, mua sắm trực tuyến… vẫn là điều xa xỉ đối với người tiêu dùng.
Một thách thức khác được ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng đưa ra, đó là hiện nay ở Việt Nam, chi phí thương mại điện tử vẫn ở mức khá cao (ước khoảng 20% doanh thu). Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi xuất hiện trên môi trường mở cũng có nghĩa là họ phải chịu những thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
“Mặc dù họ có thể đã đăng ký bản quyền cho thương hiệu, nhưng cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn các trang web bán sản phẩm giả trên mạng, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Chúc nhận định.
Còn ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam lại cho rằng, việc thiếu nhân lực có kỹ năng trong các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất cản trở sự phát triển thương mại điện tử.
“Rất nhiều doanh nghiệp có website, nhưng cả một tháng không cập nhật một lần vì thiếu nhân lực”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại hội thảo cũng có nhiều ý kiến cho rằng, môi trường pháp lý và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mặc dù được cải thiện trong thời gian gần đây, song vẫn là yếu tố cản trở việc ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Theo đó, đưa ra giải pháp để phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu về “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” kiến nghị, Chính phủ nên thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ internet và đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.
Đồng ý với quan điểm của nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Thành Hưng lưu ý thêm, khi xây dựng các chính sách về thương mại điện tử cần có sự kết hợp của các bộ ngành và cần phải có những nghiên cứu tiên phong để làm sao có thể cân bằng giữa lợi ích và cạnh tranh.
Khuyên các doanh nghiệp của Việt Nam nên sử dụng internet để tiết kiệm tiền, vươn tới những thị trường mới và nâng cao năng suất lao động, ông Alex Long, Giám đốc đối ngoại công ty Google khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, sắp tới, Google muốn hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam khác để đảm bảo rằng Việt Nam có thể tận dụng được tối đa lợi ích kinh tế từ internet./.
Bình luận