TS. Đoàn Ngọc Ninh

Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Chất lượng hàng hóa đầu vào luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến (DNCB) cà phê Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở khái quát các vấn đề lý luận và yêu cầu chất lượng hàng hóa đầu vào, phân tích thực trạng công tác kiểm soát chất lượng cà phê thô tại các DNCB cà phê Việt Nam, bài viết đưa ra các giải pháp mang tính định hướng, chiến lược giúp doanh nghiệp có nguồn cung chất lượng tốt, ổn định.

Từ khóa: Cà phê nguyên liệu, chất lượng cà phê, doanh nghiệp chế biến, kiểm soát chất lượng.

Summary

The quality of input goods is always top priority of businesses in general and Vietnamese coffee processing enterprises in particular. Based on an overview of theoretical issues and quality requirements for input goods, analysis of raw coffee quality control in Vietnamese coffee processing enterprises, the paper proposes strategic solutions to help the aforementioned enterprises have a stable and good quality supply.

Keywords: Raw coffee, coffee quality, processing enterprises, quality control

ĐẶT VẤN ĐỀ

Một thực tế dễ dàng nhận thấy ngành cà phê có một vị trí rất quan trọng trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam, theo Cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 là hơn 4 tỷ đô, tuy diện tích vùng trồng cà phê thứ 6 trên thế giới, nhưng năng suất, sản lượng Việt Nam tốp đầu. Năng suất trung bình cà phê của Việt Nam cao gấp 1,4 lần của Brazil, gấp 2,8 lần của Colombia và gấp 4,5 lần của Indonesia (Vicofa, 2023), là nước xuất khẩu thứ 2 thế giới về sản phẩm này, đặc biệt trong thời gian gần đây giá cà phê tăng nhanh, tạo nguồn lợi kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp và hộ nông dân trồng cà phê. Tuy nhiên một thực tế là nguồn cung cà phê của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu được trồng quy mô nhỏ ở các nông hộ, thậm chí có gia đình chỉ một vài ha. Điều này dẫn đến việc kiểm soát chất lượng đầu vào khá khó khăn. Bên cạnh đó với tư duy nông hộ nhỏ lẻ chưa có định hướng tới các sản phẩm cà phê có chứng nhận, cà phê bền vững, vẫn chạy theo tư duy nóng vôi, ăn sổi tập trung và số lượng mà chưa quan tâm tới chất lượng. Điều này khiến các DNCB khi thu mua gặp khá nhiều khó khăn với chất lượng sản phẩm cà phê thô.

Trong khi đó chất lượng cà phê thô có tính chất quyết định tới hương vị, chất lượng sản phẩm đầu ra, tỷ lệ cà phê có chứng nhận, hay tỷ lệ hạt cà phê thu hái đảm bảo chất lượng, tỷ lệ quả chín... Là điều căn bản, yêu cầu cốt lõi khi các DNCB thu mua sản phẩm cà phê. Từ những phân tích thực trạng các yêu cầu kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp chế biến, yêu cầu của bạn hàng quốc tế trong xuất khẩu… Có thể thấy, việc nghiên cứu chất lượng cà phê nguyên liệu của các DNCB cà phê Việt Nam là vấn đề có tính thời sự, phần nào tạo dựng định hướng cho các DNCB trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê đầu vào, phát triển các nguồn cung cà phê bền vững, cà phê có chứng nhận.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý luận về quyết định chất lượng trong quản trị mua hàng

Theo Baily (2022), quyết định chất lượng được xem là ưu tiên hàng đầu trong các quyết định mua hàng. Chất lượng là một từ có nhiều nghĩa và bao hàm nhiều nội dung. Nó có thể được coi là mức độ mà một sản phẩm hoặc dịch vụ đạt được sự hài lòng của khách hàng. Một ý tưởng nhận được sự ủng hộ rộng rãi là "chất lượng là bất cứ điều gì khách hàng nói". Các chuyên gia về chất lượng có ảnh hưởng cực kỳ lớn cho rằng chất lượng là một vấn đề liên quan đến lợi thế chiến lược.

