Võ Tiến Lộc

Nghiên cứu sinh, Học viện Khoa học Xã hội

Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Văn Hiến

Email: locvt@vhu.edu.vn

Tóm tắt

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng trong khu vực và trên toàn thế giới, các công ty Fintech đang tăng cường cộng tác với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm hưởng lợi từ kinh nghiệm, chuyên môn của các ngân hàng và thuận lợi trong mở rộng quy mô phát triển. Đổi lại, các công ty Fintech cung cấp cho các ngân hàng nền tảng hiện đại nhất để tiếp cận những khách hàng mới. Qua tìm hiểu thực trạng hợp tác giữa các NHTM Việt Nam và các công ty Fintech, nghiên cứu đưa ra một số hàm ý nhằm nâng cao sự hợp tác này trong thời gian tới.

Từ khóa: ngân hàng thương mại, công ty Fintech, hợp tác, Việt Nam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi khu vực tài chính, giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, Fintech đã góp phần nâng cao tài chính toàn diện (financial inclusion) và có khả năng góp phần tích cực cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong và sau khủng hoảng (Tao Wu, 2022). Ngoài ra, Fintech tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh mới trong ngành dịch vụ tài chính. Các công ty Fintech đang tăng cường cộng tác với các NHTM nhằm hưởng lợi từ kinh nghiệm, chuyên môn của các ngân hàng và thuận lợi trong mở rộng quy mô phát triển. Đổi lại, các công ty Fintech cung cấp cho các ngân hàng nền tảng hiện đại nhất để tiếp cận khách hàng mới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ngân hàng số đã cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng truyền thống trong thu hút khách hàng mới nhờ công nghệ tiên tiến và dịch vụ chi phí thấp. Tương tự, các công ty cho vay Fintech cũng cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ cho vay không chính thức, các tổ chức tài chính vi mô và các ngân hàng nhỏ về cả thanh toán lẫn tín dụng. Các ngân hàng lớn cũng tham gia cuộc đua bằng việc mua lại các công ty Fintech nhỏ hoặc đầu tư mạnh vào công nghệ khiến cho áp lực cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ tài chính số ngày càng gia tăng. Trước bối cảnh đó, cần nghiên cứu thực trạng để từ đó đưa ra giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các NHTM Việt Nam và các công ty Fintech.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM

Quy mô số lượng

Lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ. Số lượng công ty Fintech tại Việt Nam đã tăng gần gấp 5 lần trong 8 năm qua, từ 39 công ty năm 2015 lên 144 công ty năm 2018 và 263 công ty vào năm 2022 (Statista, 2024b).

Tỷ lệ sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử của các công ty Fintech ở Việt Nam chủ yếu là MoMo, ZaloPay, Viettel Pay, PayPal, VNPAY…

Lĩnh vực hoạt động

Ở Việt Nam, dịch vụ thanh toán và cho vay ngang hàng đang là hai phân khúc thống trị thị trường Fintech (chiếm gần một nửa tổng tỷ trọng). Trong khi đó, các dịch vụ khác, như: quản lý tài sản, quản lý dữ liệu/chấm điểm tín dụng, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính SMEs… vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.

Điều này xuất phát từ quy mô dân số lớn, sự hỗ trợ từ Chính phủ nhằm phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt, cũng như tỷ lệ sử dụng Internet và di động cao tại Việt Nam (Visa, 2024). Không chỉ vậy, các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán luôn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nhất và đây cũng là quy luật chung của các thị trường Fintech phát triển ở giai đoạn đầu.

Giá trị giao dịch

Tổng giá trị vốn tài trợ cho Fintech chứng kiến xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây, từ 28,8 tỷ USD năm 2016 lên 211,4 tỷ USD năm 2022. Trong đó, giá trị giao dịch thanh toán điện tử, bao gồm: thương mại điện tử, thanh toán POS qua điện thoại, kiều hối điện tử, gia tăng nhanh chóng. Thương mại điện tử tăng từ 11,05 tỷ USD năm 2018 lên đến 24,82 tỷ USD vào năm 2023. Thanh toán POS qua điện thoại tăng từ 0,45 tỷ năm 2018 lên 2,97 tỷ năm 2023 (Statista, 2024a).

