Người dân mong đợi hai quyết sách quan trọng
Phải đổi mới tư duy phòng, chống dịch
“Cử tri và nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này, trong đó, có hai quyết sách quan trọng là phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng mong mỏi của người dân, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề này. Quốc hội cũng sẽ ban hành nghị quyết nêu rõ hai vấn đề này…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khi thảo luận ở Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19… diễn ra hôm nay (ngày 21/10), theo Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng tham gia thảo luận tại Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang. Ảnh: Quốc hội |
Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII về thống nhất xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Trong đó, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, nên có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng, nhờ đó có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế.
“Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các biện pháp điều hành đều phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học, phải nghiên cứu căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán. Cần xác định rõ đây là ‘cuộc kháng chiến trường kỳ’, nên phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.
Đề nghị thực hiện gói hỗ trợ kinh tế trong 2 năm
Để có quyết sách chính xác cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực. Tại sao kinh tế giảm sâu như vậy mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, là trụ đỡ của nền kinh tế? Xuất khẩu tăng, dự kiến 10 tháng xuất khẩu tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến, chế tạo, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế… cũng tăng. Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần phải phân tích rất kỹ lưỡng để thấy được dư địa tăng trưởng. Ảnh: Quốc hội |
“Một chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể... Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô. Để thiết kế gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản…”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Qua làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, tài khóa, ông Vương Đình Huệ cho biết, một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung, bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội. |
Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023. Cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, an sinh xã hội, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như: kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số... Đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế, đồng thời bảo đảm hiệu quả, tránh bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng...
“Những vấn đề trên phải có dữ liệu thông tin đầy đủ. Thông tin sai lệch thì quyết định chính sách không thể chính xác. Phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Do đó, trong Nghị quyết của Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động của đại dịch không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, văn hóa..., không chỉ tác động tích cực, tiêu cực mà còn cả những cơ hội…”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.
Bình luận