Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Các nước phát triển đang đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19
Cụ thể, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu cho biết, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% thay vì 4,1% như dự báo hồi đầu tháng 1/2021. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1973 với 6,6%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng, nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo, đang bị bỏ lại đằng sau và sẽ mất nhiều năm để trở lại mức tăng trưởng trước khi bùng phát dịch.
"Tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn có thể không bù đắp được thực tế là đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến các nước nghèo nhất và tác động nhiều hơn đến các nhóm dễ bị tổn thương", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass khẳng định.
Cũng theo ông David Malpass, cộng đồng thế giới cần phối hợp các nỗ lực toàn cầu để đẩy nhanh việc phân phối vaccine và giảm nợ, đặc biệt cho các nước có thu nhập thấp.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu rõ, khoảng 90% các nền kinh tế phát triển dự kiến đến năm 2022 sẽ trở về mốc thu nhập bình quân đầu người ghi nhận trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ 1/3 thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển dự kiến có thể đạt được điều này.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán tăng 4,3% trong năm tới, thêm 0,5 điểm phần trăm so với ước tính trước đó của Ngân hàng Thế giới. Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá thương mại toàn cầu sẽ tăng 8,3% trong năm nay.
Trong nhóm các nền kinh tế lớn, Mỹ có khả năng tăng trưởng 6,8% trong năm 2021, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Điều này nhờ hỗ trợ tài chính quy mô lớn, chương trình tiêm vaccine COVID-19 rộng rãi và nới lỏng giãn cách xã hội đang diễn ra.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng 8,5% và năm 2022 là 5,4%. Kinh tế các quốc gia vùng Eurozone được cho sẽ tăng 4,2% trong năm 2021 và 4,4% vào năm 2022.
Ngân hàng Thế giới cũng cắt giảm dự báo đối với các nước có thu nhập thấp trong năm nay và năm 2022 với kỳ vọng chỉ tăng trưởng 2,9%, mức thấp nhất trong 2 thập kỷ nếu không tính năm 2020./.
Bình luận