Kinh nghiệm thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn bằng công nghệ cao của Trung Quốc
Đưa công nghệ mới vào nông nghiệp-nông thôn là xu hướng tất yếu
Cơ sở hạ tầng mới tập trung vào internet và cơ sở hạ tầng dịch vụ liên quan là điều kiện tiên quyết, để chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn của các quốc gia đang phát triển.
Sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế nền tảng không chỉ mở ra thị trường mới cho nông sản và các sản phẩm phụ, mà còn mang đến cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân những cơ hội mới. Việc ứng dụng công nghệ số bao gồm internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn, chuyển đổi và phát triển bền vững hệ thống lương thực và nông nghiệp. Hạ tầng thông tin không chỉ là trở ngại lớn đối với quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp, nông thôn, mà còn làm tăng nguy cơ gia tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế thuộc Liên Hợp quốc, ước tính có khoảng 37% dân số thế giới - hay 2,9 tỷ người - chưa bao giờ sử dụng internet. Phần lớn 2,9 tỷ người lại sống ở các nước kém phát triển và khu vực nông thôn. Trên toàn cầu, người dân ở khu vực thành thị có xu hướng sử dụng internet cao gấp đôi so với người dân ở khu vực nông thôn (76% cư dân thành thị so với 39% cư dân nông thôn). Riêng châp Phi tỷ lệ chỉ đạt 15% đối với cư dân nông thôn.
Để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn và cho phép những người sống ở nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa chia sẻ lợi ích của số hóa, cả các quốc gia phát triển, bao gồm các nước châu Âu và Mỹ, cũng như các quốc gia đang phát triển, với đại diện là Trung Quốc và Ấn Độ đã cho ra đời các dự án xây dựng băng thông rộng nông thôn và chuyển đổi kỹ thuật số nông nghiệp và nông thôn.
Chẳng hạn, nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn, chính phủ Mỹ đã đưa ra kế hoạch băng rộng nông thôn vào năm 2002. Kết quả là trong giai đoạn 2014-2018, tốc độ thâm nhập của các dịch vụ băng rộng cố định 100 megabit/giây ở vùng nông thôn Mỹ đã tăng từ 27% lên 63%. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước so với tỷ lệ thâm nhập 97% ở khu vực thành thị.
Năm 2012, Ấn Độ khởi động dự án băng thông rộng nông thôn, nhằm cung cấp dịch vụ băng thông rộng cáp quang cho 250.000 Gram Panchayats (hội đồng làng). Năm 2018, chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng một dự án kỹ thuật số thí điểm tại 700 ngôi làng, nhằm nâng cao kỹ năng kỹ thuật số của công dân nông thôn và cải thiện các dịch vụ công ở khu vực nông thôn, chẳng hạn như: Giáo dục, dịch vụ y tế và tài chính. Việc triển khai dự án băng thông rộng nông thôn đã làm tăng số lượng người dùng internet ở vùng nông thôn Ấn Độ từ 130 triệu người vào năm 2017 lên 350 triệu người vào năm 2021, với tỷ lệ thâm nhập internet trong giai đoạn này tăng từ 15% lên 37%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng internet ở vùng nông thôn Ấn Độ, nơi có dân số 900 triệu người, không chỉ thấp hơn nhiều so với ở thành thị Ấn Độ (69%), mà còn thấp hơn mức trung bình toàn cầu (39%).
Để thu hẹp khoảng cách về dân trí kỹ thuật số, Trung Quốc đã cho ra đời các dự án xây dựng băng thông rộng nông thôn và chuyển đổi kỹ thuật số nông nghiệp và nông thôn (nguồn:Asiafinancial) |
Ứng dụng công nghệ mới giúp thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn ở Trung Quốc
Sự phát triển dựa trên công nghệ thông tin của ngành nông nghiệp, cũng như khu vực nông thôn của Trung Quốc bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1990 cùng với việc bắt đầu xây dựng thông tin của quốc gia. Sau gần ba thập kỷ nỗ lực gian khổ, đặc biệt được thúc đẩy bởi kế hoạch thông tin hóa nông nghiệp, nông thôn và chiến lược làng kỹ thuật số trong 10 năm qua, Trung Quốc, với lợi thế về thể chế kết hợp giữa chính phủ năng động và thị trường hiệu quả, đã tăng cường đáng kể việc xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng, bao gồm internet và hậu cần, cũng như các cơ sở dịch vụ mềm như: Dịch vụ thông tin và dịch vụ thương mại điện tử ở khu vực nông thôn. Điều này đã đặt nền móng vững chắc cho sự chuyển đổi, phát triển và nâng cao chất lượng của ngành nghề nông thôn, quản trị làng xã và dịch vụ công nông thôn. "Cơ sở hạ tầng là trên hết" đã trở thành một đặc điểm nổi bật của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đối với nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc.
