Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 23-29/04
Mỹ tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt đối với các công ty Belarus
Ngày 27/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Chính phủ nước này sẽ kéo dài lệnh trừng phạt được áp dụng từ tháng 10/2016 đối với 9 công ty dầu mỏ và hóa dầu của Belarus.
Theo một thông báo từ Phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, 9 công ty bị trừng phạt bao gồm Belarus Trade Trade House; Belneftekhim, Belneftekhim USA, Inc; Belshina OAO; Grodno Azot OAO; Grodno Khimvolokno OAO; Lakokraska OAO; Naftan OAO; và Polotsk Steklovolokno OAO.
Thông báo cũng cho biết các công dân Mỹ tham gia vào bất cứ giao dịch nào có trị giá trên 50.000 USD với 9 thực thể trên sẽ bị yêu cầu nộp báo cáo về thực chất và phạm vi hoạt động cho Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 30 ngày.
EC hối thúc Eurozone thực hiện cam kết giảm nợ cho Hy Lạp
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã hối thúc các nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thực thi cam kết giảm nợ cho Hy Lạp - một trong những quốc gia châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng suốt từ năm 2010.
Phát biểu trước báo giới nhân chuyến thăm Hy Lạp ngày 26/4, ông Juncker cho rằng thời điểm hiện nay cần tập trung vào vấn đề giảm nợ công của Hy Lạp, đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả các nước thành viên Eurozone thực thi cam kết giảm nợ cho Athens.
Người đứng đầu EC đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Hy Lạp đang sắp kết thúc gói cứu trợ tài chính sau cùng từ các chủ nợ quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và EC vào tháng Tám tới.
Trung Quốc hợp tác với WTO bảo vệ hệ thống thương mại đa phương
Ngày 26/4, Trung Quốc khẳng định sẽ hợp tác với các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm bảo vệ hệ thông thương mại đa phương, cũng như các quyền và lợi ích riêng.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh các biện pháp áp thuế của Mỹ, căn cứ theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962 và Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974 gây ảnh hưởng cho hệ thống thương mại đa phương.
Theo ông Cao Phong, các thành viên WTO đã cùng lên tiếng phản đối các biện pháp, căn cứ theo Điều 232, liên quan đến việc áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, các thành viên của WTO trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Nga và Ấn Độ sẽ cùng Trung Quốc tham gia các cuộc đối thoại trong khuôn khổ giải quyết các tranh chấp với Mỹ liên quan đến các biện pháp trên.
Kinh tế Hàn Quốc phục hồi nhờ gia tăng đầu tư và xuất khẩu
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã phục hồi trong quý 1/2018 nhờ sự gia tăng trong đầu tư và xuất khẩu.
Cụ thể, theo số liệu sơ bộ của BoK, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc đã tăng 1,1% trong giai đoạn từ tháng 1-3/2018 so với quý trước đó, “lội ngược dòng” từ mức suy giảm 0,2% ghi nhận trong ba tháng cuối năm 2017. So với cùng kỳ năm trước, GDP của nước này đã tăng 2,8%.
Số liệu của BoK cũng cho thấy trong quý 1, đầu tư vào xây dựng và cơ sở hạ tầng đã tăng lần lượt 2,8% và 5,2% so với quý trước đó. Xuất khẩu – một trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Hàn Quốc - cũng tiến thêm 4,4% vào cùng giai đoạn trên nhờ xuất khẩu chip nhớ và các sản phẩm công nghệ thông tin khác gia tăng. Hoạt động nhập khẩu của Hàn Quốc cũng tăng 5,5% trong quý 1.
Trong khi đó, hoạt động tiêu dùng cá nhân tại nước này trong ba tháng đầu năm 2018 chỉ tăng 0,6% - mức thấp nhất trong vòng bốn quý qua. Hoạt động chi tiêu chính phủ cũng tăng 2,5% trong cùng giai đoạn nêu trên./.
Bình luận