Ngành thủy sản, phân bón, hóa chất sẽ là tiêu điểm đầu tư trong bối cảnh mới
Tháng 3, VN-Index có thể về đỉnh 1.530 điểm
Do giá cả hàng hóa quốc tế leo thang, các ngành được hưởng lợi như dầu khí, vận tải biển, thủy sản, phân bón đã có tỉ suất sinh lời rất tốt |
EVS đánh giá, xung đột giữa Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt và trả đũa làm trầm trọng hơn việc gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra sốc cung khiến giả cả hàng hóa liên tục phá đỉnh như giá dầu, phân bón... Áp lực lạm phát ngày càng gia tăng ở Mỹ và các nước châu Âu, buộc các Ngân hàng trung ương phải cân nhắc giải pháp thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh vĩ mô bất ổn. Tại Việt Nam, áp lực lạm phát từ bên ngoài hiện hữu, nhưng vẫn được kiểm soát tốt bởi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. CPI bình quân tháng 2 tăng 1.42% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục khả quan, tăng 13% so với cùng kỳ mặc dù chịu áp lực trực tiếp từ trong và ngoài nước.
Phản ứng trước những diễn biến trên, chỉ số chứng khoán Việt Nam giằng co quanh ngưỡng 1.500 điểm, thanh khoản tiếp tục giảm do các thông tin tiêu cực từ bên ngoài cộng với yếu tố mùa vụ. Điểm đáng mừng là kết quả kinh doanh quý IV/2021 của các doanh nghiệp cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, lợi nhuận sau thuế của khối doanh nghiệp niêm yết tăng 17% so với cùng kỳ, dẫn đầu là ngành bán lẻ, dịch vụ tài chính… Dù vậy, biến động giá của cổ phiếu phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành. Do giá cả hàng hóa quốc tế leo thang, các ngành được hưởng lợi như dầu khí, vận tải biển, thủy sản, phân bón đã có tỉ suất sinh lời rất tốt. Theo quan điểm của EVS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giao dịch trong biến độ hẹp và có thể hồi phục về mức đỉnh lịch sử 1.530 nếu thanh khoản thị trường khả quan trong tháng 03/2022.
Nguồn: EVS |
Đồng Việt Nam ổn định là một lợi thế
Khối phân tích EVS đánh giá, việc kim ngạch xuất nhập khẩu khả quan trong bối cảnh Việt Nam đồng ổn định là một điểm sáng của bức tranh kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. 2 tháng đầu năm nay, tỉ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước diễn biến tương đối ổn định, Việt Nam đồng tăng giá nhẹ 0,03%. Diễn biến tiêu cực xảy ra dồn dập trên thị trường tiền tệ thế giới, nhất là căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraina, FED tăng lãi suất, lạm phát bảo phủ châu Âu…, nhưng tại Việt Nam, với nền tảng dự trữ ngoại hối dồi dào (hơn 105 tỷ USD tính đến thời điểm đầu tháng 10/2021) cùng lượng kiều hồi chảy về đều đặn (dự kiến 20 tỷ USD trong năm 2022), EVS dự báo, VND sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong suốt năm 2022 với biên độ hẹp 0,25-0,75%.
EVS đánh giá cao ngành thủy sản với các cổ phiếu có triển vọng nhất là VHC, ANV, FMC |
Về tiêu điểm đầu tư sắp tới, EVS đánh giá cao ngành thủy sản với các cổ phiếu có triển vọng nhất là VHC, ANV, FMC. Lý do, thủy sản sẽ tiếp tục là mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam năm 2022 dự báo sẽ đạt 2,1 triệu tấn (tăng 3,2% so với 2021), với giá trị 9,2 tỉ USD (tăng 3,5% so với 2021).
Mặc dù đã đạt mức xuất khẩu tốt trong 2021, các chi phí quản lý (do áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”) và chi phí vận chuyển (giá cước vận tải, container vận chuyển) đè nặng lên các doanh nghiệp do Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó. Tuy nhiên, với kì vọng giãn cách xã hội sẽ khó có thể xảy ra và việc gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ dần được cải thiện, ngành thủy sản sẽ có thể hồi phục và phát triển mạnh trong 2022. Giá cả các mặt hàng xuất khẩu như cá tra, tôm sẽ tiếp tục tăng do cầu vượt cung.
Một ngành đáng quan tâm đầu tư khác là phân bón và hóa chất. Giá cả hàng hóa leo thang, các doanh nghiệp trong ngành này đang hưởng lợi. Theo Bộ Công Thương, giá phân bón tăng 682% YoY và hóa chất tăng 98.6% YoY trong tháng 1 vừa qua. Giá nông sản thế giới tăng nóng thời gian qua do rối loạn nguồn cung kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nóng nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu phân bón gia tăng.
Đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào của phân bón hiện đang tăng ở mức kỷ lục. Kể từ tháng 1/2022, giá quốc tế của một loạt các nguyên liệu sản xuất phân bón chính tăng vọt như giá ammoniac tăng 220%, urea tăng 148%, DAP tăng 90% và KCL tăng 198%. Trong đó, Nga và là nước xuất khẩu nguyên liệu phân bón hàng đầu thế giới với sản lượng xuất khẩu đạt lần lượt 9 và 8 triệu tấn (2021). Cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt từ Phương Tây đã khiến cho giá của các mặt hàng này tiếp tục tăng từ nền cao trong 2021. Đây là tác động chính khiến cho các cổ phiếu ngành phân bón và hóa chất tăng mạnh thời gian vừa qua.
EVS dự báo, kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong ngành này sẽ kéo dài trong quý I/2022 Tổng hợp kết quả quý IV/2021 cho thấy, các doanh nghiệp ngành phân bón đều được hưởng lợi rất nhiều từ việc giá phân bón tăng cao. Đạm Phú Mỹ (HSX: DPM) có mức tăng trưởng ấn tượng 65% về doanh thu và 352% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ - mức lợi nhuận kỷ lục của DPM trong vòng 10 năm. CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HSX: DCM) cũng tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuân, với 31% và 190% so với cùng kỳ. “Chúng tôi cho rằng. với việc giá bán phân bón tiếp tục neo ở mức cao, kết quả kinh doanh quý I/2022 của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục khả quan, là chất xúc tác quan trọng kéo dài chu kỳ tăng giá của nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất thời gian tới", EVS viết. Các cổ phiếu trong ngành được EVS khuyến nghị gồm DGC, DPM, DCM.
Bình luận