Đây là thông tin được nêu ra tại hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 29/1, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Hội thảo nhằm hoàn thiện Đề án “Áp dụng quản trị hiện đại đối với các doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu Nhà nước”.

Toàn cảnh hội thảo.

Vẫn còn khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN

Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước luôn là vấn đề quan tâm và tranh luận ở các nước và là một trong những điều kiện tiên quyết căn bản để doanh nghiệp nhà nước vận hành hiệu quả. Đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước gắn liền với sự tăng lên về hiệu quả và khả năng sinh lời của doanh nghiệp nhà nước.

Ở Việt Nam, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước đã được đề ra trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, về cơ bản, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả trên bình diện pháp luật lẫn trên thực tế.

Cụ thể, theo Báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM, thẩm quyền của hội đồng thành viên doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được nâng cao, mở rộng hơn theo thời gian. Ví dụ, về đầu tư, mua, bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 quy định việc đầu tư, mua, bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước phải trình cơ quan nhà nước phê chuẩn phương án đầu tư, mua, bán tất cả các tài sản quan trọng; thì đến Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, hội đồng thành viên doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được quyền quyết định dự án đầu tư, mua bán tài sản có giá tri <50% tổng giá trị tài sản còn lại; Và đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, được quyết định dự án đầu tư, mua, bán tài sản có giá trị <50% tống giá trị vốn chủ sở hữu.

Hay đối với quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng giám đốc, Luật DNNN năm 1995, 2003 quy định phải trình cơ quan nhà nước quyết định, nhưng đến Luật doanh nghiệp năm 2014 cho phép quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng giám đốc được quyết định sau khi chủ sở hữu phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Trung cũng cho biết, khi so sánh với thông lệ quốc tế phổ biến, ở Việt Nam vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường.

Thực thế cho thấy, “rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, yếu kém. Nhiều doanh nghiệp nhà nước thuộc diện bị giải thể, phá sản, nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản”, ông Phạm Đức Trung cho hay.

Hiện nay, cơ quan nhà nước còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, như: quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý; phê duyệt việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật tổng giám đốc, giám đốc; phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư quy mô lớn; dự án đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước còn quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác trong trường hợp thấp hơn giá trị sổ sách; quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Hoàn thiện thể chế kinh tế để doanh nghiệp nhà nước thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường

Để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu CIEM đề xuất, các giải pháp trọng tâm, gồm: thống nhất nhận thức về quản trị doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi hình thức pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi áp dụng các thông lệ quốc tế phổ biến về quản trị doanh nghiệp nhà nước đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường.

Đồng thời, tiếp tục minh bạch hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước và mục tiêu hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước; Nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Ngoài ra, hoàn thiện thể chế kinh tế để doanh nghiệp nhà nước thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng; tăng cường công tác tổ chức thực hiện áp dụng cơ chế đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và bên có lợi ích liên quan của doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục nâng cao tính minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất giải pháp, PGS, TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, nhà nước chỉ tham gia ở một số khâu quan trọng, trọng yếu, của doanh nghiệp nhà nước; Nên lấy hiệu quả tài chính làm thước đo quan trọng nhất để đánh giá doanh nghiệp nhà nước làm tốt hay không tốt; Phải có chế tài nặng, kỷ luật nghiêm minh và thực hiện nghiêm túc.

Đồng tình với báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đối với mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cần có những định hướng khác nhau, cần có cơ chế tháo gỡ để ơ chế tháo gỡ để dnnn hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong thực tế, từng ngành, lĩnh vực, nên giao cho các bộ ngành chuyên môn phụ trách quản lý. Ví dụ, lương, thưởng giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì Đề án Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, tùy vào lĩnh vực hoạt động, mỗi ngành, nghề sẽ có hiệu quả hoạt động của từng ngành, trên cơ sở đó, sẽ đưa ra những tiêu chí phù hợp để áp dụng cho mỗi ngành./.