Doanh nghiệp nước ngoài muốn vào thị trường xăng dầu Việt Nam

Trên website của Idemitsu Kosan vừa công bố chính thức ngày 18/04/2016 cho biết, Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) đã thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam (trụ sở chính đặt tại Hà Nội) với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Mỗi bên góp 50% vốn tại liên doanh này.

Theo công bố từ Tập đoàn này, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Công ty này sẽ hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dầu khí, thông qua việc xây dựng các trạm dịch vụ (SS) trên khắp Việt Nam.

Thông qua việc thành lập một công ty liên doanh phân phối sản phẩm dầu khí, Idemitsu và KPI muốn hướng đến mục tiêu trở thành một nhà cung ứng ổn định cho thị trường Việt Nam.

Trước đó, trong chuyến làm việc tại Kuwait vào ngày 11/04 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã cho biết, ngoài việc hợp tác với KPI và Idemitsu tại Lọc hoá dầu Nghi Sơn, các bên còn có nhiều tiềm năng, nâng tầm hợp tác thành đối tác chiến lược, cùng thúc đẩy hợp tác đầu tư các dự án mới, trong đó có mở rộng Nghi Sơn, xây dựng kho trung chuyển dầu thô Kuwait cho thị trường châu Á, xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất hóa chất, xúc tác phục vụ công nghiệp lọc hóa dầu…

Như vậy, nếu kế hoạch nêu trên thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

Idemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil), hoạt động trong hầu hết các khâu của ngành này, từ lọc, sản xuất đến phân phối sản phẩm.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn "chen chân" vào thị trường xăng dầu Việt Nam

Người dân được lợi gì?

Theo các chuyên gia, việc các đại gia Nhật Bản và Kuwait muốn rót vốn vào thị trường xăng dầu Việt Nam cho thấy, đây là ngành có nhiều tiềm năng và có thể khiến thị trường này cạnh tranh gay gắt hơn, đồng nghĩa có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Dẫn lời PGS, TS. Ngô Trí Long trên Báo điện tử Tuổi trẻ, trong lĩnh vực xăng dầu, Việt Nam vẫn chưa có thị trường cạnh tranh thật sự khi vẫn còn những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Đó là điều bất lợi cho một nền kinh tế thị trường và cho người tiêu dùng.

Vì vậy, sự vào cuộc của những doanh nghiệp, nhà phân phối nước ngoài sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh trong thị trường xăng dầu, gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp nội địa. Qua đó buộc các doanh nghiệp nội địa phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả… để tồn tại và cạnh tranh. “Từ đó, người tiêu dùng có quyền so sánh, lựa chọn những gì phù hợp nhất với mình” chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong (Báo Nhân dân) nhận định, tự do hóa kinh doanh là xu hướng chung và việc mở cửa để nhà phân phối ngoại tham gia thị trường xăng dầu sẽ làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bán lẻ xăng dầu. Từ đó sẽ có những biến chuyển theo hướng tích cực về chất lượng sản phẩm, công nghệ, công cụ bán hàng.

Bình luận về vấn đề này trên Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, cũng nhìn nhận, theo cam kết hội nhập, Việt Nam dần dần sẽ mở cửa thị trường trong nước, trong đó có xăng dầu. Khi các đại gia ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp trong nước và nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu phải công khai, minh bạch và công bằng hơn.

Còn đó những lo ngại...

Tuy nhiên, nhìn nhận khái quát, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, phải gia tăng thêm các hoạt động kiểm soát, giám sát để cập nhật và xử lý các vi phạm. “Mặt trái duy nhất của việc này là thay vì người Việt thu được lợi nhuận, có công ăn việc này thì nay phải chia sẻ với doanh nghiệp ngoại”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.

Tuy đánh giá tích cực việc có ông lớn nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu Việt, TS. Lê Đăng Doanh cũng lo ngại xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép lập cây xăng còn nhiều bất cập. Bởi, các địa điểm thuận tiện hiện nay đã được các doanh nghiệp nội chiếm lĩnh.

Ông Doanh nói: “Nhiều công ty phản ánh họ phải có chi phí lót tay mới xong. Đây là điều cần làm sáng tỏ. Nếu doanh nghiệp nước ngoài mà phải than phiền bỏ ra chi phí lót tay kiểu như vậy thì không hay”.

Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du, chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, đánh giá “chìa khóa” của môi trường cạnh tranh thật sự lành mạnh không nằm ở việc nhà phân phối nội hay ngoại tham gia thị trường mà nằm ở cơ chế cạnh tranh của ngành.

“Trên thực tế, thị trường xăng dầu hiện nay đã có nhiều nhà phân phối nhưng chính cơ chế điều tiết giá mặt hàng này đã tạo nên một thị trường “méo mó” như thế. Nếu cơ chế cạnh tranh sòng phẳng thì chưa cần đến nhà phân phối ngoại, các nhà đầu tư, phân phối nội địa cũng đủ làm nên một thị trường sôi động rồi”, TS. Huỳnh Thế Du nói.

Vì vậy, theo TS. Huỳnh Thế Du, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, cơ quan quản lý - điều tiết chỉ nên quy định giá, cách thức áp thuế cho tất cả doanh nghiệp, nhà phân phối trên thị trường thay vì cơ chế như hiện nay. Khi đã có môi trường cạnh tranh sòng phẳng thì doanh nghiệp nào làm ăn minh bạch, rõ ràng và hiệu quả sẽ thắng thế, bất kể là ngoại hay nội.

Ngoài ra, cần lưu ý là phải có những chiến lược phù hợp để tránh tình trạng khi doanh nghiệp ngoại xen chân vào thị trường, doanh nghiệp Việt Nam không chống đỡ nổi hoặc không tận dựng được ưu thế để tăng sức cạnh tranh và cuối cùng lại trở thành người làm thuê cho nước ngoài./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/nhieu-doanh-nghiep-ngoai-muon-vao-ban-le-xang-dau-994542.tpo

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20160421/dan-loi-gi-khi-doanh-nghiep-ngoai-phan-phoi-xang-o-vn/1087480.html

http://plo.vn/kinh-te/dai-gia-ngoai-vao-gia-xang-xuong-624524.html