Nhiều khi không tuân thủ pháp luật lại được coi là... rất bình thường
Thảo luận tại Hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho rằng, một trong những hạn chế là kỷ cương không theo kịp dân chủ.
Kỷ cương hiện đang không theo kịp dân chủ
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) trăn trở, dân chủ phải đi đôi với kỷ cương. Nhưng, dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận, trong khi kỷ cương lại không theo kịp.
Vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, xả rác, bật loa đài ầm ĩ, gây mất trật tự nơi công cộng, bán hàng giả, làm ăn chộp giật... Cho đến vi phạm nội quy lao động, kỷ luật cơ quan, tham nhũng, lãng phí diễn ra khá phổ biến và đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật.
“Điều vô cùng nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là một việc rất bình thường. Thậm chí người chấp hành pháp luật dừng xe khi có đèn đỏ và không có cảnh sát, thì bị gọi là thằng hâm”, đại biểu Cường băn khoăn.
Dẫn việc người Việt khi ra nước ngoài thì chấp hành pháp luật về giao thông, về trật tự, về vệ sinh rất nghiêm túc, nhưng khi quay về Việt Nam họ lại vi phạm và ngược lại, nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam một thời gian thì họ cũng có những vi phạm giống người Việt Nam, đại biểu Cường cho rằng, ở đây không chỉ có lỗi của người vi phạm, mà còn có nguyên nhân rất quan trọng đó là bất cập, yếu kém trong vấn đề quản lý nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) (Trà Vinh) cũng cho rằng, trong báo cáo thường niên của Chính phủ cũng như của bộ, ngành hay của ủy ban nhân dân các cấp, thì nội dung thực thi pháp luật hình như chưa được quan tâm đến pháp luật. Cụ thể, luật pháp được triển khai đến đâu, đạt ở mức độ nào, vùng thành thị dân trí cao, vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mức độ tiếp cận pháp luật như thế nào, có bao nhiêu người hiểu biết đầy đủ pháp luật, có chấp hành nghiêm pháp luật hay không, hay cố tình làm trái pháp luật, phớt lờ pháp luật?
Đại biểu Khá chỉ rõ, pháp luật hiện nay chỉ mới thi hành ở phần ngọn, tức là chỉ giải quyết những việc đã rồi, còn nguyên nhân từ đâu không ai tìm hiểu cũng không ai chịu trách nhiệm.
Để khắc phục đại biểu Cường đề xuất, cần đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, khi ban hành pháp luật quy định cấm đi bộ dưới lòng đường thì phải có chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè, cấm xả rác thì phải có thùng rác công cộng... hình thức xử phạt phải nghiêm minh có tính răn đe cao.
“Tuy hình phạt cần nghiêm minh, nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn và mức độ vi phạm, đừng ban hành những nghị định kiểu như quy định khi người dân chỉ quên gạt chân chống xe máy thì họ có thể bị phạt đến vài triệu đồng và tước giấy phép lái xe hoặc ban hành thông tư bắt buộc xe ô tô con phải có bình chữa cháy… quy định không hợp lý sẽ khó đi vào thực tiễn và làm mất quyền uy của văn bản pháp luật”, đại biểu Cường lưu ý.
Về tổ chức thực hiện vi phạm pháp luật mà không xử lý thì pháp luật sẽ nhờn, phải cương quyết xử lý mặc dù có thể có những phản ứng tức thì của một bộ phận người quá khích chống đối, không để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng nhưng phạt cho tồn tại, hàng giả nhưng không bị tiêu hủy, xả rác bừa bãi nơi công cộng không bị xử lý, đừng để kẻ côn đồ không đội ngũ bảo hiểm đi ngược chiều ngang nhiên vượt đèn đỏ không bị xử phạt còn người hiền lành chỉ cần lấn làn đường là bị xử phạt nặng, vi phạm giao thông nhưng không truy đuổi vì lý do an toàn nhưng cũng không trùy tìm để xử phạt thì sẽ càng khuyến khích những hành vi chống đối người thi hành công vụ.