Tuy nhiên, giá trị giao dịch thanh toán điện tử theo đầu người sử dụng ở Việt Nam lại cho thấy kiều hối điện tử cao nhất, kế đến là thương mại điện tử. Theo đó, kiều hối tín dụng theo đầu người sử dụng có giá trị khoảng 9,840 USD, thương mại điện tử theo đầu người sử dụng có giá trị khoảng 570 USD vào năm 2020; kiều hối tín dụng theo đầu người sử dụng có giá trị khoảng 10,183 USD, thương mại điện tử theo đầu người sử dụng có giá trị khoảng 783 USD vào năm 2024 (Statista, 2024a).

Số lượng người sử dụng thanh toán điện tử cũng tăng nhanh, từ khoảng 26,3 triệu người năm 2017 tăng lên 66,9 triệu người năm 2024. Số lượng người sử dụng thanh toán POS qua điện thoại tăng từ 5,22 triệu người năm 2017 lên 31,28 triệu người năm 2024 (Statista, 2024a).

Trong thị trường Fintech, thanh toán số vẫn là mảng hoạt động chiếm tỷ trọng cao nhất không chỉ về số lượng công ty mà còn dựa trên tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dùng. Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (2024), đến cuối năm 2023, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022). Ngoài ra, số lượng ví điện tử đang hoạt động đến hết năm 2023 là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.

Với những kết quả trên, theo xếp hạng của World Bank, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 67 trên thế giới (đối với chỉ số gồm 4 thành phần) và thứ 108 (đối với chỉ số gồm 3 thành phần), xếp sau các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan (Bảng).

Bảng: Chỉ số hoạt động Fintech quốc gia của World Bank năm 2023

Quốc gia

Khu vực

Xếp hạng toàn cầu 2023 (chỉ số 4 thành phần)

Xếp hạng toàn cầu 2023 (chỉ số 3 thành phần)

Mỹ

Bắc Mỹ

1

1

Anh

Châu Âu

2

2

Israel

Trung Đông và Châu Phi

6

-

Singapore

Châu Á – Thái Bình Dương

4

9

Nhật Bản

Châu Á – Thái Bình Dương

35

40

Hàn Quốc

Châu Á – Thái Bình Dương

16

24

Indonesia

Châu Á – Thái Bình Dương

63

104

Philippines

Châu Á – Thái Bình Dương

66

102

Thái Lan

Châu Á – Thái Bình Dương

54

95

Việt Nam

Châu Á – Thái Bình Dương

67

108

Ghi chú: Chỉ số Fintech bao gồm các thành phần chính sau: (1) Vốn đầu tư tự có vào các công ty Fintech, (2) Sử dụng tín dụng Fintech thông qua các nền tảng điện tử (online), (3) Sử dụng dịch vụ thanh toán số đối với hộ gia đình, doanh nghiệp, và (4) Tải các ứng dụng tài chính trên điện thoại thông minh.

Nguồn: World Bank, 2024

QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA NHTM VÀ CÔNG TY FINTECH

Các công ty Fintech hiện đang thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng hiện đại và phổ cập các chương trình tài chính toàn diện đến mọi đối tượng trong xã hội. Thời gian qua, sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng ngày càng mở rộng và đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực như: thanh toán, chuyển vốn, tài chính cá nhân, tín dụng cá nhân, CASA, bảo hiểm, quản lý tài sản… Theo Acclime Vietnam and Decision Lab (2023), có tới 72% công ty Fintech là đối tác với các NHTM, chỉ có 14% công ty Fintech phát triển các dịch vụ mới và 14% công ty Fintech cạnh tranh với các NHTM.

