Nghị quyết 19 sắp có “version 5”: Chúng ta đã lãng phí tới 5 năm cho một việc tưởng rất đơn giản...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chua xót nhận định như vậy tại tọa đàm khoa học “Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019-2020” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia tổ chức sáng 12/12.
Những kỳ vọng chưa đạt
Dẫu cho được khởi xướng từ 2014 và đạt được nhiều thành tựu, nhưng rõ ràng những Nghị quyết 19 vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do chưa được thực thi nghiêm túc.
Mặc dù công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh được tiến hành rất quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhưng vẫn đến nay kết quả đặt ra vẫn chưa như kỳ vọng.
Theo báo cáo của VCCI, có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép. Hơn 40% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2017 và 49% trong năm 2016.
Bên cạnh đó, chi phí của cộng đồng kinh doanh tại Việt
Tại một Hội nghị được tổ chức tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, điều kiện kinh doanh là một loại rào cản lớn đến gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018. Đến nay, việc cắt giảm vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng “cắt chỗ này, mọc chỗ khác” vẫn khá phổ biến.
Theo báo cáo của CIEM, có những điều kiện kinh doanh về hình thức là được bãi bỏ nhưng nội dung bãi bỏ đó lại lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) hay tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Hoặc chỉ thay đổi về mặt diễn đạt câu chữ. Thậm chí là cắt giảm số lượng điều kiện nhưng lại đẩy hồ sơ lên nhiều hơn trong mỗi điều kiện.
Có những điều kiện kinh doanh được sửa đổi, song việc sửa đổi đó chỉ mang mục đích tránh gây sự chú ý chứ hoàn toàn thực chất không có sự thay đổi hoặc bãi bỏ nào.
Đánh giá sơ bộ về kết quả rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh.
Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Với hình thức cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh như hiện nay, theo CIEM thực chất tỷ lệ điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, chỉnh sửa, tạo thuận doanh nghiệp chỉ đạt 30% thay vì 50% như số lượng đã tính.
Còn TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định, chỉ khoảng 1/3 trong số đó là thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh. Còn lại 2/3 vẫn là hình thức, không thay đổi một cách thực chất.
Chuẩn bị có Nghị quyết 19 version 5
Chiều 12/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng.
Đại diện các bộ ngành, hiệp hội đã nghe, thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thay đổi căn bản trong dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019 là sẽ không liệt kê chi tiết các nhiệm vụ của từng bộ ngành mà tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ cơ bản.
Trước hết là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh, thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách đã thực hiện trong năm 2018; thực hiện cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Đồng thời đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
“Trong tổ chức thực hiện, các bộ ngành phải hướng dẫn cụ thể xuống sở ngành ở địa phương để triển khai vì vẫn có cách hiểu việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh chủ yếu do Sở KH&ĐT thực hiện. Các bộ ngành phải chủ động đề xuất các ‘điểm nhấn’ trong nhóm nhiệm vụ, công việc, lĩnh vực thuộc bộ ngành mình”, Phó Thủ tướng nói.
Một trong những nhiệm vụ mới trong dự thảo Nghị quyết 19 năm 2019 được nhiều đại biểu tán thành là cần đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
“Đây là nhiệm vụ mới, phải tập trung làm cho bằng được, chứ không chỉ đặt ra chung chung”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hội đồng cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan tham mưu, xây dựng dự thảo Nghị quyết 19 hằng năm để Chính phủ ban hành, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện.
Trước đó, tại Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 27/11, đối với dự thảo Nghị quyết 19, Thủ tướng quán triệt, cần sớm ban hành ngay từ đầu năm, cùng thời điểm với Nghị quyết 01, với quan điểm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cần tính toán kỹ các mục tiêu, chỉ tiêu với quyết tâm phấn đấu cao nhất, rõ ràng, minh bạch hơn và dễ giám sát, đánh giá. Thủ tướng nhất trí, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể và cho rằng, cần có đánh giá nghiêm túc, khách quan việc thực hiện với chế tài xử lý cương quyết, nghiêm minh như công khai các bộ, ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Bao giờ cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh mới kết thúc?
Điều đáng nói là cắt giảm điều kiện kinh doanh là cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ, khẩn cấp và cần thiết. Như TS. Lê Đăng Doanh đã chia sẻ: “cuộc chiến đấu nàychúng tôi đã làm từ 2000 đến giờ vẫn chưa kết thúc”.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận: "Bao nhiêu đợt cải cách đã qua, nhưng tôi đến nay sắp về hưu, vẫn cảm thấy không thành công, những nỗ lực kiến nghị của mình vẫn đạt được kết quả rất thấp. Cải cách phải liên tục, nhất quán, có áp lực bên ngoài thì mới làm được".
Còn tại tọa đàm khoa học “Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019-2020” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia tổ chức sáng 12/12, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chua xót nhận định: “5 năm thực hiện nghị quyết 19 là một sự hoài phí về thời gian, trong khi năm 1999 chỉ cần cắt 1 lần đã được 50%”.
Xuyên suốt lại, có thể hiểu được mong muốn của chuyên gia Phạm Chi Lan mới đây phát biểu tại VCCI: “Tôi mong sau năm 2020 sẽ không còn cần tới Nghị quyết 19, Chính phủ không phải cầm tay chỉ việc cho từng địa phương. Xã hội đang thay đổi rất nhanh chúng ta không có thời gian để cứ làm mãi thế này”./.
Bình luận