Kể từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt dự án do chính phủ định hướng và định hướng thị trường - chẳng hạn như dự án thí điểm dịch vụ viễn thông toàn cầu, dự án đưa thông tin đến các làng và hộ gia đình, dự án trình diễn toàn diện thương mại điện tử ở nông thôn - với mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng băng thông rộng, mạng lưới hậu cần, cửa hàng dịch vụ thông tin cho dân làng và các trang web dịch vụ thương mại điện tử ở khu vực nông thôn.
Đến cuối năm 2021, mức độ phủ sóng của các dịch vụ internet băng thông rộng tại các làng hành chính, làng nghèo của Trung Quốc và "ba khu vực và ba quận" trong tình trạng nghèo cùng cực đều đạt 100%, một bước nhảy vọt so với mức dưới 70%, 62% và 26% tương ứng vào năm 2015. Các khu vực nông thôn và thành thị của đất nước đã được hưởng tốc độ internet nhanh như nhau, với tốc độ tải xuống trung bình của mạng cáp quang ở khu vực nông thôn vượt quá 100 Mb mỗi giây, thu hẹp khoảng cách truy cập kỹ thuật số cho hàng trăm triệu người công dân nông thôn. Tỷ lệ thâm nhập internet ở khu vực nông thôn tăng từ 32% năm 2015 lên 58% năm 2021, với khoảng cách thành thị-nông thôn thu hẹp từ 32 điểm phần trăm xuống 23 điểm phần trăm.
Đến cuối năm 2020, Trung Quốc đã thành lập 454.000 cửa hàng dịch vụ thông tin để cung cấp dịch vụ cho dân làng, chiếm gần 90% tổng số làng hành chính; và tổng cộng 547.000 trang web dịch vụ thương mại điện tử đã được xây dựng tại 401.000 làng hành chính trên khắp Trung Quốc, chiếm gần 80% tổng số làng hành chính. Điều đó khiến nó trở thành mạng dịch vụ thông tin toàn diện lớn nhất thế giới dành cho khu vực nông thôn với các chức năng như: Dịch vụ công, dịch vụ tiện ích cho công chúng, dịch vụ thương mại điện tử và đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp.
Nhờ sự phát triển “như nấm” của cơ sở hạ tầng thông tin và mạng lưới dịch vụ, các khu vực nông thôn của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển nhảy vọt của thương mại điện tử trong thập kỷ qua. Điều này không chỉ tạo ra hàng chục triệu cơ hội việc làm và cơ hội khởi nghiệp kinh doanh cho dân làng Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa sâu sắc, đã thay đổi cơ cấu công nghiệp và mô hình tăng trưởng ở các làng quê Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại, đến cuối năm 2021, số lượng chủ doanh nghiệp trực tuyến và cửa hàng trực tuyến ở nông thôn đạt 16,325 triệu, chiếm 3/4 tổng số toàn quốc. Từ quan điểm này, Trung Quốc chắc chắn đã thành lập mạng lưới thương mại điện tử nông thôn lớn nhất thế giới.
Chinadaily cho biết, năm 2020, Trung Quốc có 940 triệu người dùng internet. Trong khi 71,8% số người dùng này tập trung ở thành thị, chỉ có 28,2% sống ở nông thôn. Tỷ lệ thâm nhập internet trung bình của Trung Quốc là khoảng 67%. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao tới 76,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng internet ở khu vực nông thôn Trung Quốc chỉ là 46,2%. Điều này cho thấy sự khác biệt lớn về kỹ thuật số giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc.
