Nếu có nợ quá hạn trên 180 ngày, địa phương sẽ không được vay lại vốn ODA
Dự thảo Nghị định được đánh giá là đã siết chặt các điều kiện vay lại những nguồn vốn này nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn vay cũng như an ninh tài chính quốc gia.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất, điều kiện tiếp cận vốn vay lại là Chính phủ cho các địa phương vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ để thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuộc quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thuộc danh mục huy động vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND cấp tỉnh quyết định.
Theo dự thảo Nghị định, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả và bố trí ngân sách hoàn trả đầy đủ, đúng hạn vốn vay lại cho Chính phủ. Đặc biệt, địa phương phải không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày.
Đối với vốn vay ưu đãi nước ngoài, điều kiện tiếp cận là UBND cấp tỉnh đảm bảo duy trì nghĩa vụ trả nợ hàng năm đối với các khoản nợ do UBND cấp tỉnh ký kết so với thu ngân sách hàng năm trong toàn bộ vòng đời của các khoản nợ đó không vượt quá 10% đối với các tỉnh/thành phố nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, 15% đối với các tỉnh/thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương.
Dự thảo cũng nhấn mạnh, việc cho vay lại được thực hiện theo nguyên tắc: Hỗ trợ hợp lý cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện khó khăn, đồng thời khuyến khích các địa phương có năng lực vay lại tiếp cận được nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
“Việc cho các địa phương vay lại được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và tiêu chí phân loại tỉnh quy định tại Nghị định này. Đồng thời, chỉ cho vay lại đối với những địa phương đảm bảo khả năng trả nợ và không được thay thế bằng cơ chế cấp phát”, Dự thảo Nghị định nêu rõ.
Về lĩnh vực cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh, dự thảo Nghị định quy định, vốn vay ưu đãi được cho vay lại toàn bộ. Vốn vay ODA được áp dụng cho vay lại đối với chương trình, dự án trong các lĩnh vực: cấp nước nông thôn; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị (giao thông đô thị, đường sắt đô thị, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị và hạ tầng đô thị khác); đầu tư bệnh viện, hạ tầng du lịch và dự án thuộc các lĩnh vực khác có đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Riêng, các khoản vốn vay nước ngoài dùng làm phần đóng góp của Chính phủ trong các dự án đối tác công - tư, UBND cấp tỉnh được vay lại toàn bộ./.
Bình luận