NCIF: GDP 2021-2015 dự báo đạt khoảng 7%/năm
Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới“ do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức, sáng 21/11, TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm cho biết, mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn...
TS. Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc NCIF phát biểu tại Hội thảo
2016-2020, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế khoảng 6,84%
“Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã đi được gần hết chặng đường, dù còn khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng”, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Lý giải cho nhận định này, bà Minh cho biết, tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011-2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019 (với tốc độ tăng tương ứng đạt 6,81, 7,08% năm 2017, 2018 và khoảng 7,1% năm 2019).
“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các khu vực, các nền kinh tế chậm lại. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế khoảng 6,84%/năm (đạt mục tiêu 6,5-7% Kế hoạch 2016-2020 đã đề ra)”, TS. Minh phát biểu.
Nhìn từ phía cung, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực dẫn dắt tăng trưởng chung, bù đắp cho sự giảm sút của khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản, do đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vào các năm 2016 và 2019.
Đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã tăng lên hơn 44% (so với mức tương ứng 39,9% giai đoạn 2011-2015). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mặc dù có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do sức cầu bên ngoài giảm sút nhưng vẫn có mức tăng khá, trung bình 12,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, đóng góp 32% vào tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế.
Từ phía cầu, tăng trưởng kinh tế cao nhờ tiêu dùng tăng cao hơn và thặng dư thương mại lớn hơn giai đoạn trước. Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là ở một số thị trường đối tác CPTPP và thị trường Mỹ, trong bối cảnh thương mại quốc tế giảm sút, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường.
“Điều này cho thấy, Việt Nam cũng đã tận dụng được hiệu quả từ các hiệp định thương mại và cơ hội từ diễn biến của kinh tế thế giới và hội nhập quốc tế. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng nhanh, cơ cấu đầu tư dịch chuyển theo hướng tích cực. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao và có sự dịch chuyển mạnh mẽ cả về hình thức, đối tác và lĩnh vực đầu tư”, bà Minh chỉ rõ.
Không chỉ được hỗ trợ bởi sự gia tăng về quy mô của các yếu tố sản xuất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 còn được thúc đẩy bởi sự cải thiện của năng suất và hiệu quả. Năng suất lao động giai đoạn này tăng trung bình 5,8%/năm (so với mức tăng tương ứng 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).
Hiệu quả đầu tư cải thiện với hệ số ICOR trung bình 6,11 (so tương ứng với mức 6,25 của giai đoạn 2011-2015). Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố với lạm phát ở mức thấp (dưới 4%), tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, lãi suất ổn định, tăng trưởng tín dụng và cung tiền được kiểm soát chặt chẽ. Cân đối tài khóa cải thiện. Tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ giảm nhanh theo chiều hướng vững chắc hơn. Môi trường kinh doanh có sự cải thiện tích cực, góp phần thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
“Tuy nhiên, nhìn chung mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét”, TS. Trần Thị Hồng Minh đưa quan điểm.
Làm rõ hơn quan điểm của TS. Trần Thị Hồng Minh, TS. Đặng Đức Anh (Phó Giám đốc NCIF) dẫn chứng cho biết, tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn qua vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%).
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc và nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng.
Điều đáng quan ngại là các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là DNNVV chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo
2021-2025, tăng trưởng vẫn sẽ phụ thuộc vào công nghiệp, xây dựng và dịch vụ
Bước vào giai đoạn 2021-2025, TS. Trần Thị Hồng Minh chỉ rõ, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen.
“Cách mạng Công nghiệp 4.0 lan rộng và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ”, TS. Minh chia sẻ quan điểm.
TS. Đặng Đức Anh cho rằng, giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng kinh tế dự báo vẫn sẽ phụ thuộc vào khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó quan trọng là hai nhóm ngành công nghiệp chế biế, chế tạo và ngành bán buôn, bán lẻ.
“Sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, TS. Đặng Đức Anh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, các chuyên gia này đều cho rằng, kinh tế Việt Nam trong trung hạn cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro và thách thức. Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực do kinh tế toàn cầu giảm tốc khi bảo hộ thương mại và xung đột thương mại gia tăng. Hoạt động xuất khẩu và đầu tư đứng trước nhiều rủi ro.
Trong nội tại nền kinh tế, các vấn đề mang tính cơ cấu như: mô hình tăng trưởng chưa thoát khỏi quán tính tăng trưởng theo chiều rộng; hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công chưa cao; khả năng cạnh tranh yếu; năng lực đổi mới sáng tạo thấp... tiếp tục là những cản trở cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Về cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF) khẳng định, việc tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tác động sâu, rộng tới nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Cả CPTPP và EVFTA đều có lĩnh vực cam kết tương đối rộng so với các FTA khác, không chỉ nằm trong lĩnh vực trao đổi, xuất nhập khẩu mà còn liên quan đến cách thức sản xuất ra hàng hoá để trao đổi. Cả hai hiệp định nhìn chung đều có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng, xuất khẩu, đặc biệt trong thị trường các nước nội khối.
“EVFTA dự báo sẽ có tác động lớn hơn CPTPP, do CPTPP đã có nhiều thành viên tham gia các hiệp định FTA khác với Việt Nam trước đó. Cụ thể, EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 44,4%; xuất khẩu sang các nước trong CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%”, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Thắng dự báo.
Ngoài ra, các hiệp định này cũng có tác động tích cực tới lao động, trong đó những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày là những ngành dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, tác động tích cực từ các hiệp định này còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thế chế và môi trường kinh doanh, do đó kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn.
TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, thế giới đang diễn ra dịch vụ hóa các ngành.
Ông Thắng cho rằng, bối cảnh thế giới hiện nay cần lưu ý diễn biến tốc độ tăng trưởng vào thương mại hàng hóa toàn cầu đang giảm đi nhanh chóng. Đầu tư cũng giảm rất lớn. Xu hướng này kéo dài gần chục năm nay.
“Đó là do công nghệ, chứ không phải là do chiến tranh thương mại. Lợi thế lao động giá rẻ đang ngày càng giảm”, ông Thắng chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia này, chuỗi giá trị toàn cầu trước đây trải dài ở rất nhiều nước, thế nhưng do tác động của công nghệ, chuỗi này đang co ngắn lại. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ, đặc biệt là thương mại dịch vụ dữ liệu đang tăng rất mạnh.
“Giai đoạn 2025-2030 sẽ rất rõ ràng xu hướng này”, TS. Thắng nhận định.
Một yếu tố khác cần lưu ý trong giai đoạn tới, theo TS. Thắng là việc tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Năm 2016 đã lên 15%, 2035 trên 50% dân số là thuộc tầng lớp trung lưu. Nhóm có của ăn của để và trung lưu (nhóm tiêu dùng) lên tới 70%. Chiến lược nên suy nghĩ tới việc khai thác thị trường trong nước.
Ngoài ra cần lưu ý tới quá trình đô thị hóa. Đô thị là động lực rất quan trọng của phát triển. Nhưng phải nuôi dưỡng động lực đó như thế nào để có thể phát huy tối đa. Đặc biệt, cần lưu ý tới tỷ trọng dân cư đô thị. Bởi, theo vị chuyên gia này, nếu tỷ trọng này dưới 30% có thể kiểm soát, nhưng nếu vượt qua, thì sẽ khó khăn.
Trên cơ sở đánh giá nền tảng kinh tế Việt Nam sau giai đoạn 2016-2020, xem xét các yếu tố trong và ngoài nước nhiều khả năng tác động đến nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới, đặc biệt là bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia xây dựng hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025.
“Theo đó, với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động cải thiện hơn với tốc độ tăng khoảng 6,3%/năm. Với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao”, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Đức Anh đưa dự báo./.
Bình luận