Người dân hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố ngày 2/4 cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nhìn chung có cải thiện ở các lĩnh vực PAPI đo lường.
Nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm
Phát biểu tại lễ công bố, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, sau 10 năm, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam. Chỉ số PAPI là công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với cấp chính quyền, bằng cách đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước. Qua thời gian, Chỉ số PAPI ngày càng khẳng định là mô hình thúc đẩy quản trị có sự tham gia mà một số quốc gia trên thế giới đã tìm hiểu và học hỏi trong quá trình xây dựng những chỉ báo quan trọng đo lường tiến bộ trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 16 về xã hội hòa bình, công bằng và bình đẳng.
Bà Caitlin Wiesen đánh giá, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam.
Theo Báo cáo PAPI năm 2018, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nhìn chung có cải thiện ở các lĩnh vực PAPI đo lường. Đặc biệt, người dân cho biết, nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm; họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản; và các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn.
Trong 8 chỉ số được đo lường, thì yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Người dân có cảm nhận, vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể.
Đồng thời, năm 2018, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/phường. Đây là những lĩnh vực cần công khai, minh bạch, và các cấp chính quyền có thể cởi mở hơn. Tuy nhiên, người dân cũng cho rằng, công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện.
Về cung ứng dịch vụ công căn bản, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân rất khác biệt với từng loại dịch vụ công PAPI đo lường. Nội dung thành phần ‘Y tế công lập’ cho thấy, ngành y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế. Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2018, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018. Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ, như: đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt, cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018.
Song, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng lo ngại
Bên cạnh những điểm sáng và thay đổi tích cực, Báo cáo PAPI 2018 đã chỉ ra đói nghèo tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm 2018. Mặc dù năm 2018, Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP khoảng 7%, song gần 25% người dân được hỏi cho rằng, đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất.
Trong số một loạt các vấn đề quan ngại người dân đã nêu, đói nghèo đứng đầu danh sách với tỷ lệ người trả lời cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng nhất ở mức cao nhất trong suốt bốn năm qua. Lo ngại về khả năng bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo và xóa đói giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của Việt Nam tiếp tục là hai lý do chính khiến người dân đề xuất Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Kết quả phân tích dữ liệu còn cho thấy, bất bình đẳng thu nhập là yếu tố tác động tới việc người dân cho rằng xóa đói, giảm nghèo nên được ưu tiên. Theo khảo sát, 90% số người được hỏi có thu nhập dưới mức 20 triệu VND/tháng, và chỉ 1,7% có mức trên 40 triệu VND/tháng. Theo Bà Cait Moran, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên là do cộng đồng người thiểu số tại Việt Nam hiện còn tương đối nghèo và gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công căn bản.
Ngoài ra, tham nhũng vẫn là một trong những mối quan ngại hàng đầu trong công chúng. Mặc dù người dân có chung quan điểm là tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. Bên cạnh đó, “lót tay” để có việc làm trong khu vực nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm./.
Đây là năm thứ 10 báo cáo PAPI được UNDP công bố tại Việt Nam. Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số PAPI 2018. Chỉ số PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản tới mọi người dân. Bên cạnh 6 chỉ số nội dung như những năm trước, năm 2018, PAPI có thêm 2 chỉ số là quản trị môi trường và quản trị điện tử. |
Bình luận