Womack và Jones (1996) đã ủng hộ việc theo đuổi sự hoàn hảo, nghĩa là tránh mọi sự lãng phí, mặc dù họ tuyên bố: Sự hoàn hảo giống như sự vô hạn. Cố gắng hình dung nó thực sự là không thể, nhưng nỗ lực để làm như vậy mang lại cảm hứng và phương hướng cần thiết để đạt được tiến bộ trong suốt chặng đường. Chất lượng cho một ứng dụng nhất định có thể quá thấp hoặc quá cao.

Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã định nghĩa, chất lượng là "tổng thể các tính năng và đặc điểm của một sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng đáp ứng một nhu cầu nhất định".

Có khá nhiều quan điểm, cách tiếp cận và những khái niệm khác nhau về chất lượng được đưa ra bàn luận. Tuy nhiên, đối với mục đích của nghiên cứu này, chất lượng được hiểu là toàn bộ các tính năng và đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan đến việc đáp ứng các yêu cầu khách hàng (Monczka và cộng sự, 2021).

Như vậy, loại bỏ các khía cạnh khác nhau về chất lượng, tiếp cận chất lượng chỉ đơn giản là "phù hợp với mục đích" hoặc "tính phù hợp". Với mỗi đặc điểm khác nhau của doanh nghiệp, với thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm tới, với điều kiện, năng lực của DN có thể lựa chọn một mức chất lượng sản phẩm đầu vào đáp ứng nhu cầu của mình.

Hoạt động kiểm tra có thể được phân loại là quy trình kiểm soát chất lượng, cùng với các hoạt động khác liên quan đến giám sát để đảm bảo rằng các khiếm khuyết (hoặc các khiếm khuyết tiềm ẩn) được phát hiện. Đảm bảo chất lượng có thể trái ngược với kiểm soát ở chỗ việc đảm bảo đó bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến việc đạt được chất lượng, bao gồm:

- Thiết kế tiêu chuẩn, bao gồm cả việc chứng minh và thử nghiệm;

- Đặc điểm kỹ thuật vật liệu phải rõ ràng và không chung chung;

- Đánh giá các nhà cung cấp để đảm bảo rằng họ có thể thực hiện được;

- Động lực của tất cả những người có liên quan;

- Giáo dục và đào tạo nhân viên thu mua vật tư, nguyên liệu;

- Kiểm tra và thử nghiệm chất lượng vật tư, nguyên liệu;

- Kiểm tra, sàng lọc để đảm bảo rằng tất cả các biện pháp đều có hiệu quả.

Phương pháp nghiên cứu

Tác giả hệ thống những vấn đề căn bản từ các nghiên cứu liên quan tới quản trị mua hàng, quản lý nguồn cung trong doanh nghiệp. Trong đó, chất lượng hàng hóa là một trong những quyết định căn bản của quản trị mua hàng, có tính chất quyết định hàng đầu tới mục tiêu mua hàng của bất kỳ doanh nghiệp nào, đảm bảo được mức chất lượng phù hợp với doanh nghiệp mình.

Về dữ liệu thực trạng, trên cơ sở thực tế nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu thứ cấp và các dữ liệu phỏng vấn khảo sát tại các DNCB cà phê Việt Nam. Cụ thể, tác giả thực hiện khảo sát tại 90 DNCB (trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, một số doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 6/2021, sau đó có thực hiện các cuộc phỏng vấn bổ sung vào tháng 12/2022 bằng hình thức trực tiếp và google form. Đối tượng khảo sát chủ yếu cán bộ phụ trách công tác mua hàng của doanh nghiệp, quản lý chất lượng và điều hành doanh nghiệp. Nội dung xoay quanh các vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào, các yêu cầu chất lượng hàng hóa của DNCB và phương pháp kiểm soát chất lượng tại nguồn...

VỀ QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG TRONG QUẢN TRỊ MUA HÀNG TẠI CÁC DNCB CÀ PHÊ VIỆT NAM

Cà phê là sản phẩm có tính thương mại toàn cầu, với việc kiểm soát chất lượng ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Ở Việt Nam hiện nay tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng khá đa dạng, bao gồm cả các tiêu chuẩn, chứng nhận trong nước VietGAP, các tiêu chuẩn Ogranic của các quốc gia nhập khẩu, các tiểu chuẩn về phát triển bền vững… Các tiêu chuẩn cơ bản đánh giá trên các hàm lượng hoạt chất có trong hạt cà phê.

