Sáng nay (15/01), Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức buổi thảo luận bàn tròn với các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam.

Thảo luận bàn tròn hướng tới chia sẻ những thông tin cập nhật về ASEAN, trong đó có kết quả năm ASEAN 2019 ở Thái Lan, cùng những nội dung liên quan tới năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Trọng trách lớn

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, 2020 là năm Việt Nam đảm nhiệm nhiều trọng trách trong khu vực và quốc tế.

“Rất hiếm quốc gia nào đảm nhiệm vai trò kép như Việt Nam, khi vừa là thành viên không thường trực của Liên hợp quốc, lại vừa là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020”, bà Minh khẳng định.

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Kavi Chongkittavorn, Cố vấn cao cấp về truyền thông của ERIA cho rằng, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ có vai trò và trách nhiệm củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam sẽ nỗ lực hướng tới nâng cao năng lực thích ứng của ASEAN trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0…

Toàn cảnh hội thảo

Với chủ đề “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, ông Kavi Chongkittavorn chỉ ra 6 ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực; Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực; Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; Năm là, nâng cao hiệu quả và năng lực chủ động thích ứng của các cơ chế ASEAN; Sáu là, đảm bảo tất cả các thành viên đều thực thi những văn bản đã thỏa thuận.

Và những bài học từ Thái Lan

Cũng trong buổi thảo luận, ông Kavi Chongkittavorn chia sẻ bài học từ vai trò Chủ tịch ASEAN của Thái Lan trong năm 2019. Đó là:

(i) Nắm quyền định hướng thông tin càng sớm càng tốt. Cơ quan truyền thông phải thể hiện góc nhìn và quan điểm từ những ngày đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch năm ASEAN, nếu không truyền thông quốc tế sẽ chi phối thông tin trong suốt cả năm mà không quan tâm tới quan điểm, góc nhìn và thực tế diễn ra trong nước.

(ii) Truyền tải định hướng thông tin càng rộng càng tốt. Mạng lưới truyền thông có thể giúp định hướng thông tin trong nước phổ biến hơn. Tuy vậy, ông Kavi Chongkittavorn nhấn mạnh, thông tin phải được cung cấp cả bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Trung để có hiệu ứng truyền thông cao hơn.

(iii) Giữ định hướng thông tin càng lâu càng tốt. Đây là một nội dung rất quan trọng. Theo ông Kavi Chongkittavorn, các báo cáo, phân tích và tranh luận phải nhất quán với thông điệp chung từ ban đầu.

Từ những thành công và bài học đối với công tác truyền thông của Thái Lan trong năm Chủ tịch ASEAN 2019, ông Kavi Chongkittavorn gợi ý 9 điều nên và không nên làm trong công tác truyền thông về năm ASEAN 2020. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thận trọng hơn trong việc xem xét và sử dụng nguồn tin. Không theo dõi các hãng thông tấn cung cấp dịch vụ tin tức điện tín.

Thứ hai, không dựa vào quan điểm, góc nhìn của riêng một nước thành viên ASEAN nào.

Thứ ba, nên trích dẫn bình luận của nhiều nhóm học giả, chứ không chỉ riêng học giả phương Tây.

Thứ tư, nghĩ rộng hơn so với khung khổ truyền thống, đặc biệt trong các vấn đề phi chính trị.

Thứ năm, theo dõi cả các đánh giá chính thức và không chính thức.

Thứ sáu, suy nghĩ một cách tổng hợp, không phải theo góc nhìn song phương hay một chiều.

Thứ bảy, đọc các văn kiện một cách thận trọng và đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi đưa tin.

Thứ tám, hiểu đúng và đầy đủ thuật ngữ chuyên môn và ngoại giao của các nước ASEAN.

Thứ chín, khai thác và viết về các câu chuyện liên quan tới người dân ASEAN./.

Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN. So với 10 năm trước, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2010, bối cảnh nền kinh tế khu vực và toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức và bất định, trong đó có xu hướng ly tâm, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại… Do vậy, việc khẳng định vai trò của ASEAN như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết và năng động sẽ góp phần thúc đẩy quá trình kết nối khu vực và toàn cầu trở nên có ý nghĩa hơn.