Nhận diện rõ các tồn tại, khó khăn để tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư công năm 2023
Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, 40/51 bộ và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).
Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỷ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 01/2023 do đã cập nhật số liệu của các tỉnh: Hà Tĩnh, Hòa Bình; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.
Trong đó, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).
Để đạt được những kết quả nêu trên, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng cho biết là do: Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt, cụ thể, giải pháp được ban hành kịp thời, hiệu quả; Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công; Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia thực hiện trong kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, việc bố trí vốn được thực hiện tập trung, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông quan trọng quốc gia và hạ tầng đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng nhằm hỗ trợ các vùng phát triển theo các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tạo ra các khu vực và cực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ rõ những hạn chế, trong đó, Thứ trưởng chia sẻ có những hạn chế đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa được khắc phục được là: vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng; nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tìm bãi đổ thải trong quá trình thi công; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.
Đã giao 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, báo cáo cho biết, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn NSTW.
Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Đến hết ngày 17/02/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616,003 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn NSTW là 305.950.525 tỷ đồng, đạt 84,1%, vốn NSĐP là 289.665,478 tỷ đồng, đạt 84,4%.
Số vốn NSNN còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 117.313,085 tỷ đồng (15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao); bao gồm: vốn NTSW là 63.697,521 tỷ đồng (33/51 bộ, cơ quan trung ương và 55/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch), vốn cân đối NSĐP là 53.615,564 tỷ đồng (19/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Nhận diện rõ các tồn tại, khó khăn để tháo gỡ
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 có những thuận lợi hơn so với các năm 2021, 2022 do hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức như: Khối lượng công việc nhiều hơn, ngoài việc điều hành kế hoạch năm của các dự án đã có trong trung hạn, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện, giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
"Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025), trong đó lượng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn (bao gồm kế hoạch năm 2023 và toàn bộ số vốn năm 2022 chưa giải ngân được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2023)", Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu…cũng có thể tác động không thuận đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
"Chúng ta cần tập trung phân tích thấu đáo, khách quan tình hình, tồn tại, khó khăn đã được chỉ ra trong năm 2022 và các năm trước, vận dụng những bài học kinh nghiệm để thống nhất đưa ra các giải pháp cùng triển khai thực hiện", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.
Thực tế, ại các Phiên họp Chính phủ tháng 7, 8 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo các vướng mắc trong quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công liên quan đến 07 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công).
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, quản lý ngành lĩnh vực rà soát tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý. Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhất là các đối tượng chịu tác động của chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Để có thể nhận diện một cách tổng thể, đầy đủ, bao quát hơn toàn bộ vướng mắc, khó khăn liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công, tổng hợp từ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo bổ sung vướng mắc liên quan đến toàn bộ giai đoạn thực hiện một dự án đầu tư công (chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, kết thúc dự án).
Thứ nhất, giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chuẩn bị dự án) gồm các công việc như khảo sát xây dựng, lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, lập, thẩm định phê duyệt quyết định đầu tư dự án và các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.
"Ở giai đoạn này, vướng mắc chủ yếu liên quan đến: việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng không chỉ đến các dự án của địa phương mà còn đến các dự án của trung ương trên địa bàn", Thứ trưởng cho biết, đây cũng chính là một trong các lý do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh, thay thế dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã báo cáo Quốc hội bằng một dự án mới.
Các dự án đã báo cáo Quốc hội vướng mắc về quy hoạch, nên không thể hoàn thiện thủ tục đầu tư, do đó không giao được kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa đối với dự án có yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo chủ động cho các địa phương.
Cụ thể như liên quan đến lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định: Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, có diện tích chuyển đổi thuộc thẩm quyền chấp thuận của Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai thuộc danh mục dự án đầu tư nhóm II, phải đánh giá tác động môi trường.
"Như vậy, việc thu hồi, chuyển đổi mục đích 1m2 đất lúa cũng phải lập ĐTM là không cần thiết, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn", Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ hai, giai đoạn thực hiện dự án: chuẩn bị mặt bằng (dự án xây dựng), lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng nhà thầu thi công hoặc cung cấp trang thiết bị, giám sát…
"Trong giai đoạn này, nhiều dự án đã vướng ngay khâu đầu tiên, đó là công tác giải phóng mặt bằng, trong đó vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư, xây dựng phương án bồi thường bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường…", Thứ trưởng Phương báo cáo.
Khi dự án được giao mặt bằng đến khâu thi công khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu, thủ tục cấp phép khai thác mỏ, bãi đỗ thải, việc cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại một số địa phương còn chậm, chưa phù hợp diễn biến giá thị trường... năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế,...
Thứ ba, giai đoạn kết thúc dự án gồm các công việc như quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành, bàn giao công trình... Thứ trưởng Phương cho hay, ở giai đoạn này vướng mắc liên quan đến việc chấp hành kỷ luật về thời gian lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán của một số chủ đầu tư, tồn tại nhiều dự án do quyết toán chậm, hồ sơ để quá lâu nên một số nhà thầu đã giải thể, không thu hồi được công nợ không tất toán được...
Hiện còn tồn tại nhiều dự án do quyết toán chậm, hồ sơ để quá lâu nên một số nhà thầu đã giải thể, không thu hồi được công nợ không tất toán được... Ảnh minh họa |
5 giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2023
Trên cơ sở phân tích các khó khăn, hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Thứ nhất, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được giao, bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có thể sử dụng nguồn Chương trình để phân bổ, giao cho dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và sau đó điều chỉnh lại tương ứng cho các dự án thuộc Chương trình.
Việc điều hòa vốn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải bảo đảm các điều kiện sau đây: (i) Dự án đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm; (ii) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thúc đẩy giải ngân tối đa vốn Chương trình cho tất cả các nhiệm vụ, dự án (bao gồm cả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình và các nhiệm vụ, dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đến hết ngày 31/01/2024 giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn từ nguồn Chương trình; (iii) Đối với các nhiệm vụ, dự án đã được bộ, cơ quan trung ương, địa phương giao kế hoạch vốn năm 2023 nhưng vẫn còn hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án, đề nghị bố trí vốn từ Chương trình để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án nêu trên.
Thứ hai, nghiên cứu, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… như thực hiện trước công tác kiểm đếm, đo đạc đất, phương án tái định cư nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi của dự án. Áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức Hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với Hợp đồng trọn gói thi công.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Thứ tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Thứ năm, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trong tháng 02 năm 2023; rà soát các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, chồng chéo, sửa đổi kịp thời để các địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện 03 CTMTQG; chủ động thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15. Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG tổ chức họp định kỳ để nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh./.
Bình luận