Các ngân hàng trong nước đang tăng cường hợp tác để sử dụng các sản phẩm, nền tảng như: Mobile Banking, chấm điểm tín dụng qua công nghệ 4.0 – Trusting Social, ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C, công nghệ nhận diện sinh trắc học Ekyc… do các công ty Fintech phát triển nhằm tăng cường số hóa quy trình nội bộ, nâng cao trải nghiệm khách hàng tại các điểm chạm ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, ngân hàng hợp tác với công ty Fintech để mở rộng năng lực phục vụ khách hàng không thuộc danh mục ưu tiên của ngân hàng (doanh nghiệp siêu nhỏ, khách hàng cá nhân đại trà).

Thanh toán là lĩnh vực phát triển mạnh nhất mà các ngân hàng hợp tác với các công ty Fintech. Thị trường thanh toán của Việt Nam đã phát triển sôi động với sự ra đời nhiều mô hình thanh toán mới trong quan hệ hợp tác với ngân hàng, tiêu biểu như: VIB đầu tư vào công ty Fintech Weezi cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard, một ứng dụng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank kết hợp với Fintech Fastacash giới thiệu tính năng F@st Mobile, phương thức chuyển tiền nhanh chóng qua Facebook và Google; Vietcombank hợp tác với M_Service trong thanh toán chuyển tiền…

Ngoài ra, thanh toán cũng là lĩnh vực có sự tương tác hợp tác sâu rộng giữa các ngân hàng và công ty Fintech, thể hiện ở các lĩnh vực hợp tác cụ thể như sau: ứng dụng thế hệ mới các giải pháp POS (Point of Sale), dịch vụ gia tăng cho khách hàng và ngân hàng, các giải pháp về thanh toán ngang hàng (P2P payment) và ví điện tử, mạng lưới thanh toán bán lẻ và các giải pháp chuyển tiền, nền tảng chuyển tiền quốc tế, đơn giản hóa quy trình thanh toán mua bán trực tuyến, an toàn thông tin khách hàng và phòng chống gian lận, thanh toán nhanh (bao gồm: chuyển khoản trực tiếp, chuyển khoản ngang hàng (P2P), sử dụng các tài khoản trả trược để chuyển tiền trên các thiết bị di động mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng), công nghệ thanh toán không tiếp xúc cho thẻ và các ví điện tử, chuyển đổi số toàn bộ hệ thống ngân hàng trở thành những ngân hàng hợp kênh và những ngân hàng không chi nhánh.

Trong lĩnh vực tín dụng, nhiều sự hợp tác diễn ra như: dịch vụ gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) dưới dạng mô hình gây quỹ cộng đồng dựa trên phần thưởng (reward-based) và cộng đồng dựa trên quyên góp (donation-based); dịch vụ P2P lending, theo đó, một số ngân hàng kết hợp với công ty công nghệ để cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong lĩnh vực tài chính cá nhân, hiện nay, một số Fintech lớn đang cung cấp dịch vụ qua ví điện tử, công nghệ sổ cái phân tán trên nền tảng blockchain, thương mại trực tuyến B2C, mPOS; quản lý tài chính cá nhân.

Ngoài ra, cũng có trường hợp công ty Fintech mua lại công ty con của ngân hàng. Điển hình là công ty Lotte Card thuộc tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã thực hiện thương vụ thâu tóm công ty Techcom Finance, công ty con của Techcombank Việt Nam, nhằm mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam (UEH, 2021).