“Việc xử lý phải đảm bảo công khai, công bằng giữa người dân cũng như cán bộ công chức. Việc chấp hành pháp luật phải được tuân thủ không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà trong cả chấp hành kỳ luật lao động, kỷ cương, kỷ luật công vụ”, vị đại biểu đến từ Quảng Bình thẳng thắn.
Còn đại biểu Khá đề xuất, hàng năm phải tổng kết, đánh giá mức độ người được tiếp cận pháp luật là bao nhiêu phần trăm. Đặc biệt, có bao nhiêu người vi phạm pháp luật mà bộ, ngành mình được giao và triển khai và phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội trường
Quan điểm chợ chiều cuối khóa đã tạo sức ì, kìm hãm sự đổi mới
Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, các cơ quan nhà nước ít nhiều vẫn còn dư âm của thời kỳ quan liêu bao cấp, tư tưởng ngồi ì chờ lương vẫn còn. Không ít tư tưởng ngại thay đổi, ngại chấp nhận cái mới, tiến bộ, chúng ta vẫn chưa phù hợp với cái mới, thay thế cái cũ đã lỗi thời, lạc hậu. Quan điểm chợ chiều cuối khóa đã tạo ra sức ì và kìm hãm sự đổi mới.
Bên cạnh thái độ ứng xử trong công việc của cán bộ công chức dẫn đến sự trở ngại cho sự phát triển đó là thái độ làng nhàng ứng xử với công việc của cán bộ, công chức hiện nay. Một con người làng nhàng là con người không nhiều nổi bật, khiến người khác phải chú ý, không kém hẳn mà cũng không giỏi hẳn, tức là không thể làm chủ một cách thành thạo những kỹ năng cần có trong công việc nên không biết gọi là thày hay là thợ.
“Một xã hội làng nhàng là một xã hội mà các năng lực thiết yếu trong công cuộc phát triển chỉ ở mức trung bình. Một xã hội làng nhàng là một xã hội bàng quan, hời hợt với những vấn đề của chính nó và của thế giới xung quanh”, đại biểu Khá chỉ rõ.
Có thể khẳng định sự làng nhàng là sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục, muốn dạy cho con người mọi thứ nhưng hầu như không dạy cho họ thứ gì, đặc biệt là khả năng tư duy độc lập, khả năng đặt câu hỏi trước mọi vấn đề của cuộc sống.
“Vì vậy, đã đến lúc muốn hội nhập thành công với thế giới bên ngoài, muốn nâng cao vị thế dân tộc trong cộng đồng nhân loại, người Việt Nam dứt khoát phải thoát khỏi tình thế lằng nhằng hiện nay”, vị đại biểu này đề xuất.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) thẳng thắn rằng, dư luận râm ran có tình trạng chạy chức, chạy quyền hay đó là sự thật và vì sao mà người cứ chạy và vì sao người ta chạy được? Đây là một câu hỏi rất lớn mà trong nhiệm qua cho đến nay cử tri cả nước vẫn cứ hỏi mà chưa có lời giải đáp.
“Tôi cho nạn chạy chức, quyền này tạo ra bất công rất lớn… Ở đây, có cách nhìn nhận đánh giá về mặt đạo đức cán bộ. Tôi cho rằng chúng ta nặng về đánh giá đạo đức chung chung, mà cái đạo đức chung kia cũng có dăm, ba, bảy đường. Trong đầu người ta nghĩ gì không thể biết được đâu, những hành vi ngầm của người ta ai mà phát hiện được, kiểm soát được”, đại biểu Đương phát biểu.