Theo Hiệp hội cà phê ca cao (Vicofa) 90% lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường nội địa từ cơ sở sản xuât nhỏ, Hiện nay sản xuất, chế biến cà phê theo 3 mức chất lượng phổ biến, theo các tiêu chuẩn như sau: tiêu chuẩn độ ẩm, tạp chất, hạt đen vỏ, kích thước hạt. Cà phê xuất khẩu của. Việt Nam chủ yếu là các loại R2b với các loại chuẩn sau:

+ Tỷ lệ hạt đen vỡ là 8%;

+ Độ ẩm cao nhất 13,5%;

+ Tạp chất 1%.

Cà phê R1 với các loại chuẩn:

+ Tỷ lệ hạt đen vỡ 2%;

+ Độ ẩm cao nhất 12%;

+ Tạp chất 1%.

Trên thực tế khi trên thị trường tiêu thụ cà phê cà phê, khách hàng quan tâm nhiều đến chỉ tiêu ngoại hình như kích thước hạt, màu sắc, độ ẩm và các khuyết tật khác không theo một tiêu chuẩn cụ thể nào. Về kích thước hạt: đây là một chỉ tiêu quan trọng có nghĩa cả về chất lượng cũng như năng suất cà phê:

+ Loại 1 hạt có kích thước trên sàng N16 (6,3mm)

+ Loại 2 hạt có kích thước trên sàng N14 (5,6mm)

+ Loại không sử dụng được lọt sàng N10 (4,2mm)

Bảng 1: Tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng cà phê

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Mức công bố

Hàm lượng hoạt chất

Hàm lượng ẩm

%khối lượng

≤ 5,0

Hàm lượng caffein

%khối lượng

≥ 0,3

Hàm lượng protein

%khối lượng

≥ 3,0

Hàm lượng béo

%khối lượng

≥ 10,0

Hàm lượng carbohydrate

%khối lượng

≥ 70,0

Đơn vị tạo khuẩn CFU

Tổng số bào tử nấm men, nấm mốc

Tổng số vi sinh vật hiếu khí

Escherichia coli

< 10

hoặc MPN/g

< 3

Staphylococcus aureus

Clostridium perfringens

Bacillus cereus

Nguồn: Bản cáo bạch Vinacafe

Ở Việt Nam nhiều nông trường có mẫu cây tốt năng suất cao và ổn định thể loại hạt là loại 1 chiếm 50-60% và xấp xỉ 40% hạt loại 2. Như vậy, về mặt kích thước cà phê Việt Nam có trên 95% khối lượng hạt đạt tiêu chuẩn. Cà phê xuất khẩu trải qua mua bán nội địa từ nhà sản xuất đến các đại lý trung gian, đến nhà xuất khẩu trực tiếp. Trứơc đây người sản xuất thường xay xát chế biến thành cà phê xô có độ ẩm từ 17-20%. Do đó để đi đến xuất thì nhà xuất khẩu phải tái chế cho cà phê có độ ẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính do tập quán thói quen xuất khẩu cà phê xô có độ ẩm, tỷ lệ hạt đen và lẫn tạp chất nhiều nên không khuyến khích người sản xuất nâng cao chất lượng sảnphẩm do đó mất uy tín với khách hàng, ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu cà phê.

Các chứng chỉ cà phê bền vững khá đa dạng, đây là các chứng chỉ yêu cầu đối với các sản phẩm cà phê xuất khẩu. Ở từng thị trường xuất khẩu khác nhau sẽ yêu cầu những chứng chỉ này. Mỗi chứng chỉ gắn với các điều kiện đánh giá chất lượng sản phẩm cà phê. Hiện nay xu hướng phát triển sản phẩm cà phê có chứng nhận, cà phê chế biến sâu tăng lên cả về số doanh nghiệp, và số lượng xuất khẩu cà phê chất lượng cao.