Những điểm nghẽn cản trở mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng thương mại và công ty Fintech

Về quy định pháp lý

Với khuôn khổ pháp lý hiện hành, nhiều hoạt động hợp tác ngân hàng và Fintech đang gặp vướng mắc để vận hành, trong đó phải kể đến vấn đề tiên quyết là cơ sở dữ liệu tập trung. Thông tin khách hàng là tài nguyên giá trị, cần thiết cho mọi hoạt động kinh tế, trong đó có ngân hàng và Fintech. Mặc dù Nhà nước đã cho phép triển khai các hoạt động định danh khách hàng điện tử (eKYC) thông qua Nghị định số 87/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 của Chính phủ và Thông tư số 16/2020/TT-NHNN, ngày 04/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên việc triển khai định danh khách hàng ở các NHTM và công ty Fintech đều đang gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở dữ liệu số tin cậy để đối chiếu, các nguồn thông tin khách hàng phân tán và thiếu tính tin cậy. Việc thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung, tin cậy và thiếu các quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cũng là rào cản để thiết lập các quan hệ dịch vụ tín dụng tiền vay, thẻ tín dụng trực tuyến với khách hàng.

Về an toàn thông tin

Ngày nay, xu thế tội phạm công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam đang ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Sự phát triển của tội phạm công nghệ cao đã luôn tạo ra thách thức đối với các NHTM và Fintech trong hợp tác phát triển các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ số, đòi hỏi cần có đầu tư đáng kể cho công tác đảm bảo an toàn hệ thống, xây dựng quy trình nghiệp vụ chặt chẽ.

Các mô hình mới kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới, như: Open API, eKYC, điện tóa đám mây… từ hợp tác giữa NHTM và Fintech tạo ra nhiều rủi ro về an ninh thông tin liên quan đến bí mật, tính riêng tư của thông tin cá nhân khách hàng, rủi ro về bảo vệ hệ thống khỏi các nguy cơ truy cập bất hợp pháp.

Về nhân lực

Thiếu hụt nhân sự là vấn đề vướng mắc của không chỉ ở NHTM, mà còn cả các công ty Fintech. Nhìn chung, nhân sự thiếu hụt đã giảm tính chủ động, hạn chế khả năng hợp tác giữa các NHTM và công ty Fintech, cũng như hạn chế khả năng đánh giá, lựa chọn, quản lý, vận hành các giải pháp công nghệ mới sau trong trường hợp các NHTM đã hợp tác được với các công ty Fintech cung cấp/cùng phát triển các giải pháp công nghệ mới.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Qua tìm hiểu thực trạng, tác giả đưa ra một số định hướng nhằm nâng cao quan hệ hợp tác giữa NHTM và các công ty Fintech, cụ thể như sau:

Về phía cơ quản lý nhà nước

Thứ nhất, tạo môi trường tài chính an toàn, đảm bảo nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng quản lý nhằm thúc đẩy sự phát triển hài hòa của cả hệ thống NHTM và hệ sinh thái Fintech nói chung, công ty Fintech nói riêng.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý chuẩn cho các công ty Fintech, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực NHTM, Chính phủ cần có chính sách quản lý phù hợp để các công ty Fintech được hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tài chính toàn diện, bền vững cùng hệ thống NHTM.

Thứ ba, đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ, thông tin mạng, đảm bảo vấn đề an toàn thông tin trong môi trường mạng như hiện nay.

Thứ tư, ban hành chuẩn kết nối giữa hệ thống NHTM và các công ty Fintech trong đó chuẩn hóa những quy định liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng, chia sẻ thông tin lẫn nhau, quy định về sử dụng mạng dữ liệu…

Về phía các NHTM

Thứ nhất, thực hiện chuyển đổi và đáp ứng yêu cầu thay đổi lớn từ quản trị và cấu trúc tổ chức của NHTM để đảm bảo phù hợp và nền tảng cho đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, thiết lập tư duy chuyển đổi số trong văn hóa tổ chức và tư duy hệ thống của các nhân viên.

Thứ ba, lên kế hoạch và phân bổ tài chính để cân bằng giữa lợi nhuận và mục tiêu dài hạn của chiến lược thực hiện chuyển đổi và đột phá số.

