Ngày 03/10/2019, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp tổ chức khai mạc Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số, làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.

Mặc dù vậy, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn

“Hiện chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển.”, ông Bình cho biết.

Bên cạnh đó, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Xuất phát từ thực tế trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.

"Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp này có tầm quan trọng không kém. Do đó, với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết này" - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam cho biết, tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với chúng ta, đây còn là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước.

“Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Dũng, để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực; cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế. Thách thức là rất lớn.

“Với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ, với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết./.