Nhà ở xã hội: Thêm ưu đãi nhưng cần sáng suốt
Thêm ưu đãi cho người mua và chủ đầu tư
Trong dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đã đã dành riêng một chương quy định về việc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong đó, có 3 nhóm đối tượng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển nhà ở xã hội, đó là:
(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1, Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán;
(2) Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán;
(3) Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của chính doanh nghiệp, hợp tác xã ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán được duyệt và không quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay đối với xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán và xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà ở của mình. Đối với mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng. Thời hạn vay, trả nợ gốc và lãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê tối đa là 20 năm. Dự án nhà ở xã hội để cho thuê mua có thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Dự án nhà ở xã hội để bán có thời hạn cho vay tối đa 5 năm… Lãi suất vay sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ.
Ngoài ra, đối với cá nhân, hộ gia đình cũng sẽ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình với điều kiện: gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH trong thời gian tối thiểu 6 tháng cho đến khi có số dư tiền gửi đủ đáp ứng phần vốn tự có, cùng với số tiền vay tối đa tại Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định để bảo đảm thanh toán tiền mua nhà theo hợp đồng mua bán nhà hoặc bảo đảm chi phí của dự toán xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Mức vốn vay của cá nhân, hộ gia đình tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng mua – bán hoặc hợp đồng cho thuê mua nhà ở xã hội trong thời hạn lên tới 15 năm.
Song, cần tránh bị “lách luật”
Cách đây vài năm, báo chí từng phản ánh nhiều khu nhà ở xã hội, như: CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội), Sài Đồng (Long Biên)... Trong đó, CT1 Ngô Thì Nhậm vừa bàn giao, nhưng trong hầm để xe xuất hiện nhiều ô tô đắt tiền. Đây là khu nhà ở xã hội đầu tiên ở TP. Hà Nội. Cách đây vài năm, người nghèo xếp hàng dài nộp hồ sơ nhưng đành thất vọng ra về vì không đủ điều kiện và đủ tiền mua. Tuy nhiên, theo phản ảnh một số người dân sống ở đây thì “Có những gia đình về đây ở nhưng được giá nên tìm đủ mọi cách để bán dù chưa đủ điều kiện. Mỗi căn hộ có giá chênh từ 300 triệu đồng - 500 triệu đồng tùy từng tầng và căn đẹp. Khu nhà cho người thu nhập thấp nhưng ngày càng nhiều người đi ô tô đắt tiền”.
Trả lời báo Tiền Phong, ông Lê Đình Tri, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho biết, thực tế đã xảy ra tình trạng có người mượn danh thu nhập thấp để mua nhà hưởng ưu đãi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc xác định người có thu nhập thấp rất khó nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập. Lương thì ai cũng biết, nhưng “cái không phải là lương” hay còn gọi thu nhập ngoài lương rất khó kiểm soát.
Đối với dự thảo Nghị định về nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng soạn thảo, trong đó quy định nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25 m2, diện tích tối đa là 90 m2, đồng thời khống chế căn hộ 25m2-30m2 chỉ có 10%, cho phép căn hộ trên 70m2-90m2 cũng chiếm 10%. Với những quy định này, có thể thấy rằng, căn họ cho đối tượng thu nhập thấp lên tới 90 m2, tức là bằng 3 căn hộ thu nhập thấp khác. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tại sao trong các khu chung cư dành cho người thu nhập thấp, nhưng lại thấy bóng dáng của nhiều xe đắt tiền. Thậm chí, có những xe đắt gấp 2 đến 3 lần căn hộ như báo chí đã đưa.
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, việc dự thảo về Nghị định phát triển quản lý nhà ở xã hội quy định tăng diện tích tối đa nhà ở xã hội lên 90 m2 đã "vẽ đường cho hươu chạy" bởi đáng lý ra diện tích nhà ở xã hội phải nhỏ hơn nữa, thậm chí là 100% căn hộ có diện tích 25 m2-30 m2
“Đằng này Bộ Xây dựng khống chế căn hộ 25-30m2 chỉ có 10%, cho phép căn hộ trên 70m2-90 m2 cũng chiếm 10%. Đây là một cái sai của Bộ! Một căn hộ 90m2 có thể chia làm 3 căn nhà diện tích 30 m2 cho 3 hộ nghèo, còn giờ họ để căn hộ thu nhập thấp 90m2 cho người đi Lexus lại là một cái sai nữa", ông Lành thẳng thắn nhận định.
Đồng thời ông cũng cho rằng, việc Bộ Xây dựng nới diện tích nhà ở xã hội khiến có nhiều đối tượng có thể ở, do đó kéo theo việc chủ đầu tư tăng diện tích tầng hầm, như vậy sẽ kéo theo giá thành mỗi mét vuông xây dựng sẽ bị chủ đầu tư tính càng đắt hơn. Cuối cùng người nghèo không có tiền để mua ô tô, phải đi xe gắn máy nhưng lại phải đóng tiền mua chỗ cho người giàu để xe ô tô, tức phải bao cấp cho người giàu.
Thiết nghĩ nếu đã là nhà ở xã hội thì có cần thiết phải quá không, hay chỉ nên cùng một loại diện tích. Hay theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khi nói về kinh nghiệm quốc tế về xây nhà ở xã hội thì nếu đã nhà ở xã hội thì chỉ cho thuê với giá rẻ, chứ không có loại nhà để bán, dù là bán trả chậm đi chăng nữa. Mà chỉ nên có chính sách xã hội về nhà ở giống như chính sách xã hội về y tế, giáo dục./.
Bình luận