Nếu phát hiện thấy sai, phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trả lời vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại phiên họp. Ảnh: VGP |
4 giải pháp khắc phục tình trạng cò mồi, trục lợi trong thực thi chính sách nhà ở xã hội
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, chính sách nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn và lo nhà, chỗ ở cho một lượng đông người lao động, thu nhập thấp. Do đó, trong thời gian qua, các quy định liên quan đến các chính sách về nhà ở xã hội được quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi. Trên cơ sở những chính sách ưu đãi như vậy để người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở tốt hơn.
Bên cạnh việc ban hành những chính sách ưu đãi, Chính phủ cũng như Quốc hội đã ban hành các quy định pháp luật liên quan đến việc xác định đối tượng thụ hưởng cũng như các điều kiện, tiêu chí công khai, minh bạch, rõ ràng để người có thu nhập thấp được hưởng các ưu đãi từ các chính sách này nhằm tránh trục lợi chính sách. Pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở xã hội quy định rất rõ.
Về trình tự tiếp nhận hồ sơ đối tượng được mua nhà ở xã hội, trên cơ sở tiêu chí các điều kiện như vậy, chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng. Cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan (UBND huyện, thuế, tài nguyên) kiểm tra danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng để các cơ quan có liên quan có thể kiểm tra, giám sát về đối tượng, điều kiện cũng như đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ nhà ở xã hội 1 lần. Sau khi xác định danh sách các đối tượng được mua sẽ tiến hành tổ chức bốc thăm để mua nhà ở xã hội.
"Như vậy có thể nói, các quy định liên quan đến mua bán nhà ở xã hội rất đảm bảo công khai, minh bạch và chặt chẽ, tránh trục lợi trong việc thực thi chính sách và đảm bảo đối tượng được mua là đối tượng được thụ hưởng", Thứ trưởng nói.
Trên cơ sở quy định rất rõ ràng như vậy, thời gian qua một số dự án, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk theo phản ánh của báo chí có những đối tượng trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán nhằm trục lợi.
Trước tình hình như vậy, thời gian qua Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương nơi xảy ra hiện tượng như trên kiểm tra làm rõ các thông tin tiêu cực mà các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh; trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Nếu phát hiện thấy sai phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng.
Về lâu dài, trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết, phải tăng cường đầu tư, phát triển nhà ở xã hội ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2021 - 2030. Đã có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành đã tham gia rất tích cực để đôn đốc cùng các địa phương triển khai.
"Một trong những giải pháp để thúc đẩy việc này là yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai tốt đề án này theo đơn vị, chỉ tiêu của từng địa phương, làm sao tăng nguồn cung, đáp ứng được như cầu về nhà ở xã hội trong thời gian tới, giảm hiện tượng như báo chí đã nêu", Thứ trưởng nói.
Thứ hai, đã yêu cầu các địa phương công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ, theo dõi việc mua bán nhà ở xã hội theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.
Thứ tư, các địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.
"Phải cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp phát hiện đối tượng và những trường hợp mua bán không đúng đối tượng, buộc thu hồi nhà ở, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách này", Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án xác định đúng đối tượng, tiêu chí cũng như các quy định pháp luật về nhà ở đã đề ra.
"Đặc biệt, nắm bắt thông tin về việc mua – bán nhà ở xã hội của dự án mình không đúng, ví dụ mua sau 5 năm mới được bán nhưng bán trước thì phải có biện pháp kiểm tra thường xuyên và ngăn chặn tình trạng này", lãnh đạo Bộ Xây dựng nêu giải pháp.
Đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án bất động sản
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đi các địa phương để đôn đốc cũng như lắng nghe các dự án gặp khó khăn, đồng thời cũng là rà soát các dự án khó khăn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…
Đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án.
Về thể chế, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, các bộ, ngành cũng ban hành nhiều thông tư để giải quyết những vướng mắc.
Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ những quy định pháp luật liên quan về đất đai.
Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan đến nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn phục vụ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất tháo gỡ, nhất là Nghị định sửa đổi các nghị định trong lĩnh vực xây dựng, tháo gỡ liên quan đến các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thời gian qua, nhất là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất và sửa đổi theo Luật Nhà ở.
Có thể nói các vướng mắc về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết.
Về mặt thực thi, qua rà soát, các vướng mắc liên quan đến thực thi tại các địa phương, Thứ trưởng cho biết, Bộ Xây dựng đã nắm được và đã có báo cáo. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Công điện gửi các địa phương và bộ, ngành về việc tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn của các dự án bất động sản, đặc biệt là dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời.
Trong thời gian vừa qua, nổi lên những dự án còn nhiều khó khăn ở những địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía Nam đang còn một số vướng mắc liên quan đến trình tự đầu tư. Các dự án này thời gian qua diễn ra trong thời gian dài, các giai đoạn khác nhau.
"Do đó, hiện nay chúng tôi đang phối hợp cùng các địa phương tiếp tục đôn đốc, rà soát và tháo gỡ. Những vấn đề gì liên quan đến bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó sẽ trả lời kịp thời cùng các địa phương, làm sao trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ cùng các địa phương tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy nguồn cung", Thứ trưởng nói thêm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiện Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã cung cấp cho phóng viên khá đầy đủ các giải pháp, bao gồm cả những vấn đề khó khăn pháp lý (chiếm gần 70%), trong đó có khó khăn về tính giá đất. Vừa rồi, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thủ tục khó khăn về pháp lý./.
Bình luận