Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là thỏa thuận Paris, ngành nông nghiệp đã có nhiều hành động cụ thể như: ban hành kế hoạch hành động, nhiều cơ chế chính sách đã được xây dựng. Mục tiêu là phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể, giảm dần tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên (nước, đất đai...).

Đối với ngành trồng trọt, hiện đang áp dụng các giải pháp như "1 phải 5 giảm", hạn chế phát thải. Chăn nuôi áp dụng các hình thức xử lý chất thải (biogas). Ngành lâm nghiệp thực hiện mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng, quỹ các bon... nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Đối với thủy lợi, đẩy mạnh và nâng cao quản lý hệ thống thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm...

Theo báo cáo đánh giá của Cục Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai đã có những kết quả đáng khích lệ, được tổ chức toàn diện hơn đối với tất cả các loại hình thiên tai; hoạt đồng phòng, chống thiên tai được triển khai theo 3 bước cơ bản từ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Công tác dự báo với thời gian dự kiến dài hơn, chất lượng dự báo chính xác hơn, công tác thông tin tuyên truyền được triển khai sâu rộng. Vì vậy, thiệt hại về người và tài sản đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Số người chết và mất tích bình quân năm trong 5 năm giai đoạn 2006-2011 là 478 người/năm và trong giai đoạn 2011-2015 là 225 người/năm, giảm 53%. Và tiếp tục giảm trong các năm 2016, 2017. Thiệt hại về tính mạng đối với ngư dân hoạt động trên biển, nhân dân vùng ven biển trong thời gian qua cũng giảm đáng kể. Thiệt hại vật chất giai đoạn 2011-2015 (660 triệu USD/năm) giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu USD/năm). Đó là kết quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhận định hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, không theo quy luật. Sự cực đoan của thời tiết cho thấy thiên tai có cường độ cao, như: mưa cực lớn, bão lớn... xuất hiện dày hơn. Thiên tai đã tác động mạnh và làm thay đổi các quy luật so với trước đây, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là khu vực vùng núi, ven biển. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu gây bất lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông tại nhiều địa phương, đây là tác động trực tiếp do con người gây ra. Bên cạnh đó, việc phát triển ở khu vực thượng nguồn như thủy điện, thủy lợi... cũng làm cho suy giảm lượng bùn, cát đổ về hạ du.

Theo ông Đỗ Xuân Lân, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, mục tiêu của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường và dân cư trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, chống ngập lụt, xâm nhập mặn...

Đưa ra những giải pháp tăng cường công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, thích ứng biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững và không tác động đến tự nhiên, đồng thời phải có những giải pháp xây dựng dựa vào hệ sinh thái. “Thời gian tới, cần huy động các nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, các nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh thêm.

Ông Lê Quang Tuấn, Cục Phòng chống thiên tai cho rằng, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiếu thiệt hại do thiên tai gây ra, thì tất cả các cấp ngành từ trung ương đến địa phương cũng như nhân dân cần nỗ lực hơn nữa tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai để giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hạị. Cụ thể, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp lý, chiến lược, kế hoạch, phương án về phòng, chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai.

Đồng thời, xây dựng và nâng cao khả năng chống chịu của các công trình phòng chống thiên tai, trong đó củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; an toàn hồ chứa, khu neo đậu cho tàu, thuyền tránh, trú bão; hỗ trợ xây dựng nhà chống bão, lũ các tỉnh miền Trung… Ngoài ra cần nâng cao năng lực dự báo thiên tai, hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn đảm bảo cung cấp thông tin dự báo đầy đủ, chính xác tới cơ quan chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai./.