THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ NÔNG NGHIỆP

Kết quả đạt được

Thời gian qua, để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định phát triển theo hướng bền vững, công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương đã được cấp các chính quyền quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, phê duyệt nhiều đề án về phát triển nông nghiệp, như: Ngày 03/8/2015, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2683/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án có mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp…

Ngày 06/9/2017, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3275/QÐ-UBND phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tỉnh Bình Định giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án với mục tiêu hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ Tỉnh đến cơ sở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều đề án khác nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Tiếp đó, ngày 02/4/2018, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 1048/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp” tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 13/12/2019, HĐND tỉnh Bình Định ban hành Nghị quyết số 50/2019/NQ-HĐND phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Với mục tiêu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho hơn 1.200 hộ dân trong mùa mưa bão; tưới chắc cho diện tích 120.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; tăng tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 80%; tăng số lượng tàu thuyền cập cảng, tăng sản lượng đánh bắt qua cảng, tránh trú an toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Cùng với đó, tỉnh Bình Định cũng triển khai nhiều đề án khác nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh, như: Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Đề án Phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035; Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế dừa Hoài Nhơn...

Bên cạnh đó, nhận thức được vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Định cũng ban hành các chính sách, như: Hỗ trợ phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định; Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định; Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020; Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025; Hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025; Hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định...

Các chính sách nói trên đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, góp phần huy động mọi nguồn lực của địa phương, mọi thành phần kinh tế, mở rộng công tác xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nhờ hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, thời gian qua, khu vực nông nghiệp tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, khu vực nông nghiệp tỉnh Bình Định tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển bộ mặt nông thôn. Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Bình Định, sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 26.342,9 tỷ đồng tăng 3,1%. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân 5 năm 2016-2020 theo giá so sánh 2010 là 3,92%. Trong năm 2020, đóng góp của khu vực nông, lâm, thủy sản vào tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh Bình Định đạt 13,7 nghìn tỷ đồng (Hình 1).

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định

Cùng với đó, giá trị sản xuất của các ngành trong khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng đều qua các năm. Cụ thể, giá trị sản xuất trồng trọt (theo giá so sánh năm 2010) của năm 2018 là 7.096.022 triệu đồng; năm 2019 là 7.068.995 triệu đồng; năm 2020 là 6.979,4 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh năm 2010) của năm 2018 là 7.312.545 triệu đồng; năm 2019 là 7.390.601 triệu đồng; năm 2020 là 7.847,7 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) của năm 2018 là 1.267.712 triệu đồng; năm 2019 là 1.340.944 triệu đồng; năm 2020 là 1.425 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) năm 2018 là 8.868.923 triệu đồng; năm 2019 là 9.446.665 triệu đồng; năm 2020 là 9.688 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ (Hình 2).

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định

Một số hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như:

Một là, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu. Mặc dù thời gian qua, Tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, song do nguồn lực có hạn nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là giao thông nội đồng còn thiếu, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu mới chỉ tập trung cho cây lúa, các cây trồng khác phần lớn chưa có hệ thống tưới, tiêu.

Hai là, công tác bảo vệ thực vật chưa thực hiện tốt. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên tình hình sâu bệnh hại cây trồng diễn biến hết sức phức tạp trong khi lực lượng làm công tác bảo vệ thực vật mỏng, địa bàn rộng, nên thông tin về tình hình sâu bệnh hại có lúc chưa được kịp thời.

Ba là, công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch trong nông nghiệp chưa đồng bộ, chặt chẽ; nhiều vùng nông dân sản xuất tự phát theo lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin định hướng thị trường, nên thường xảy ra tình trạng được mùa rớt giá, phát triển thiếu tính bền vững...

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Trong thời gian tới, nhằm phát huy tiềm năng cũng như đẩy mạnh phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp cần thực hiện một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển nông nghiệp. Tỉnh cần tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương cũng như của Tỉnh về phát triển nông nghiệp tại địa phương; đồng thời, ban hành một số chính sách đặc thù của Tỉnh phù hợp với điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp "đủ mạnh", đồng thời, có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp; Tiếp tục hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định gắn xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Tỉnh cần tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, như: Phát triển Chăn nuôi gà thả đồi; Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao... Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Thứ ba, huy động nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài vốn ngân sách, Tỉnh cần có chính sách để huy động thêm các nguồn vốn trong dân, tranh thủ vốn của các thành phần kinh tế trong Tỉnh, trong nước và vốn của nước ngoài để đầu tư phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình, dự án để tranh thủ vốn đầu tư cho nông nghiệp. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA), hợp tác theo hình thức đối tác công - tư với các công ty nước ngoài nhằm kết nối trực tiếp sản xuất nông nghiệp với chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất một số sản phẩm ngành hàng có khả năng thực hiện, như: nuôi tôm thẻ chân trắng, sản xuất giống cây trồng bằng nuôi cấy mô, trồng hoa cây cảnh (mai vàng)... Tập trung công tác tái đàn heo, cải tạo giống theo hướng tăng tỷ lệ giống tiến bộ, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu...

Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Tỉnh cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, có trình độ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng, ưu tiên đào tạo các nghề phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh, các làng nghề, ngành nghề gắn với xây dựng nông thôn mới...

Thứ sáu, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện để nông dân xây dựng "cánh đồng lớn" trong sản xuất; Xây dựng giao thông nội đồng gắn liền với bờ thửa và hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng, trên cơ sở đó xây dựng quy mô thửa ruộng hợp lý.

Khuyến khích nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước vào các dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ cao, hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất của nông dân để sản xuất hàng hóa tập trung…

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả và phát triển các hình thức hợp tác, đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; Phát triển hợp tác xã gắn liền với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa của địa phương. Cùng với đó, khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung, thâm canh, theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn.

Thứ tám, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm. Tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm nông sản xuất khẩu; Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm…/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Bình Định (2020). Bình Định 5 năm (2016-2020) phát triển kinh tế - xã hội, Nxb Thống kê

2. UBND tỉnh Bình Định (2015). Quyết định số 2683/QĐ-UBND, ngày 03/8/2015 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

3. UBND tỉnh Bình Định (2017). Quyết định số 3275/QÐ-UBND, ngày 6/9/2017 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tỉnh Bình Định giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030

4. UBND tỉnh Bình Định (2018). Quyết định số 1048/QĐ-UBND, ngày 02/4/2018 phê duyệt Đề án “Đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp” tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

5. HĐND tỉnh Bình Định (2019). Nghị quyết số 50/2019/NQ-HĐND, ngày 13/12/2019 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định

6. Đình Thung – Đăng Lâm (2021). Bình Định khởi sắc nhờ thu hút mạnh đầu tư, truy cập từ https://nongnghiep.vn/binh-dinh-khoi-sac-nho-thu-hut-manh-dau-tu-d292766.html

Võ Đồng Phong - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)