Giá xăng dầu, giá gas trong tháng giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2020.

Bức tranh lạm phát năm 2021

Năm 2022: Áp lực lạm phát vẫn rất lớn
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với bình quân năm 2020

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay, quý IV/2021, CPI giảm 0,38% so với quý trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giao thông tăng 17,66% so với cùng kỳ năm trước; đồ uống và thuốc lá tăng 2,36%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,19%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,95%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,22%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,19%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,36%.

Điều đáng lưu ý là có 3 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: giáo dục giảm 2,91%; bưu chính viễn thông giảm 0,78%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,35%.

"Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016", bà Hương cho biết.

Tốc độ tăng CPI bình quân các năm so với năm trước giai đoạn 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,66%; tăng 3,53%; tăng 3,54%; tăng 2,79%; tăng 3,23%; tăng 1,84%.

Năm 2022: Áp lực lạm phát vẫn rất lớn
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2020.

Lý giải về việc CPI bình quân năm 2021 tăng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, là do 4 nguyên nhân chủ yếu.

Một là, giá xăng dầu trong nước tăng 31,74% so với năm trước (làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm), giá gas tăng 25,89% (làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm).

Hai là, do giá gạo tăng 5,79% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết và nhu cầu tích lũy của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Ba là, do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,03% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm).

Bốn là, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,87% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, có 4 yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2021:

(i) Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,54% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,12 điểm phần trăm);

(ii) Năm 2021, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý IV năm 2020 nhưng được thực hiện vào tháng 01/2021 và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 tại kỳ hóa đơn tháng 8, 9/2021 nên giá điện sinh hoạt bình quân năm 2021 giảm 0,89% so với năm 2020 (làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm);

(iii) Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá vé máy bay giảm 21,15% so với năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,32%;

(iv) Các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định giá cả thị trường.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Năm 2022, dự báo lạm phát tăng mạnh so với năm 2021

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, bước sang năm 2022, áp lực lạm phát là rất lớn. Áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước.

Năm 2022: Áp lực lạm phát vẫn rất lớn
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chỉ rõ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu nên áp lực lạm phát sẽ đến ở cả phía cung và phía cầu. Vì nguồn nguyên liệu ở nước ta phần lớn đến từ nhập khẩu.

"Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát", bà Oanh nói.

Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng.

Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

"Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung", bà Oanh chỉ rõ.

Quan điểm của Tổng cục Thống kê cũng được khẳng định bởi các dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB, Citibank…). Năm 2022, các tổ chức này đều dự báo lạm phát Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2021, lên đến 3,5-3,9% năm 2022.

Dự báo rằng, lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7%, dù thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%, song là mức tăng mạnh so với năm 2021 và so với trung bình toàn cầu và các nước ASEAN, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhấn mạnh rằng, nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu. Đó là chưa kể tới áp lực tăng trong bối cảnh giá cả thế giới chưa sớm hạ nhiệt, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao (3,3%) trong năm 2022 trước khi hạ nhiệt từ giữa năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, theo TS. Lực, khả năng lạm phát còn xuất phát từ đà hồi phục kinh tế - xã hội và sự sôi động của các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.

"Áp lực lạm phát cầu kéo tăng lên khi đà phục hồi kinh tế, kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng, thậm chí còn có hiện tượng “chi tiêu bù” (bù đắp những lúc giãn cách xã hội không được giải trí, chi tiêu trước đó)", vị chuyên gia này phân tích.

Ngoài ra, tăng trưởng mạnh của thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số...có thể lan tỏa đà tăng giá sang thị trường hàng hóa bởi kỳ vọng chi tiêu, tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập tăng.

Cùng với đó, lạm phát chi phí đẩy cũng chịu áp lực tăng lên trong năm 2022 ngay cả khi phục hồi còn chậm, bởi lẽ nhà cung cấp, bên bán hàng có thể sẽ bắt đầu tăng giá hàng – hóa, dịch vụ nhằm bù đắp phần tăng chi phí đầu vào đã và đang diễn ra.

Không những vậy, ông Lực còn cho rằng, độ trễ tác động của chính sách tiền tệ-tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ rõ nét hơn, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục…) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam.

"Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát trong 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo", ông Lực lưu ý.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý nếu phải điều chỉnh theo lộ trình thị trường sẽ tác động tới mặt bằng giá cả, như: Giá dịch vụ giáo dục, giá điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mục tiêu đề ra cho năm 2022 CPI tăng khoảng 4% có cơ sở thực hiện, tuy nhiên sẽ không dễ dàng. Ông Long cảnh báo, CPI năm 2022 thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.

Cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố như: Kinh tế thế giới đã và đang dần phục hồi. Giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. Nhập khẩu lạm phát được dự đoán sẽ tăng cao, khi các đối tác thương mại lớn có mức lạm phát cao kỷ lục trong mấy chục năm tiếp tục tăng các gói kích cầu lớn cùng với sự phức tạp của đại dịch. Những yếu tố này cũng trùng với cảnh báo của TS. Cấn Văn Lực.

Những lưu ý để "ghìm cương" lạm phát năm 2022

Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, từ phía Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.

"Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp", bà đề xuất.

Thứ hai, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế. Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

"Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý", bà lưu ý trong cách điều hành.

Thứ ba, giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, bà Oanh cho rằng, Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, các gói kích thích cho kinh tế tăng trưởng là điều cần thiết nhưng đồng hành cùng với đó là sự gia tăng lạm phát trong năm 2022.

Năm 2022: Áp lực lạm phát vẫn rất lớn
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nhấn mạnh rằng, lạm phát chi phí đẩy cũng chịu áp lực tăng lên trong năm 2022 ngay cả khi phục hồi còn chậm, bởi lẽ nhà cung cấp, bên bán hàng có thể sẽ bắt đầu tăng giá hàng – hóa, dịch vụ nhằm bù đắp phần tăng chi phí đầu vào đã và đang diễn ra.

Vì vậy, các gói kích thích kinh tế cần được triển khai đồng bộ với các chính sách tài khoá, tiền tệ. Song hành với đó là công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai minh bạch, nhất là công tác cho doanh nghiệp vay vốn. Đồng thời, tín dụng phải đảm sự đáp ứng vốn cho nền kinh tế, để vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tránh chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để dư địa kiểm soát lạm phát trong mục tiêu có thể được hiện thực hóa, thay mặt nhóm nghiên cứu của BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là cần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách trong kiểm soát lạm phát.

Giải pháp thứ hai là cần sớm thông qua và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các gói kích cầu và cung, từ đó nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có triển vọng phục hồi mạnh và tính lan tỏa cao, góp phần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, phục hồi kinh tế tốt hơn.

Cùng với đó, cần chú trọng phát triển kinh tế số - xã hội số; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh; nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, từ đó giảm áp lực lạm phát trong trung - dài hạn.

Ông Lực cũng kiến nghị cần hoàn thiện, thống kê và công bố đầy đủ các chỉ số liên quan đến lạm phát như PPI (chỉ số giá sản xuất), chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước (GDP-Deflator), nhằm phản ánh bao quát hơn, chính xác hơn xu hướng dài hạn của lạm phát, hỗ trợ hoạch định và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiến tới điều hành lạm phát mục tiêu).

Chuyên gia Nguyễn Trí Long thì nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ. Theo ông, hoạt động điều hành năm 2022 cần có cả kịch bản theo hướng thắt chặt trong điều kiện cần phải kiểm soát lạm phát./.