Về phía các công ty Fintech

Thứ nhất, tăng cường hợp tác các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với định hướng của các NHTM.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái độc lập và gia tăng giá trị cho các khách hàng thanh toán trong hệ sinh thái.

Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo và quản trị nguồn lực đảm bảo hiệu quả, trung thực và tuân thủ các quy định nội bộ.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và an toàn bảo mật thông tin./.

Tài liệu tham khảo

1. Acclime (2024), The Advance of Fintech in Vietnam Industry Report, retrieved from https://vietnam.acclime.com/press-releases/acclime-vietnam-and-decision-lab-release-the-advance-of-fintech-in-vietnam-industry-report/.

2. Acclime Vietnam and Decision Lab (2023), The Advance of Fintech in Vietnam.

3. Findexable (2021), Global Fintech Rankings Report, retrieved from https://findexable.com/2021-fintech-rankings/.

4. HyperLead (2022), Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2022.

5. ISEV (2020), Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh, truy cập từ http://dean844.most.gov.vn/fintech-trong-asean-tu-khoi-nghiep-den-lon-manh.htm.

6. MoMo (2023), Fintech hợp tác ngân hàng và các tổ chức tài chính, đưa dịch vụ tài chính đến tầm tay nhiều khách hàng thu nhập thấp, truy cập từ https://momo.vn/tin-tuc/thong-cao-bao-chi/fintech-hop-tac-ngan-hang-va-cac-to-chuc-tai-4381.

7. Statista (2021), Fintech in Vietnam, retrieved from https://marketreport.io/fintech-vietnam-report.

Statista. (2024a). Fintech. Retrieved from https://www.statista.com/

8. Statista (2024), Transaction value of the fintech sector in Vietnam from 2018 to 2028, by segment, retrieved from https://www.statista.com/forecasts/1228355/fintech-transaction-value-by-segment-vietnam.

9. Tao Wu (2022), Fintech and Financial Inclusion: An Overview, Institute for Capacity Development, IMF.

10. Thời báo Ngân hàng (2021), Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng, truy cập từ https://thoibaonganhang.vn/tuong-lai-fintech-trong-moi-quan-he-hop-tac-voi-ngan-hang-132218.html.

11. Trần Hoàng Trúc Linh (2021), Xu hướng hợp tác ngân hàng - Fintech vào giai đoạn đại dịch Covid-19, Tạp chí Công Thương, 9(4).

12. Trường Thịnh (2022), Hợp tác với Fintech giúp ngân hàng mở rộng hệ sinh thái thanh toán, truy cập từ https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hop-tac-voi-fintech-giup-ngan-hang-mo-rong-he-sinh-thai-thanh-toan-20220727160157642.htm.

13. UEH (2021), Ngân hàng bắt tay FINTECH (phần 1): Hợp tác Ngân hàng – Fintech trong điều kiện ổn định tài chính toàn diện, truy cập từ https://future.ueh.edu.vn/chi-tiet-knowlege/ngan-hang-bat-tay-fintech-phan-1-hop-tac-ngan-hang-fintech-trong-dieu-kien-on-dinh-tai-chinh-toan-dien/.

14. Visa (2024), The Revolution of Cashless Payments in Vietnam: A Glimpse into the Future of Retail, retrieved from https://www.visa.com.vn/en_VN/about-visa/newsroom/press-releases/the-revolution-of-cashless-payments-in-vietnam-a-glimpse-into-the-future-of-retail.html.

15. Vụ Thanh toán, NHNN (2024), Tài liệu họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024.

16. World Bank (2024), Global Patterns of Fintech Activity and Enabling Factors: Fintech and the Future of Finance Flagship Technical Note, truy cập từ https://documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/documentdetail/099735504212234006/p1730060695b370090908c0bf80ed27eba6.

Ngày nhận bài: 15/5/2024; Ngày phản biện: 15/6/2024; Ngày duyệt đăng: 28/6/2024