Nhiều cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực và dịch vụ nhà hàng
Ngày 22/12/2016, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực và dịch vụ nhà hàng”.
Cơ hội nhiều, nhưng không dễ khai thác
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Refber Việt Nam, chưa bao giờ cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực và dịch vụ nhà hàng lại lớn như hiện nay.
“Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 3.500 quán cafe và có hơn 5.000 cửa hàng kinh doanh. Trong khi ở TP. Hồ Chí Minh, con số này còn lớn hơn rất nhiều. Do vậy tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn và cơ hội để thành công trong khởi nghiệp ẩm thực và dịch vụ nhà hàng rất dễ dàng”, ông Kiên nhấn mạnh.
Cũng đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng để kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Misa cho biết, ẩm thực của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, cùng với đó là những tiềm năng trong phát triển du lịch, nên ẩm thực và dịch vụ nhà hàng trong những qua đã không ngừng phát triển. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 250 ngàn quán ăn, nhà hàng, cafe, hơn cả Thái Lan, Singapore...
“Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự phát triển của các lĩnh vực này ở nước ta”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ẩm thực và dịch vụ nhà hàng đang là lĩnh vực hấp dẫn các bạn trẻ |
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, mặc dù ngành ẩm thực và dịch vụ nhà hàng đang có nhiều cơ hội để khởi nghiệp, nhưng cũng không dễ để khai thác.
Ông Hoàng cũng cho biết, theo con số thống kê, hơn 80% nhà hàng, quán café mở ra hoạt động khó khăn hoặc thua lỗ trong 6 tháng đến 1 năm đầu tiên.
“Nhìn có vẻ dễ dàng, nhưng thị trường vô cùng khốc liệt, khó khăn, bởi tính cạnh tranh trong ngành này đang ngày càng gia tăng do đang có rất nhiều hãng kinh doanh thị trường ẩm thực thế giới vào Việt Nam.”, ông Hoàng cho biết.
Đưa ra lý do dẫn đến sự thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây có rất nhiều nhà hàng, chuỗi nhà ở mở ra. Tuy nhiên, các chủ nhà hàng đa số làm ở góc độ đơn lẻ, tự phát chứ chưa có chiến lược lâu dài, vì vậy, bên cạnh một số cá nhân đạt kết quả tốt, cũng có rất nhiều cá nhân thất bại trong lĩnh vực này.
“Thực tế cho thấy, lúc đầu các bạn trẻ có thể rất đam mê, rất quyết tâm, song quá trình khởi nghiệp có nhiều khó khăn, như: chưa có kinh nghiệm, chưa tìm hiểu kỹ thị trường cũng như tâm lý khách hàng..., nên đã có rất nhiều bạn trẻ thất bại ngay khi mới bắt đầu”, ông Hùng cho biết.
Một lý do khác được, bạn Phan Quốc Bảo, một bạn trẻ hiện đang khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng đưa ra đó là, hầu hết các bạn trẻ chưa có định hướng phát triển kinh doanh, nên về lâu dài sẽ lúng túng trong việc xác định hướng đi.
“Từ lúc bắt đầu khởi nghiệp cho đến nay, tôi đã gặp thất bại ở 3 nhà hàng vì không có định hướng rõ ràng”, Phan Quốc Bảo chia sẻ.
Chuẩn bị kỹ, rồi hãy khởi nghiệp!
Để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực ẩm thực – dịch vụ nhà hàng, các đại biểu tại buổi giao lưu cho rằng cần phải chuẩn bị hết trước kỹ lưỡng trước khi tham gia vào cuộc chơi.
Theo ông Nguyễn Hữu Kiên, có đam mê và quyết tâm trong kinh doanh đã là một trong những lợi thế. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, thì các bạn còn cần phải có kỹ năng, chiến lược, cập nhập kỹ năng liên quan đến quản lý con người, tài chính, marketing, quản trị rủi ro, truyền thông có như vậy mới có thể vận hành nhà hàng, quán cafe tốt được.
Một lời khuyên khác dành cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp được bạn Phan Quốc Bảo đưa ra, đó là dù khởi nghiệp trong lĩnh vực nào, cũng cần phải xác định rõ định hướng phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần phải thường xuyên cập nhật, trau dồi kiến thức.
“Bởi kiến thức chuyên ngành luôn thay đổi từng ngày và thay đổi theo xu hướng phát triển thực tế. Do đó, ngoài việc chuẩn bị kiến thức chuyên ngành ban đầu, các bạn khởi nghiệp cần cập nhật liên tục, học hỏi và trau dồi nhiều kiến thức thực tế để phát triển dần lên”.
Còn theo bà Nguyễn Minh Nhật, CEO Chuỗi cửa hàng bánh mì Minh Nhật, khởi nghiệp trong lĩnh vực nào cũng có cạnh tranh, đặc biệt là với những “ông lớn” trong ngành. Tuy nhiên, không nên sợ hãi và hãy coi họ là người đi trước để học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân.
“Minh Nhật khi khởi nghiệp đã tìm cách “lai tạo” giữa việc chọn món ăn quen thuộc của người Việt Nam với quy trình bán, phân phối và chất lượng dịch vụ tốt theo mô hình của nước ngoài. Việc có các “ông lớn” đi trước theo Minh Nhật lại có nhiều thuận lợi vì mình học hỏi được từ họ nhiều kinh nghiệm quản lý và vận hành”, bà Nhật chia sẻ.
Đề cao vai trò của công nghệ đối với việc phát triển hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, sử dụng công nghệ - thông tin trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng quan trọng, với nhà hàng, quán ăn lại đặc biệt cần thiết và quan trọng hơn. Việc sử dụng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hạn chế được sự thiếu hụt về mặt quản lý cả về con người và tài chính.
“Theo đó, nếu các bạn biết tận dụng thì sẽ thành công và thậm chí sự thành công đó sẽ vượt xa được những nhà hàng có từ lâu đời”, ông Hoàng cho biết./.
Bình luận