Mặt hàng nhiều triển vọng

Những năm trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đóng góp khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, đứng thứ 3 trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng xuất khẩu cá ngừ 4 tháng đầu năm 2016 đạt 141 triệu USD, trong đó, cá ngừ đông lạnh đạt 85 triệu USD, tăng 13,7%.

Cả nước hiện có khoảng 144 công ty chế biến và xuất khẩu cá ngừ. Trong đó có 16 công ty lớn với công suất trên 1.000 tấn cá ngừ/năm và chiếm tới 85% tổng sản lượng xuất khẩu.

Bên cạnh lượng cá ngừ mua trong nước, các doanh nghiệp còn nhập một lượng lớn cá ngừ từ nước ngoài về tái chế biến xuất khẩu (trên 50%). Ước tính hiện nay, cả nước có 3.600 tàu với hơn 35.000 ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng đánh bắt mỗi năm đạt khoảng 17.000 tấn.

Hiện nay sản phẩm cá ngừ đại dương (dạng phi lê đông lạnh) của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới, chủ yếu là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Song, việc đáp ứng điều kiện xuất khẩu lại không đơn giản

Theo VASEP, với các hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - EU, sắp tới là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một vấn đề khá nan giải đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang phải đối mặt là những rào cản của nước sở tại về những quy định khắt khe đối với mặt hàng cá ngừ nhập khẩu vào những nước này.

Người tiêu dùng trên thế giới ngày càng đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, tính khai thác bền vững của sản phẩm cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn lao động của ngư dân. Do vậy, rất khó khăn cho cả người khai thác và các nhà chế biến đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt này.

Chẳng hạn như đối với thị trường Mỹ: Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ nhận được văn bản của Cơ quan Dịch vụ thủy sản quốc gia (thuộc Cơ quan về Khí quyển và Đại dương quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ), thông báo quy định mới liên quan tới việc xuất khẩu sản phẩm cá ngừ vào thị trường này.

Theo quy định mới của Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS) nhằm thực thi Luật Thông tin cho người tiêu dùng về bảo vệ cá heo của Mỹ (the Dolphin Protection Consumer Information Act - DPCIA), kể từ ngày 21/5/2016 trở đi, để tất cả các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu vào Mỹ có đủ điều kiện dán nhãn “An toàn Cá heo” (Dolphin Safe) thì các nhà máy chế biến xuất khẩu phải cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ thủy sản, Giấy chứng nhận của thuyền trưởng tàu khai thác xác nhận rằng không có lưới vây hay thiết bị khai thác nào khác cố ý được sử dụng để bao vây cá heo trong suốt chuyến đi đánh bắt cá ngừ, và không có con cá heo nào bị giết hoặc bị thương nghiêm trọng trong các lần đánh bắt hay sử dụng các thiết bị để đánh bắt cá ngừ.

Thuyền trưởng của các tàu khai thác cá ngừ cũng bắt buộc phải có Chứng chı̉ hoàn tất khóa học “Đào tạo an toàn cá heo dành cho thuyền trưởng” đối với tất cả các chuyến đánh cá, ngoại trừ các tàu dùng lưới vây lớn đánh cá ở vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương có trọng tải hơn 400 tấn (362,8 mt).

VASEP cho rằng, đây là quy định mới và bắt buộc của Chính phủ Mỹ. Quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đến tất cả các lô hàng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ từ ngày 21/5/2016.

Cùng với đó là tại thị trường Chile, theo VASEP, trong tháng 3/2016, Chile đột ngột cấm nhập khẩu mặt hàng cá ngừ xông CO (carbon monoxide) mà không có bất kỳ thông báo nào đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như các nhà xuất nhập khẩu.

Cũng theo VASEP, đây là quy định không minh bạch và bất bình đẳng của Chính phủ Chile, không phù hợp với các thông lệ xử lý nguy cơ liên quan đến Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật và Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại của WTO trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Chile đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 và Chile cũng đang xuất khẩu thịt bò xông CO vào Việt Nam. Lệnh cấm nêu trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sản phẩm cá ngừ xông CO của Việt Nam vào Chile, tạo ra các rào cản không đáng có trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Sản phẩm cá ngừ đại dương (dạng phi lê đông lạnh) của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới

Doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin

Trước những yêu cầu của các nước nhập khẩu, để đảm bảo không gây gián đoạn cho các lô hàng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam vào Chile, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với Bộ Nông nghiệp Chile để phía Chile giải thích rõ lý do ban hành lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm cá ngừ xông CO vào Chile theo quy trình thông lệ quốc tế. Nếu các lý do đó không phù hợp hoặc đi ngược lại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile thì yêu cầu phía Chile dỡ bỏ lệnh cấm nói trên.

Và để đáp ứng quy định của Mỹ, các sản phẩm cá ngừ có đủ điều kiện dán nhãn “An toàn Cá heo”, VASEP kiến nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và xem xét bổ sung mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ thủy sản (Fisheries Certificate of Origin), Giấy chứng nhận của thuyền trưởng (Captain Statement) vào Phụ lục IV “Xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác” của Thông tư 50/2015/BNNPTNT, ngày 30/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, tổ chức phổ biến các yêu cầu mới, cũng như tài liệu khóa học “Đào tạo an toàn cá heo dành cho thuyền trưởng” tới thuyền trưởng các tàu khai thác cá ngừ và giám sát việc tuân thủ đúng các quy định mới này của các tàu cá để các doanh nghiệp có đủ giấy tờ cung cấp cho nhà nhập khẩu lô hàng tại Hoa Kỳ.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, để các doanh nghiệp không gặp phải bất kỳ vướng mắc gì khi xuất khẩu sản phẩm cá ngừ, cần cập nhật thông tin và áp dụng đúng các quy định mà phía các nước nhập khẩu đặt ra.

Tài liệu tham khảo:

Thanh Loan (2016). Xuất khẩu cá ngừ muốn thắng phải liên kết, truy cập từ http://cdn.thoibaokinhdoanh.vn/Lang-kinh-8/Xuat-khau-ca-ngu-Muon-thang-phai-lien-ket-22988.html

Thu Hòa (2016). Nhiều quy định khắt khe về xuất khẩu cá ngừ, truy cập từ www.baohaiquan.vn