“Đối với công chức, cái nhìn thấy ngay được chính là sản phẩm công vụ. Khi đánh giá rồi thì phải nhìn vào sản phẩm của họ, nhìn vào độ tuổi cũng mức độ thôi, đừng cào bằng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, lãng phí. Hoặc xong rồi, có những người công vụ tốt rồi sau đó lại bỏ rơi họ, giống như bắn hết chim rồi thì vứt cung tên đi, xong lại đưa một đám khác vào”, đại biểu Đương đề xuất.
“Tôi cho rằng, phải nhìn nhận, đánh giá lại xem có việc chạy chức, chạy quyền vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng, bởi vì họ mua, bán xong họ phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật, thị trường. Cứ nói vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhảy cảm, phức tạp thì phải làm, bởi vì nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ… Chỉ có Bộ Chính trị mới nghĩ ra cách giải đáp câu hỏi này và chính Bộ Chính trị sẽ đưa ra những quyết sách để tấn công như tấn công tội phạm”, đai biểu Đương chỉ rõ.
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan công quyền, nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này lại đùn đẩy cho cơ quan khác, kéo theo nhiều cơ quan và thậm chí muốn cấp trên tham gia để xử lý công việc được yên tâm hơn.
Điển hình như quy định cấm Salbutamol vừa qua trong chăn nuôi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế gây tác hại xấu đến sức khỏe và người sử dụng chăn nuôi.
Vấn đề trách nhiệm giám sát quản lý xăng dầu cũng việc đá bóng trách nhiệm trước việc tính thuế của doanh nghiệp xăng dầu làm lãi lớn và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như sinh hoạt của người dân.
“Nhiều chồng chéo khác trong phân công, cũng như thói quen né tránh khác của các cơ quan công quyền đã nổi lên ngày càng rõ nét”, đại biểu Ánh Tuyết thẳng thắn.
Để giải quyết vấn đề này, vị đại biểu này đề nghị Chính phủ cần có quan tâm đặc biệt kiện toàn bộ máy, phân định trách nhiệm một cách rõ ràng, nâng cao nhuệ khí trách nhiệm của cán bộ thực thi công quyền, có các giải pháp nghiêm khắc, hiệu quả, xử lý nhanh tồn tại này để lấy lại lòng tin trong dân và đưa nền kinh tế ứng phó tốt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đừng đổ hết lỗi cho Chính phủ
Trong bối cảnh thể chế hiện nay chằng chịt nhiều mối quan hệ, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ.
Cụ thể, về vấn đề bộ máy nhà nước và biên chế kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà phình ra, vị đại biểu này lý giải, theo ước tính, chi lương hết gần 400 nghìn tỷ đồng/ năm, chi đủ hết gần 1 triệu tỷ, bằng ngân sách thu một năm của đất nước, hết rồi thì lấy đâu ra chi cho đầu tư phát triển.
“Vấn đề này do chính luật tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, Quốc hội chúng ta ban hành ra sinh ra nhiều bộ máy, ví dụ Luật tổ chức chính quyền địa phương, ước tính tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở Hội đồng nhân dân các cấp. Thế thì mục tiêu giảm biên chế của ta không thể đạt được”, đại biểu Đương thẳng thắn.
“Theo tôi, phải suy nghĩ lại một cách quyết liệt mấy giải pháp, rõ ràng phải cắt giảm tổ chức bộ máy bằng luật pháp và sửa lại, nếu vừa sửa rồi tăng quá lại sửa lại”, vị đại biểu này đề xuất.
Cùng với đó, theo đại biểu Đương, cũng nên giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức hưởng hoạt động từ ngân sách nhà nước, bằng cách hợp nhất hóa họ lại, những phạm vi hoạt động tương tự giống nhau hợp nhất lại để bớt các tầng lớp cán bộ trung gian, cán bộ phong trào.
“Trực tiếp làm sản phẩm, làm mà ăn, không làm thì thôi, chứ đừng có dựa dẫm vào ăn bám nhà nước”, đại biểu này mạnh mẽ./.
Bình luận