Từ khóa: quản lý điểm đến, du lịch sinh thái, du lịch sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Summary

This study evaluates the current situation of ecotourism activities in the Mekong Delta provinces. Based on the research results, the article proposes a number of solutions for managing ecotourism destinations in the Mekong Delta, including: (1) Improving the State management organization; (2) Applying the model of public investment and private management; (3) Developing investment preference and promotion policies; (4) Enhancing community participation; (5) Promoting the role of specialized agencies in implementing the marketing strategies; (7) Promoting tourism linkages.

Keywords: destination management, ecotourism, ecotourism in the Mekong Delta

GIỚI THIỆU

ĐBSCL là vùng có hệ sinh thái đa dạng và đặc thù. Thời gian gần đây, du lịch sinh thái đã thu hút sự quan tâm và phát triển từ các tỉnh trong Vùng, nên mang lại lợi ích đa chiều. Tuy nhiên, hoạt động này đang đối mặt với nhiều hạn chế. Do đó, muốn hướng tới phát triển điểm đến du lịch sinh thái ở ĐBSCL cần chú trọng phát triển hiệu quả cả 3 trụ cột, gồm: kinh tế, xã hội và môi trường, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Đặc biệt, công tác quản lý điểm đến du lịch sinh thái ở ĐBSCL cần có một cơ chế hiệu quả, để có thể chủ động vượt qua những tác động phức tạp về điều kiện kinh tế, xã hội của Vùng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với không ít khó khăn hiện nay.

TỔNG QUAN VỀ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH

Khái niệm quản lý điểm đến du lịch

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), quản lý điểm đến bao gồm quản lý phối hợp tất cả các yếu tố tạo nên một điểm đến du lịch. Quản lý điểm đến có một cách tiếp cận chiến lược để liên kết các yếu tố đôi khi rất riêng biệt để quản lý điểm đến tốt hơn. Quản lý có thể giúp tránh các chức năng chồng chéo và trùng lặp trong các nhiệm vụ liên quan đến quảng bá, dịch vụ khách du lịch, đào tạo, hỗ trợ kinh doanh và nhận diện bất kỳ lỗ hổng quản lý nào chưa được giải quyết.

Trần Như Đào (2017) cho rằng: “Quản lý nhà nước về du lịch được xem là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh liên tục bằng quyền lực công cộng chủ yếu thông qua pháp luật dựa trên nền tảng của thể chế chính trị nhất định đối với các quá trình, các hoạt động du lịch, nhằm đạt được hiệu quả và mục tiêu kinh tế - xã hội do nhà nước đặt ra”. Như vậy, công cụ để thực hiện quản lý nhà nước về du lịch chính là hệ thống quy định trong các chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong khi đó, Vũ Hương Giang (2020) cho rằng, quản lý điểm đến du lịch là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh liên tục bằng quyền lực công, chủ yếu thông qua pháp luật, nhằm xác lập một trật tự ổn định cho các hoạt động, quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực du lịch, hướng tới việc phát triển du lịch tại điểm đến theo những mục tiêu đã được đặt ra.

Vai trò của quản lý điểm đến du lịch

Hoạt động quản lý điểm đến du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chung của điểm đến và ngành du lịch. Thông qua việc quản lý này, các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cho cộng đồng địa phương, đồng thời còn đảm bảo sự bảo vệ môi trường tại điểm đến du lịch. Điều quan trọng là hoạt động du lịch, nếu được quản lý tốt, sẽ có thể thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất và kinh doanh khác (Vũ Hương Giang, 2020).

Ngoài ra, quản lý điểm đến còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hướng dẫn các bên liên quan phát triển du lịch theo hướng bền vững, mang lại sự phát triển hài hòa cho cả 3 trụ cột kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

Đặc biệt, hoạt động quản lý điểm đến còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch bằng cách cung cấp các sản phẩm phù hợp với xu hướng, cũng như nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Quản lý điểm đến còn giúp điều phối các nỗ lực phát triển du lịch một cách hợp lý, tránh sự trùng lặp và giúp dễ dàng xác định các vấn đề quản lý cần được ưu tiên giải quyết. Chính điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng phát triển của ngành du lịch, cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH SINH THÁI Ở ĐBSCL

ĐBSCL gồm 13 tỉnh và thành phố, có diện tích khoảng 40.000 km2 và dân số khoảng 18 triệu người. Với cảnh quan sinh thái đặc trưng của đồng bằng và vùng biển đảo, ĐBSCL là một vùng đất phong phú, kết hợp giữa hệ thống sông ngòi và cây trái. Đây còn là vùng đất có những nét văn hóa đặc sắc và lịch sử lâu đời. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong, năm 2022, các tỉnh, thành đồng ĐBSCL đã thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đón gần 27 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch hơn 26 nghìn tỷ đồng, đưa du lịch ĐBSCL phục hồi và tăng trưởng khá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng (T.Lê, 2023).