Việc phổ biến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các làng quê Trung Quốc cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thông minh đối với quản trị nông thôn và dịch vụ công. Ví dụ, vào năm 2019, làng Wusi ở huyện Deqing, tỉnh Chiết Giang đã ra mắt chương trình làng kỹ thuật số trong một bản đồ, bằng cách thiết lập một mạng cảm biến bao phủ hơn 500 thiết bị cảm biến nằm rải rác khắp làng và một hệ thống xử lý thông tin thông minh, đã thực hiện giám sát trực quan và quản lý thông minh các công việc quan trọng của làng, chẳng hạn như phân loại rác, bảo vệ đất nông nghiệp và giám sát vùng nước, đồng thời nâng cao đáng kể hiệu quả quản trị làng. Tính đến năm 2021, hệ thống này đã được quảng bá trên toàn huyện Deqing, nơi có hơn 300.000 dân làng và được áp dụng thành công ở nhiều địa phương khác trên toàn quốc.
Theo tờ China Daily, Trung Quốc được coi là quốc gia có nền nông nghiệp lớn nhưng không mạnh. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh cải cách ruộng đất bằng việc áp dụng công nghệ 5G. Tại trung tâm điều khiển từ xa trong khu nông nghiệp hiện đại ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, các kỹ sư nông nghiệp đang vận hành hệ thống canh tác thông minh. Công nghệ thông tin hiện đại cho phép họ thực hiện các thao tác một cách chính xác. Sử dụng bộ truyền động tại chỗ, các kỹ sư hiện trường có thể bắt đầu hoặc dừng từ xa việc tưới tiêu, phun sương hoặc các hoạt động nông nghiệp quan trọng khác. Máy còn được trang bị nhiều cảm biến hỗ trợ hoạt động canh tác, theo dõi sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, phát hiện sâu bệnh…, để dự đoán nguồn lây bệnh cho cây trồng.
Với sự hỗ trợ của hệ thống cáp quang và dịch vụ internet 5G, khu nông nghiệp hiện đại với tổng diện tích 1.000ha, hiện có 28 dự án canh tác thông minh được vận hành bằng hệ thống giám sát từ đất và dịch bệnh của cây trồng. Ngoài ra, máy bay không người lái cũng được sử dụng để giúp thu thập dữ liệu về chất lượng đất, độ ẩm và các thông tin khác liên quan đến quy hoạch cây trồng.
China Mobile là nhà khai thác di động lớn nhất ở Trung Quốc, với 950 triệu khách hàng di động và 172 triệu khách hàng kết nối băng thông rộng không dây. Vào năm 2019, nó đã cung cấp quyền truy cập băng thông rộng tới 43.000 làng hành chính, bao gồm cung cấp cho 38.000 làng kết nối băng thông rộng hữu tuyến và 4.564 làng có kết nối mạng 4G.
Cùng với China Unicom, China Mobile đã đầu tư 5,8 tỷ USD vào dự án Dịch vụ Viễn thông Toàn cầu, tập trung vào việc bắc cầu nối khoảng cách kỹ thuật số giữa dân cư nông thôn và thành thị. Dự án tập trung vào việc nâng cấp tốc độ và giảm giá cước để người dân nông thôn có quyền truy cập internet bình đẳng.
Công cụ điện thoại thông minh nông nghiệp dựa trên IoT của China Mobile đã giúp nông dân tại Trang trại Saihu ở Ruichang tăng tổng sản lượng thêm 1,05 triệu kg vào năm 2018. Bằng cách giúp nông dân Vân Nam áp dụng các kênh thương mại điện tử, China Mobile đã tăng doanh số bán mận lên 1.000 thùng trong chỉ 5 ngày. China Mobile đang nhanh chóng tăng khả năng tiếp cận internet của khu vực nông thôn bằng cách kết nối hàng nghìn ngôi làng với mạng băng thông rộng và 4G của mình mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ số, AI, IoT đã giúp Trung Quốc đảm bảo tốt an ninh lương thực cho trên 1,3 tỷ người (nguồn: Research.rabobank)
|
Khắc Nam
Theo Báo chí nước ngoài- tháng 12/2022
Bình luận