Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Phát hiện lô nhôm 4,3 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc đội lốt hàng Việt và chờ xuất sang Mỹ

Liên quan đến lô hàng nhôm 1,8 triệu tấn, Tổng cục Hải quan mới đây cho biết chủ của lô hàng này là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu. Công ty này có địa chỉ trụ sở chính tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá trị của lô hàng nhôm này vào khoảng 4,3 tỷ USD.

Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu là doanh nghiệp chế xuất, do đó hàng hóa xuất nhập khẩu của công ty thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2015/QH13 ngày 6/4/2016, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016.

Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nguyên liệu nhôm nhập khẩu của Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu được đưa về nhà máy sản xuất để sản xuất một phần, một phần được đưa đi gửi tại bãi thuê ngoài của Công ty Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (tại bãi Công ty PTSC, bãi TH Thị Vải), Công ty TNHH dịch vụ kho vận PTL, Công ty Cổ phần Thành Chí.

Từ năm 2015 đến 30/9/2019, tổng lượng nhôm nguyên liệu nhập khẩu của công ty là hơn 2,44 triệu tấn, xuất khẩu 400.000 tấn. Tính trung bình hàng năm công ty nhập khẩu 488.000 tấn/năm, trong khi đó xuất khẩu chỉ 80.000 tấn/năm (bằng 16,3% lượng nhập khẩu hàng năm, bằng 40% năng lực so với công suất thiết kế).

Riêng hoạt động nhập khẩu đã giảm hẳn trong năm 2019, tính đến 30/9/2019, lượng nhập khẩu là hơn 64.435 tấn.

Hiện nay, công ty đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD.

Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Úc, Nga, Mexico, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau, như: Canada, Ai Cập, Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ…

Đây là lẩn tránh thương mại, lẩn tránh xuất xứ

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều tối ngày 05/11, trả lời báo giới về vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đã ghi lại mặt hàng và đã kiểm tra.

Cụ thể, sau khi có tin, Bộ Công Thương đã cho tổ chức kiểm tra rất đầy đủ và thấy không có vi phạm trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O cho doanh nghiệp này.

“Ở đây, tính chất không phải xuất xứ mà vấn đề là lẩn tránh thương mại, lẩn tránh xuất xứ thì đúng hơn. Nghĩa là khi nhập hàng nguyên liệu về thì chúng ta có thể đầy đủ cơ sở để xác định là với một tỷ lệ phần trăm nhất định, với mức độ gia công chế biến vẫn không thể qua được xuất xứ. Tuy nhiên, lẩn tránh xuất xứ mà chúng tôi đã giải thích rất rõ là một nước nào đấy không muốn xuất xứ từ chính họ thì có thể vòng qua nước thứ ba để lẩn tránh xuất xứ”, Thứ trưởng Hưng lý giải.

Thứ trưởng Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại và sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra. Cơ quan này cũng sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các đối tượng trong quy định về phòng vệ thương mại hay là các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời cảnh báo cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng đang tăng cường các vấn đề liên quan khác về gian lận xuất xứ và lẩn tránh xuất xứ. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt đề án tăng cường biện pháp quản lý chống vi phạm trong việc lẩn tránh xuất xứ và gian lận thương mại. Việc này còn phụ thuộc vào các cơ quan, các nước nhập khẩu, như theo quy định của EU, Hoa Kỳ yêu cầu về chứng nhận xuất xứ và yêu cầu các doanh nghiệp tự khai xuất xứ. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để triển khai các vấn đề này”, ông Hưng thông tin.

Liên quan đến hướng xử lý vụ việc, ông Hưng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi doanh nghiệp này chưa xuất khẩu sang Mỹ.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo lại sau”, Thứ trưởng trả lời.

Phải nhìn nhận lại vấn đề cấp C/O

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta biết trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vấn đề cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vấn đề phải suy nghĩ. Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc này. Nếu chúng ta quản lý không tốt thì chính đây là những cơ sở khiến chúng ta sẽ thiệt hại rất lớn. Quy định của chúng ta giá trị gia tăng phải 30%, nhưng nếu chúng ta để bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, lấy thương hiệu Việt để xuất khẩu sang những nước mà sau này có sự áp thuế lên những mặt hàng của chúng ta thì rất nguy hiểm”.

Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định xuất nhập khẩu hai chiều chúng ta đạt 60 tỷ USD, chiếm một tỷ trọng rất lớn, khoảng 20% kim ngạch của cả nước. Thế nhưng với những nước lớn quy mô 500 tỷ USD thì rất nhỏ.

Thủ tướng đã có chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với những nước liên quan đến FTA, cấp C/O còn lại giao cho VCCI.

“Trong thời kỳ ban đầu, khi có chiến tranh thương mại, chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu. Nhưng bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề cấp C/O. Nếu chúng ta cấp dễ dãi, đánh giá mà không có kiểm tra, chỉ kê khai lên là cấp thì chính chúng ta sẽ chịu hậu quả rất lớn là bị áp thuế và chúng ta sẽ chịu thiệt. Vậy phải thẳng thắn thực hiện nghiêm túc điều này”, Bộ trưởng cho hay.

Đối với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan hải quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan cửa khẩu, Bộ trưởng Dũng yêu cầu khi kiểm tra phải có xem xét đánh giá. Bởi, việc này nhằm mục đích tránh việc đầu tư trước đây là một dự án có nhiều triệu đô la nhưng sau đó là một dự án có thể 2-3 triệu đô, chỉ bằng cái nhà xưởng, chỉ có mang hàng hóa đến sau đó dán nhãn, đóng gói.

Ông khẳng định việc này không gọi là đầu tư mà là núp bóng đầu tư, lợi dụng để làm nhà xưởng chuyển giao, tập kết, đóng gói, dán mác.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ ban hành văn bản liên quan đến nhiệm vụ và các giải pháp chống gian lận thương mại. Đây là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Nhìn kinh tế vĩ mô, nếu chúng ta để lợi dụng từ các nước bên cạnh chúng ta, chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ./.