Hình 1: Yêu cầu về chứng chỉ chất lượng với nhà cung cấp của DNCB cà phê

Nguồn: Kết quả khảo sát

Việc Doanh nghiệp tự chủ đầu vào cà phê sẽ rất thuận lợi cho việc tiến hành hoạt động quản lý chất lượng toàn diện, nhưng thực trạng thì quá trình cà phê từ gieo trồng đến thu hoạch rồi đưa đến các nhà máy chế biến có đủ máy móc trang thiết bị để chế biến, sản xuất cà phê chất lượng tốt trải qua nhiều khâu, giữa các khâu chưa có nhiều ràng buộc cũng như quan hệ chặt chẽ để có thể xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả. Đặc biệt là hình thức hộ, trang trại cá thể tự trồng, tự thu hoạch, rồi tự chế biến theo các phương pháp cũ kĩ, hoặc chỉ sơ chế biến rồi được bán ngay lại cho các bên trung gian, những nhà đầu cơ cà phê quốc tế, hoặc giữ lại thì điều kiện bảo quản không tốt dẫn đến chất lượng cà phê ngay từ khi là đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã thấp. Về tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho chế biến cà phê. Đây chính là vấn đề trực tiếp đã và đang gây ra những thực trạng về chất lượng cà phê.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn cà phê có chứng nhận còn giúp các hộ nông dân kiểm soát được nguyên phụ liệu, chống lãng phí, tác động ảnh hưởng lâu dài khi sử dụng các chất cấm trong bộ tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát được vấn đề về môi trường, sử dụng tối ưu các nguồn lực, bảo gồm cả phân bón, nước tưới, hay các sản phẩm có ích giúp giảm chi phí trồng trọt và gia tăng được giá trị sản phẩm cà phê.

Bảng 2: Phương pháp kiểm soát chất lượng cà phê của DNCB

Phương pháp kiểm tra chất lượng cà phê

Kết quả

Phần trăm trên mẫu

Số DN lựa chọn

Phần trăm tổng lựa chọn

Kiểm tra chất lượng cà phê thô tại kho của nhà cung cấp (NCC)

72

23,2%

80,9%

Kiểm tra chất lượng cà phề thô tại kho của doanh nghiệp, khi nhận hàng.

77

24,8%

86,5%

Kiểm tra chất lượng định kỳ tại nhà máy

60

19,4%

67,4%

Kiểm tra đột xuất tại nhà cung cấp

18

5,8%

20,2%

Tham gia cùng NCC trong trồng trọt cà phê

29

9,4%

32,6%

Nguồn: Kết quả khảo sát

Tuy nhiên việc áp dụng các tiêu chuẩn cà phê có chứng nhận còn ít, không phổ biến, vẫn tư duy ăn sổi, không kiểm soát từ quá trình trồng trọt, thiếu giống có chất lượng, thiếu thông tin dự báo, thiếu kinh nghiệm trong thu hái, còn hiện tượng thu hoạch non, khi quả cà phê chưa chín đều, lẫn các tạp chất khi thu hái, công đoạn phân loại, lựa chọn cà phê còn thủ công, tốn kém và lãng phí, ảnh hưởng chất lượng cả lô cà phê khi thu hoạch. Tiếp đó là quá trình sàng lọc, sơ chế, sân phơi không đủ điều kiện, nhiều tạp chất trong quá trình sơ chế, thậm chí có cả sạt, đá lẫn trong sản phẩm cà phê thu hoạch. Quá trình chế biến, các công đoạn chưa kiểm soát đúng theo quy trình, ủ, lên men...

Trong quá trình sơ chế, do các hộ tự trồng thiếu kiến thức, kinh phí, quy mô nhỏ lẻ thiếu quản lý sát sao từ doanh nghiệp, từ các cơ quản quản lý mà cà phê sau khi thu hoạch được phơi ở các sân không đủ tiêu chuẩn, bị lẫn nhiều sạn, bụi, tạp chất, v.v, quá trình sấy có thể chưa đủ nắng hay là các lò sấy tự phát không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, quá trình bảo quản cũng không ngoại lệ, ủ cà phê trên đất dễ bị hút ẩm gây mốc.

Cà phê Robusta của Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao, so với các quốc gia trên thế giới sản phẩm của chúng ta có nhiều hương vị đặc sắc hơn, mỗi vùng miền đều có những đặc trưng hương sắc cà phê riêng, các vùng đều có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, tuy nhiên thực tế là các DNCB hiện nay đang tập trung mạnh xuất khẩu cà phê thô, chưa đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, một số DNCB chế biến sâu, số lượng hạn chế, quy mô nhỏ, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, chủ yếu phục vụ sự phát triển của thị trường trong nước.

KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP

Ngành cà phê trên Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, hướng đến một nền sản xuất hiệu quả, bền vững, cung cấp nhiều sản phẩm cà phê chất lượng cao ra thị trường. Định hướng này được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chính phủ cụ thể hóa bằng nhiều chính sách quan trọng và nhiều giải pháp chiến lược từ sản xuất đến thương mại, như quy hoạch vùng sản xuất cà phê trọng điểm, vùng cà phê chất lượng cao; đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo cà phê; chuyển đổi cơ cấu giống; áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, cà phê có chứng nhận, quản lý hệ thống thu mua tối ưu....

DNCB cà phê không nằm ngoài xu hướng thay đổi này, cần kịp thời thích ứng nhanh chóng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê thô cho DNCB, đặc biệt các sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê có chứng nhận, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể tập chung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, liên minh hộ nông dân trong thu mua cà phê thô

Liên minh, liên kết hộ nông dân nhằm kiểm soát cà phê nguyên liệu ngay từ đầu nguồn, quá trình sản xuất được DNCB tham gia sớm từ các công đoạn lựa chọn giống, phân bón, thuốc trừ sâu, quy trình chăm sóc, thu hái, v.v, quá trình này giúp DNCB kiểm soát được chất lượng sản phẩm, truy suất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng các yêu cầu cà phê chất lượng cao, đặc biệt các tiêu chuẩn chất lượng cà phê xuất khẩu các quốc gia có yêu cầu cao, các tiêu chuẩn ogranic, hay các chứng chỉ cà phê bền vững. Liên minh, liên kết giúp khắc phục thực trạng các vùng trồng phân tán, nhỏ lẻ, các nông họ có định hướng phát triển bền vững vùng nguyên liệu của DNCB cà phê, đảm bảo các lợi ích kinh tế không chỉ của DNCB, mà các hộ nông dân, cũng như lợi ích kinh tế, xã hội và ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, lâu dài.

Để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả liên kết hộ nông dân, DNCB cần có chiến lược mục tiêu lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên trong liên kết, giải quyết bài toán trong chuỗi giá trị cà phê. Đầu tiên chính là nhận thức của hộ nông dân, định hướng sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như kỹ thuật quy trình sao cho vừa đảm bảo sản lượng, cũng như chất lượng cà phê, cần cho các bên tham gia trong liên kết nhận thức rõ được vai trò của liên kết, sức mạnh hình thành liên kết và câu chuyện phát triển bền vững lâu dài cho giá trị sản phẩm cà phê của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu liên mình, liên kết hộ nông dân DNCB nên lưu ý một số vấn đề sau:

(1) DNCB cần có đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về lợi ích của hợp tác liên kết, sự cần thiết phải phát triển sản phẩm cà phê theo hướng bền vững. Thay đổi theo quen canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất, trồng trọt cà phê chuyên nghiệp, ổn định lâu dài. Tuyên truyền về xu hướng phát triển của thị trường cà phê toàn cầu theo hướng sản phẩm cà phê có chứng nhận, cà phê chất lượng cao.

(2) Bên cạnh hoạt động tuyên truyền DNCB cà phê cần có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời, đặc biệt về nguồn vốn, khi đa phần các nông hộ thiếu vốn cho sản xuất, tình trạng thu hoạch cà phê xanh, cà phê non, chưa đến tuổi thu hoạch để lấy ngắn nuôi dài là thực tế cho thấy các nông hộ đang đói vốn, DNCB cần phải giải quyết được bài toán thiếu vốn này cho các nông hộ. Bên cạnh vốn, DNCB cần hỗ trợ nông hộ về kỹ thuật, tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo về quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản và sơ chế cà phê. Một số mô hình tổ hợp tác, hay nhóm hợp tác huấn luyện chuyên sâu cần được thực hiện một cách bài bản, đầu tư hơn và quy mô hơn đối với các nông hộ tham gia liên kết. Hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến, v.v.

