Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp do Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội.

Thực lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu

Tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng tích cực với mức tăng trưởng bình quân 6,53%/năm; ổn định vĩ mô ngày càng được củng cố, thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng gần 6%/năm trong 8 năm qua. Năm 2019-2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức 6,6%-6,8%.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tuy nhiên, trong nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, tồn tại, làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế. Với thực lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, có tới 95% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ (dưới 20 người) không có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nền tảng công nghệ 4.0 chưa cho thấy dấu hiệu của công nghiệp hóa… Do đó, trong thời gian qua, dù đạt được những thành tựu đáng kể, song theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chắc chắn sẽ chịu tác động từ những biến động của kinh tế thế giới.

Cụ thể, ông Lực cho biết, năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất khu vực, chỉ cao hơn Bangladesh, Campuchia và Myanmar. Hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Năng lực cạnh tranh có tiến bộ trong 5 năm qua, nhưng chỉ là tiến bộ về các trụ cột cơ bản, có tính quy mô, như: quy mô thị trường, hiệu quả thị trường lao động... trong khi các trụ cột thuộc nhóm gia tăng hiệu suất, như: mức độ tinh thông trong hoạt động kinh doanh, hiệu quả thị trường hàng hóa… ít có sự cải thiện, thậm chí giảm sút.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban giám tài chính quốc gia cho biết thêm, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn kém là do các doanh nghiệp vẫn đang thờ ơ với cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0. Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy, so với 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với CMCN 4.0. Đồng thời, theo khảo sát của Bộ Công Thương hiện nay, có 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Cục An ninh kinh tế cũng cho hay, cạnh tranh là động lực giúp các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vì lợi ích mà không ít các nhà kinh doanh đã bất chấp, sử dụng các phương thức kinh doanh không lành mạnh, như: xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, cạnh tranh có tác dụng đổi mới, thúc đẩy sản xuất, là động lực để tăng trưởng kinh tế, nhưng sử dụng các phương thức cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực hội nhập

Do đó, để tăng khả năng chống chịu cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp Việt phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển kinh doanh, thị trường và thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực, chú trọng lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, nhất là kiến thức về kinh doanh số và ngoại ngữ…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực hội nhập, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA đã ký kết, đảm bảo tối đa các ưu đãi như tiêu chí về xuất xứ hàng hóa và nguồn nguyên liệu, các vấn đề về an toàn thực phẩm và môi trường, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền…

Đồng thời, Nhà nước, Chính phủ cần chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả.

Đặc biệt, nền kinh tế trong nước và các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận và áp dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, cần sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030...

Đề xuất giải pháp để ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục thương mại Điện tử và kinh tế số cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số. Cụ thể, chủ động ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị. Đăc biệt, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị cho sản phẩm./.