Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Thành Quân phát biểu tại KCN Nam Cầu Kiền  nhân chuyến công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuống Hải Phòng
Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Thành Quân phát biểu tại KCN Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng về kết quả triển khai KCN sinh thái tại Hải Phòng

Nghị định gồm 08 Chương và 76 Điều, được áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất,kinh doanh tại KCN, KKT.

So với Nghị định 82 gần đây (Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT), Nghị định số 35/2022/NĐ-CP được xây dựng hoàn thiện hơn, bộc lộ rõ tính ưu việt khi các quy định trong các Điều của Nghị định được xác định phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (đầu tư hạ tầng, thành lập KCN...).

Tính ưu việt của Nghị định 35/2022/NĐ-CP

Một góc KCN Đình Vũ, KCN đang thụ hưởng dự án KCN sinh thái cảu Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Một góc KCN Đình Vũ, KCN đang thụ hưởng dự án KCN sinh thái

Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đã bãi bỏ thủ tục thành lập KCN. Trong đó, KCN được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền (1) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; (2) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Cùng với đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng hoàn thiện điều kiện đầu tư hạ tầng KCN phù hợp với quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy KCN, quy mô KCN, địa điểm, loại hình KCN, năng lực của nhà đầu tư, tiến độ thu hút đầu tư, có khả năng đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan....

Đặc biệt, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về một số mô hình mô hình phát triển KCN, trong đó nổi bật là KCN sinh thái với các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển KCN sinh thái và thủ tục thành lập, chứng nhận KCN sinh thái. Qua đó góp phần thắp sáng niềm tin và tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái, đồng thời thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

Chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN sinh thái

Một góc KCN Nam Cầu Kiền- Một trong hai KCN tại Hải Phòng đang chuyển đổi sàn KCN sinh thái
Một góc KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng- KCN đang chuyển đổi sang KCN sinh thái

Nghị định định 35/2022/NĐ-CP quy định chi tiết UBND cấp tỉnh ban hành chính sách phát triển KCN sinh thái, trong đó: Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN hiện hữu để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành KCN sinh thái; Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới và thu hút đầu tư vào KCN sinh thái; Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp trong KCN cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Về hợp tác xây dựng KCN sinh thái, Nghị định nêu rõ:

Các doanh nghiệp trong KCN thực hiện hợp tác với nhau để sử dụng chung các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ, nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất; tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng dư thừa, chất thải, phế liệu của mình và của các doanh nghiệp khác trong KCN để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.

Các doanh nghiệp trong KCN được hợp tác với bên thứ ba để thực hiện cộng sinh công nghiệp. Bên thứ ba gồm nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN và doanh nghiệp khác thông qua cung cấp các công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung ứng dịch vụ hỗ trợ xây dựng và triển khai cộng sinh công nghiệp;

Các bên tham gia tự thoả thuận hình thức hợp tác và chia sẻ lợi ích, chi phí theo quy định của pháp luật về dân sự.

Ban Quản lý KCN, KKT giao một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý hoặc một đơn vị phù hợp thực hiện chức năng xây dựng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; đề xuất giải pháp và kết nối doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp; cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi hoặc đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái.

Các cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư được khuyến khích xây dựng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong KCN để hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Ban Quản lý các KCN, KKT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trên địa bàn nhằm chứng nhận, theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin có liên quan vào hệ thống thông tin về KCN, KKT trên địa bàn và hệ thống thông tin quốc gia về KCN, KKT.

Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đáp ứng các tiêu chí:

Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái;

Bảo đảm đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm: dịch vụ hạ tầng thiết yếu và các dịch vụ có liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu trong KCN; lập báo cáo định kỳ hằng năm về các kết quả đạt được trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và giám sát phát thải của KCN, báo cáo Ban Quản lý KCN, KKT.

Hằng năm, công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh gửi Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và đăng trên website của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong KCN đáp ứng các tiêu chí sau:

Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận KCN sinh thái;

Thực hiện ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong KCN áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp.

Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường.

Nhà máy xử lý nước thải trong KCN Đình Vũ, thành phố Hải Phòng
Nhà máy xử lý nước thải trong KCN Đình Vũ, thành phố Hải Phòng

Các KCN đáp ứng các tiêu chí sau:

Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN.

Xây dựng mới KCN sinh thái: Chính phủ khuyến khích đầu tư mới KCN sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư vào KCN; dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề; dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong KCN, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của KCN về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hoá chất, chất thải, phế liệu và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định KCN sinh thái quy định tại Điều 37 của Nghị định này trong vòng 08 năm kể từ thời điểm KCN được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện;

Được cấp có thẩm quyền quy định loại hình KCN sinh thái trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để làm căn cứ kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Ưu đãi đối với KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái:

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này.

Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ các quỹ, nhà tài trợ trong nước và quốc tế; được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, pháp luật về bảo vệ môi trường để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN sinh thái, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp.

Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý.

Doanh nghiệp trong KCN sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin có liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái được hưởng các ưu đãi theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan kể từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận là khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái:

KCN đáp ứng các tiêu chí xác định KCN sinh thái (quy định tại Điều 37 của Nghị định này) được UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận KCN sinh thái.

Doanh nghiệp trong KCN sinh thái tham gia các hoạt động và đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 37 của Nghị định này được Ban Quản lý KCN, KKT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết các mẫu văn bản đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận KCN sinh thái và Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái.

Đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái:

Doanh nghiệp trong KCN sinh thái lập 05 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái gửi Ban Quản lý KCN, KKT.

Hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái bao gồm: Văn bản đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái; Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong KCN sinh thái; Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp sinh thái theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Nghị định này (kèm theo các tài liệu có liên quan); Các tài liệu khác có liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp (nếu có).

Trường hợp kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Ban quản lý KCN, KKT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái cho doanh nghiệp.Trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá, Ban Quản lý KCN, KKT có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do không đạt yêu cầu.

Cầu cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng
Cầu cảng Đình Vũ trong KCN Đình Vũ, thành phố Hải Phòng

Tin rằng, Nghị định 35/2022/NĐ-CP với tính ưu việt đã được hoàn thiện trên cơ sở của các Nghị định trước đó (về quản lý các KCN, KKT) chắc chắn sẽ giúp cho việc xây dựng và phát triển KCN, KKT và các mô hình kinh tế tương tự có nhiều cơ hội phát triển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; đặc biệt sẽ lan tỏa phát triển mô hình KCN sinh thái như một nhiệm vụ tất yếu tại các địa phương trong cả nước.