(3) DNCB cần đảm bảo đầu ra cho các nông hộ, đặc biệt cam kết thu mua, thu mua với mức giá ổn định. Đối với các sản phẩm cà phê chất lượng cao DNCB có thể thu mua với giá cao hơn. Để làm được điều này, bản thân DNCB cần tập trung đầu tư trang thiết bị, máy móc, hướng phát triển tới các sản phẩm cà phê chế biến sau, cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Đảm bảo giá trị khi xuất khẩu, tiêu thụ đảm bảo khả năng cạnh tranh và hướng tiêu thụ ở các thị trường khó tính.

Thứ hai, phát triển vùng trồng cà phê bền vững

Theo Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, trong các làn sóng cà phê trên thế giới, thị trường cà phê đặc sản bắt đầu hình thành từ những năm 70 của thế kỷ 20 là làn sóng cà phê thứ 3, đến nay doanh thu đã chiếm tới 30% trong tổng doanh thu bán lẻ khoảng 220 tỷ USD của ngành cà phê toàn cầu và với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong những năm gần đây lên tới 10%. “Cà phê đặc sản” là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên trên thang 100 điểm theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới và Viện chất lượng cà phê thế giới.

Trong bốn làn sóng cà phê hiện hữu trên thế giới đã trải qua từ cà phê thương mại, cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Xu hướng tiếp theo của thị trường cà phê đó chính là phát triển bền vững, sản xuất chế biến cà phê không chỉ hướng đến sản phẩm chất lượng cao, mà vấn đề sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, vấn đề xã hội, môi trường và trách nhiệm xã hội bền vững của doanh nghiệp chế biến trong quá trình sản xuất kinh doanh được quan tâm. Với làn sóng thứ tư doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm đến khía cạnh bền vững. Nâng cao nhận thức chế biến sản xuất cà phê đạt các tiêu chuẩn cà phê có chứng nhận 4C, UTZ, FLO, Hữu cơ Organic, v.v. Từ quá trình chọn giống, kỹ thuật trồng trọt, sử dụng thuốc, phân bón, hoạt động thu gom chế biến cho tới tiêu thụ bền vững.

Để đảm bảo nguồn cung chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả doanh nghiệp chế biến khi kinh doanh trên thị trường, việc đào tạo, nâng cao nhận thức của người sản xuất cà phê hết sức quan trọng. Không chỉ giới hạn trong những kiến thức về canh tác, người nông dân cũng cần nắm rõ các kiến thức về thị trường, các quy định của pháp luật, và tác động về môi trường trong quá trình sản xuất cà phê nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình cũng như góp phần phát triển cà phê bền vững có hiệu quả.

DNCB cần phổ biến, nâng cao kiến thức cho nông hộ trồng, sản xuất cà phê theo hướng bền vững, kịp thời phổ biến các quy định về cà phê có chứng nhận, các tiêu chuẩn cà phê cần được tập huấn chi tiết cho các nông hộ, như các tiêu chuẩn cà phê Ogranic, cà phê 4C, v.v, hay các tiêu chuẩn cà phê có chứng nhận khác, đặc biệt các tiêu chuẩn cụ thể ở các nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, như tiêu chuẩn ogranic của Mỹ, EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thông qua các kênh truyền thông phố biến kiến thức, quy định, chính sách và định hướng phát triển vùng trồng cà phê bền vững. Lợi ích và trụ cột phát triển bền vững, vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

Xây dựng văn hóa trong canh tác cà phê, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường và phát triển bền vững lâu đời của ngành cà phê Việt Nam. Tuyên truyền loại bỏ những thói quen không tốt, nhóm nhỏ ảnh hưởng tới cộng đồng, cần có văn hóa trồng trọt cà phê bền vững.

Thứ ba, phát huy vai trò của thương lái trong thu mua cà phê thô

Thực tế khảo sát tại các DNCB cà phê, tỷ lệ thu mua qua thương lái hiện nay là khá lớn, chiếm tới trên 60% ở nhiều DN, vì vậy thương lái có vai trò rất quan trọng đáp ứng nguồn cung cà phê thô nguyên liệu cho DNCB cà phê Việt Nam. Thương lái có nhiều kinh nghiệm, bằng mắt thường, thương lá có thể biết được chất lượng cà phê nguyên liệu, độ ẩm, tỷ lệ thu hồi, thời điểm thu hoạch từ đó cung ứng được đúng chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp yêu cầu. Thương lái còn nắm vai trò quan trọng khác là cung cấp những thông tin nhanh nhất về thay đổi giá cà phê, nhu cầu của thị trường cho người sản xuất nhất là những người sản xuất ở vùng sâu, vùng xa cũng như phản hồi lại cácthông tin từ người sản xuất, vụ mùa sản xuất, chất lượng cà phê, chủng loại tới doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc phát huy thế mạnh, vai trò của thương lại với DNCB giúp cho hoạt động thu mua trở nên hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Doanh nghiệp chế biến cà phê cần tập trung vào một số vấn đề sau:

- Cần xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc thiết lập quan hệ với các thương lái trong thu mua cà phê nguyên liệu, cách thức và phương pháp phối hợp trong việc thu mua, nắm bắt tốt thông tin, vùng nguyên liệu chính của doanh nghiệp.

- Thương lái là kênh thông tin hiệu quả DNCB có thể chủ động nguồn nguyên liệu cho mỗi niên vụ, đặc biệt các biến động từ phía nguồn cung. Vì vậy xây dựng kênh thông tin cập nhật giữa DNCB và thương lái, đặc biệt những thương lái có mối quan hệ lâu năm có thể tham gia vào những hoạt động thu mua, quyết định mua trong những trường hợp cụ thể của DNCB.

- DNCB cần tận dụng có hiệu quả lợi thế điều kiện vốn, nguồn nhân lực, phương tiện vận chuyển chuyên dụng và các điều kiện cơ sở vật chất khác của các thương lái. Đây là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng hiệu quả hoạt động thu mua.

- DNCB cần phối hợp nhịp nhành và cân bằng lợi ích với các thương lái thu mua cà phê, đảm bảo đôi bên cùng có lợi, trước mắt thương lái vẫn là kênh chính, hiệu quả để DNCB có thể thu gom được cà phê thô đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và tối ưu hóa về chi phí.

Thương lái cà phê có mối quan hệ gắn chặt với người sản xuất và các doanh nghiệp. Mối quan hệ được dựa trên sự uy tín, tín nhiệm từ nhiều năm liên kết và giao dịch. Với người sản xuất, thương lái là kênh tiêu thụ sản phẩm quan trọng vào thời điểm thu hoạch, cơ động, linh hoạt và mềm dẻo trong việc xác định giá cả và phương thức thanh toán cũng như phương thức hỗ trợ người sản xuất. Thương lái thường thu mua cà phê tại vườn và đảm nhận phơi xấy, sàng lọc qua các cơ sở gia công nên giảm bớt được công sức lao động cho người sản xuất. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, thương lái là nguồn cung cấp nguyên liệu nhanh chóng và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vụ Khoa học công nghệ Môi trường (2023), Ứng dụng nông nghiệp thông minh trong quản lý chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao , Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.

  2. Viên chính sách Chiến lược (2023), Tiêu chuẩn và hệ thống quản lý cà phê Việt Nam chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  3. Cục Hợp tác và Phát triển Nông thôn (2023), Định hướng phát triển liên kết chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  4. Bạch Thanh Tuấn (2023), Tổng quan về cà phê Việt Nam – Cơ hội & thách thức, BBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  5. Đặng Đức Chiến, Nguyễn Mai Hương (2021), Định hướng tiếp cận xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao, truy cập từ https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4524/dinh-huong-tiep-can-xay-dung-nhan-hieu-chung-nhan-ca-phe-viet-nam-chat-luong-cao.aspx.

  6. Baily P. et al. (2022), Procurement principles management, Pearson Education.

  7. Bedey, L., Eklund, S., Najafi, N. (2009), Purchasing Management, Department of Technology Management an Economics of Chalmers University.

  8. Burt, D.N and Pinkert.on, R.L, (2011), A Purchasing Manager's Guide to Strategic Proactive Procurement-Amacom

  9. Monczka et al. (2021), Purchasing and Supply Chain Management, South-Western Cengage Learning.

  10. Womack, J. P., & Jones, D. T. (1996), Lean thinking: banish waste and create wealth in your corporation, NY, New York: Simon & Schuster.

Ngày nhận bài: 03/5/2024; Ngày phản biện: 10/5/2024; Ngày duyệt đăng: 17/5/2024