Hiện nay, các loại hình du lịch của vùng ĐBSCL khá đa dạng và phong phú, bao gồm: (1) Du lịch sinh thái ở các sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước điển hình; (2) Du lịch sông nước gắn với làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân; (3) Du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh; (4) Du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo gắn với thể thao; (5) Du lịch gắn với cửa khẩu. Trong những loại hình du lịch này, thì du lịch sinh thái được ưu tiên phát triển dựa trên yếu tố thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc văn minh lúa nước. Du lịch sinh thái không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch của cộng đồng trong khu vực, mà còn thích ứng với xu thế toàn cầu, đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững và đóng góp vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Nhìn chung, du lịch sinh thái đang là xu hướng đột phá tại nhiều vùng nông thôn, mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực và đóng góp đáng kể vào cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư. Điều này không chỉ giúp nâng cao mức sống, mà còn tạo ra sự thay đổi đáng kể, "thay áo mới" cho những vùng nông thôn, làm giảm thiểu khoảng cách phát triển với thành thị. Bằng cách kết hợp sản xuất nông nghiệp với các điểm tham quan, trải nghiệm du lịch, các nhà vườn đã mở ra cơ hội tăng lợi nhuận. Các khu du lịch như: Vườn quốc gia Tràm Chim, khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Xẻo Quýt... là những nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, các nét đặc trưng của du lịch sinh thái tại Đồng bằng sông Cửu Long là các loại hình du lịch như sau:

(i) Du lịch sinh thái miệt vườn

Các khu du lịch và điểm sinh thái đã trở thành điểm nổi bật trên các tuyến du lịch, thu hút đa dạng đối tượng khách du lịch, bao gồm: Các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, cũng như các đoàn khách từ các cơ quan và địa phương trong những dịp lễ. Ngoài ra, du khách quốc tế cũng đổ về để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của những cánh rừng ngập mặn, khu sinh thái, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh và khám phá hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, do phương thức tổ chức chưa đáp ứng kỳ vọng, một số điểm du lịch sinh thái tại ĐBSCL, như: Vườn quốc gia Tràm Chim, lâm ngư trường đang chưa khai thác tốt lợi thế và tiềm năng sẵn có, hệ thống giao thông và các dịch vụ còn hạn chế, chưa có sự kết nối với các dịch vụ du lịch khác. Hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa phát triển mạnh, còn phụ thuộc nhiều vào các công ty lữ hành. Nhân lực ngành du lịch chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu là lao động bán thời vụ, còn hạn chế hiểu biết về văn hóa, địa lý, sinh thái của vùng đất này, cũng như thông tin hữu ích cho du khách.

(ii) Du lịch sinh thái sông nước, kênh rạch

ĐBSCL với hệ thống sông nước, kênh rạch chằng chịt, là vùng văn hóa thấm đẫm nước nhiều nhất, mang bản chất văn hóa nước rõ rệt. Do vậy, hơn đâu hết, người Việt ở ĐBSCL tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng xử với nước nhất. Tận dụng lợi thế này, các địa phương ở ĐBSCL đã hợp tác chặt chẽ để tạo nên một tuyến du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm độc đáo. Du khách có thể thưởng thức các loại trái cây đặc sản, trải nghiệm đi đò trên kênh rạch, thưởng thức nhạc tài tử, tham gia vào các bữa ăn dân dã, cũng như tìm hiểu về các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ và văn hóa truyền thống của người dân vùng sông nước Nam Bộ. Đồng thời, họ cũng có cơ hội tham gia các hoạt động, như: tát mương và bắt cá, hay tham quan các cù lao bằng xe thô sơ. Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng thực tế hoạt động của loại hình du lịch sinh thái này vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, từ việc thiếu một chiến lược phát triển mạch lạc, đến hiệu quả hoạt động vẫn chưa thực sự nổi bật. Các sản phẩm du lịch sinh thái ở ĐBSCL vẫn chưa thực sự tạo được điểm nhấn trong lòng du khách cả trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương thường gặp hạn chế về năng lực quản lý, cộng đồng địa phương tham gia còn hạn chế và xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến quá trình triển khai, bao gồm cả xung đột lợi ích kinh tế sinh kế và quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, cũng như quyền kiểm soát ranh giới đất đai giữa các cơ quan chính quyền và cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, một số phong tục và lối sống truyền thống của người dân địa phương cũng đang phải đối mặt với sự thương mại hóa do các hoạt động du lịch mang lại. Chẳng hạn như, các hoạt động xúc tiến du lịch tại một số khu vực không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến các mặt trái, như: nạn rượu chè, mại dâm, tăng giá hàng hóa và dịch vụ cục bộ…, gây mất an ninh trật tự và suy thoái về mặt văn hóa, lối sống trong Vùng.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH SINH THÁI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các cơ quản lý ở cả cấp Trung ương, vùng ĐBSCL, cũng như các tỉnh, thành trong Vùng cần triển khai các giải pháp như sau:

Một là, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch sinh thái

Việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cần được quan tâm đặc biệt, trong đó tập trung cung cấp cơ hội cho họ tham gia các khóa đào tạo và tập huấn tại nước ngoài để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Đồng thời, cần bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cũng như quản lý các lĩnh vực có liên quan. Việc đầu tư trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy hiệu quả của điểm đến du lịch sinh thái tại ĐBSCL cũng cần được tăng cường.

Hai là, áp dụng mô hình đầu tư công - quản lý tư

Việc áp dụng hình thức đối tác công - tư trong đầu tư và quản lý là một phương pháp đổi mới được Chính phủ đẩy mạnh ở các địa phương. Hình thức này nhằm tác động tích cực đến cơ cấu đầu tư, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược và cải thiện mô hình tăng trưởng; đồng thời, là cách tiếp cận và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả, huy động sự tham gia quản trị của khối tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, giảm nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư. Thực tế trên thế giới, một số quốc gia đã triển khai thành công hình thức này trong đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.

Ba là, xây dựng chính sách ưu đãi và kêu gọi đầu tư

Quan trọng là xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư một cách hợp lý, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang tính khác biệt, chứ không phân tán qua từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, cần xây dựng các sản phẩm bổ trợ và cạnh tranh trong giai đoạn tiếp theo dựa trên việc khảo sát, tính toán và phân tích phân khúc thị trường cụ thể.

Bốn là, tăng cường sự tham gia của cộng đồng

Điều này đòi hỏi sự hướng dẫn và quản lý từ phía Nhà nước, cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật từ ngành du lịch. Việc phát triển nguồn nhân lực và tăng cường công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các địa phương là cần thiết, để đáp ứng xu hướng phát triển du lịch trong Vùng, cũng như đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong và ngoài nước...

Năm là, phát huy vai trò của cơ quan chuyên trách về triển khai chiến lược marketing

Trong đó, tăng cường tính xã hội hóa của ngành du lịch theo hướng thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào cùng khai thác, hưởng lợi và bảo vệ môi trường du lịch. Đồng thời, cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của du lịch, huy động nguồn lực từ các ngành khác, nhằm phục vụ sự phát triển của ngành du lịch. Ngoài ra, cần thực hiện chính sách và các chương trình hành động du lịch có trách nhiệm gắn với môi trường và xã hội, đồng thời đầu tư để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc tổ chức hoạt động du lịch và cung cấp dịch vụ du lịch.

Sáu là, đẩy mạnh liên kết du lịch

Cần đẩy mạnh trao đổi, phối hợp và hỗ trợ cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong Vùng, đặc biệt là liên kết giữa các công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, vận chuyển, nhằm đón và phục vụ khách du lịch một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần mở rộng và tăng cường liên kết nội vùng và liên kết vùng (trong nước, khu vực và quốc tế), hợp tác và liên kết giữa ngành du lịch với các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là đối với các cơ quan an ninh, để đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời góp phần duy trì trật tự, an toàn xã hội./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kotler P., Bowen J., Makens J (2006), Marketing for Hospitality and Tourism 3rd edition, Pearson Prentice Hall, Upper Saddle River, NJ.

2. Ngô Thị Huệ (2015), Nghiên cứu hoạt động quản lý điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thuý Vân (2019), Mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, Tạp chí Khoa học – Đại học Huế, 128(6D), 17-35.

4. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Thu Mai (2020), Quản lý điểm đến du lịch, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. Vũ Hương Giang (2020), Quản lý điểm đến du lịch bền vững – Một số vấn đề lý thuyết và gợi ý quản lý, Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Mở Hà Nội, 72(10), 49-58.

6. T.Lê (2023), Tăng cường liên kết Du lịch đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc, truy cập từ https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/khat-vong-vuon-len/tang-cuong-lien-ket-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-va-cac-tinh-tay-bac-647496.html#:~:text=N%C4%83m%202022%20du%20l%E1%BB%8Bch%20%C4%90BSCL,tri%E1%BB%83n%20du%20l%E1%BB%8Bch%20hi%E1%BB%87n%20nay.

7. Trần Như Đào (2017), Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

8. World Tourism Organization (2007), A Practical Guide to Tourism Destination Management , UNWTO, Madrid, DOI: https://doi.org/10.18111/9789284412433.

TS. Nguyễn Văn Vũ

Trung tâm Phân tích và Kiểm định địa chất, Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)