Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam: Sẽ chưa có tác động trong ngắn hạn
Không phải chính sách tỷ giá tạo ra thành công trong thương mại quốc tế của Việt Nam
Ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" trong đó xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng thể hiện quan điểm của mình. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Chính sách này sẽ tiếp tục được Việt Nam duy trì trong thời gian tới.
Về phía thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích, dự báo tác động từ phán quyết của Mỹ đến Việt Nam. Chứng khoán Yuanta cho rằng, sẽ chưa có tác động trong ngắn hạn đến Việt Nam từ phán quyết này. “Theo quy định hiện hành, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tham gia quá trình giải quyết tình trạng mất cân bằng tỷ giá và thâm hụt với các đối tác sau khi dán nhãn thao túng tiền tệ. Các hình phạt, bao gồm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ chỉ có thể được áp dụng sau 1 năm kể từ khi đưa vào danh sách. Việt Nam sẽ có thời gian để giải thích, thuyết phục và đàm phán các biện pháp giảm bớt tình trạng thặng dư thương mại với Hoa Kỳ”, Chứng khoán Yuanta nhận định.
Một trong những yếu tố thuận lợi cho Việt Nam được Chứng khoán Yuanta nêu lên là đội ngũ của Tổng thống đắc cử Biden của Mỹ dự báo có những quan điểm hài hòa hơn trong vấn đề tỷ giá. Cụ thể, bà Janet Yellen - người được Tổng thống đắc cử Biden bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính, nếu thuận lợi, đã nêu quan điểm rằng: “Rất khó để xác định một quốc gia tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng thông qua điều hành tỷ giá”. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ sẽ cân nhắc vấn đề thắt chặt quan hệ với các đối tác quan trọng tại Đông Nam Á trong việc tạo thế cân bằng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Nếu trong trường hợp hai nước không tìm được tiếng nói chung sau 1 năm, các biện pháp thuế quan được áp dụng dù xác suất xảy ra là rất thấp, thì các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gồm điện thoại, dệt may, đồ gỗ và thủy sản sẽ gặp bất lợi.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu tổng thể kỷ lục 19,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu sang Hoa Kỳ 51 tỷ USD, vượt cả năm 2019, trong khi đó quy mô GDP đạt xấp xỉ hơn 260 tỷ USD. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực nhiều năm bằng nhiều chính sách kinh tế đa dạng của Việt Nam.
Sở dĩ Việt Nam bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ dán nhãn “thao túng tiền tệ” vì đáp ứng 3 tiêu chí mà Hoa Kỳ đưa ra. Thứ nhất, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD. Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP (giảm từ 3% GDP trước đây) và thứ ba, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Trong báo cáo ra ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ đưa Ấn Độ, Đài Loan và Thái Lan vào danh sách theo dõi chính thức. 5 nền kinh tế khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore và Malaysia vẫn ở trong danh sách theo dõi từ trước đó.
Với Việt Nam, Bộ Tài chính Hoa Kỳ dựa theo 3 căn cứ trên để đánh giá, nhưng góc nhìn từ Chứng khoán Yuanta thì cho rằng, thành công trong thương mại quốc tế của Việt Nam là nhờ nỗ lực hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư. Việt Nam có độ mở kinh tế cao, đàm phán và tham gia 14 hiệp định thương mại, gần nhất là CP TPP, EVFTA, RCEP, qua đó Việt Nam liên tục ghi nhận tăng trưởng dòng vốn FDI kể từ 2013, nhằm đón đầu các cơ hội đến từ các hiệp định thương mại này. Trong cơ cấu FDI đăng ký vào Việt Nam, xấp xỉ 70% là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, chủ yếu phục vụ xuất khẩu và do đó chúng tôi không quá ngạc nhiên khi trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây thì khu vực FDI luôn chiếm xấp xỉ 68-70% kim ngạch xuất khẩu. Sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chủ yếu đến từ các nước vốn đã là đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore là nguyên nhân chính khiến cho Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với đối tác Hoa Kỳ. Như vậy, thương mại quốc tế Việt Nam liên tục đạt thành công đặc biệt sau 2017, chủ yếu là do nỗ lực hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nhiều năm trước đó, chứ không phải đến từ chính sách tỷ giá. “Việt Nam đang tiếp tục đàm phán 2 hiệp định thương mại khác là Việt Nam-EFTA (Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Việt Nam - Isreal FTA. Do vậy chúng tôi lạc quan FDI vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục dồi dào, giúp thúc đẩy và đa dạng hóa hơn nữa thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế”, Yuanta nhận định.
Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến việc liệu TTCK có xấu đi khi Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam
Công ty này đồng tình với phản hồi của Ngân hàng Nhà nước rằng, việc mua ngoại tệ (khoảng 20 tỷ USD lũy kế 1 năm) là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Hiện tại dữ trữ ngoại hối Việt Nam hiện quanh mức 93 tỷ USD, tương đương 4,1 tháng nhập khẩu, thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia (133 tỷ USD, tương đương 9,4 tháng nhập khẩu), Malaysia (104 tỷ USD, tương đương 6,1 tháng) và Philippines (104 tỷ USD, tương đương 11,1 tháng).
TTCK Việt Nam không xấu đi khi Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam
Để cải thiện tình trạng thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ, Chứng khoán Yuanta cho rằng có nhiều biện pháp. Bên cạnh các giải pháp về tỷ giá, tăng cường minh bạch, chống gian lận xuất xứ hàng hóa (do nước thứ ba lợi dụng Việt Nam né tránh trừng phạt của Hoa Kỳ), trước mắt Việt Nam có thể tăng cường cam kết nhập khẩu các mặt hàng mà Hoa Kỳ có thế mạnh. Các mặt hàng có thể giúp giảm thặng dư bên cạnh nông sản, máy móc thiết bị công nghệ cao là khí LNG, mặt hàng mà Việt Nam đang cần để giải quyết vấn đề thiếu hụt khí vốn đang ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế nói chung và lĩnh vực sản xuất điện - đạm của Việt Nam nói riêng vào năm 2022 sau khi dự án kho chứa LNG của PV GAS đi vào hoạt động. Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam thì đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Việt Nam cần nhập khẩu từ 1 đến 4 tỷ m3 khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025; con số này có thể tăng tới mức 6-10 tỉ m3 mỗi năm sau đó nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Mặt hàng này sẽ giúp cải thiện đáng kể cán cân thương mại với Hoa Kỳ.
TTCK Việt Nam liệu có xấu đi khi Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam là câu hỏi được một số nhà đầu tư nêu lên tại cuộc Tọa đàm về tương lai thị trường do Công ty Chứng khoán MBS tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng của MBS cũng cho rằng, các hậu quả đáng kể là chưa thể xảy ra. Theo ông Tuấn, trong quá khứ, Mỹ đã từng đưa nhiều nền kinh tế vào danh sách cảnh báo, như Trung Quốc, Đài Loan, Nhât Bản … Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống mới Biden có tâm thái ủng hộ tự do thương mại và có nhiều thiện cảm với Việt Nam. Các bên có 1 năm để đàm phán, giải trình trước khi Tổng thống mới của Mỹ ra quyết định về các biện pháp cụ thể, theo đó, trong thời gian trước mắt, cảnh báo của Mỹ sẽ chưa mang đến hậu quả đáng kể nào.
Tuy nhiên, chuyên gia MBS cho rằng, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh để đồng Việt Nam mạnh lên một chút so với đồng USD. Trong năm 2020, đồng Việt Nam tăng giá nhẹ so với USD. Nếu có sự điều chỉnh có thể khiến tình trạng thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ giảm đi so với hiện nay. Tuy nhiên, phân tích từ chuyên gia Công ty Chứng khoán FPT lại cho rằng, việc điều chỉnh giá trị đồng Việt Nam so với đồng USD sẽ ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cụ thể, nếu đồng Việt Nam mạnh lên, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu và bất lợi cho khối doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam./.
Bình luận