“Nhóm lợi ích” đang là rào cản trong công cuộc cải cách quy hoạch ở Việt Nam
Toàn cảnh Hội thảo
Hệ thống quy hoạch sẽ bao gồm 5 loại quy hoạch
Theo Dự thảo mới nhất của Luật Quy hoạch công bố tại Hội thảo "Luật Quy hoạch - Hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 25/4, thì hệ thống quy hoạch của Việt Nam sẽ bao gồm 5 loại quy hoạch.
Cụ thể 5 loại quy hoạch bao gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch vùng; và quy hoạch tỉnh.
Lý giải vì sao không lập quy hoạch sản phẩm, ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên ban soạn thảo Luật Quy hoạch cho biết, do các loại quy hoạch này không còn phù hợp với nguyên lý cơ bản của nền kinh tế thị trường. Vì thế, thời gian tới chỉ lập riêng đối với một số ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên ở cấp quốc gia và tùy theo từng thời kỳ phát triển của đất sẽ xác định cụ thể từng ngành phải lập quy hoạch theo nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn ngành để hạn chế việc lập quy hoạch dàn trải, tràn lan như hiện nay.
Ông Tâm giới thiệu, Luật Quy hoạch gồm 6 chương với 66 điều. Về một vấn đề được quan tâm và tranh cãi nhiều nhất đó là khái niệm quy hoạch, cũng đã được nêu bật tại Điều 3, dự thảo Luật.
Theo đó, quy định thống nhất khái niệm về quy hoạch, quy định rõ nội hàm khái niệm quy hoạch phải có 2 yếu tố: (i) Công cụ quản lý của nhà nước; (ii) gắn với việc phân bố không gian cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; đồng thời quy định rõ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Từ đó, làm cơ sở để phân biệt và xác định nội dung của từng loại quy hoạch để tránh trùng lặp về nội dung.
Từ năm 2020, tất cả hoạt động quy hoạch sẽ phải tuân theo Luật
Dự kiến Luật Quy hoạch ra đời sẽ tác động tới 80 luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành có liên quan, vì thế, để tránh tình trạng “vỡ” hệ thống, Ban soạn thảo cũng cho biết, Luật đã quy định rõ ràng về thời gian chuyển tiếp thực hiện Luật là 3 năm.
Nếu được Quốc hội thông qua, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Để xử lý các quy hoạch đã được phê duyệt và đang thực hiện, dự thảo Luật cũng quy định rõ việc chuyển tiếp các quy hoạch.
Cụ thể, với các quy hoạch đã được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ không phải phê duyệt lại và tiếp tục được thực hiện đến hết ngày 31/12/2019 (chủ yếu là các quy hoạch được lập cho thời kỳ 2011 đến 2020, đến năm 2020 đều phải lập cho thời kỳ mới.
Kết từ ngày 01/01/2020, sẽ tiếp tục được kế thừa những nội dung quy hoạch phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch.
Đối với những quy hoạch không phù hợp sẽ hết hiệu lực kết từ ngày 01/01/2020, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đối với các quy hoạch này có trách nhiệm ban hành các quy định để quản lý, như: các tiêu chuẩn điều kiện… trước ngày 01/07/2020 để công tác quản lý nhà nước không bị gián đoạn.
Như vậy, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, có khoảng thời gian 3 năm để tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tổ chức lập quy hoạch mới, ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện… Theo đó, kể từ thời điểm 01/01/2020, tất cả hoạt động quy hoạch sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
“Nhóm lợi ích” đang là rào cản chính
PGS, TS, KTS Trần Trọng Hanh, chuyên gia tư vấn đã chỉ ra nguyên nhân khiến chất lượng quy hoạch yếu. Bên cạnh nguyên nhân do kinh phí hạn hẹp, hoặc tác động của khách quan về nguồn lực, nhưng về chủ quan thì điện kiện năng lực tư vấn yếu, năng lực thẩm định hạn chế, nội dung, phương pháp quy hoạch thiếu cơ sở khoa học, công tác thông tin, điều tra, khảo sát bị coi nhẹ.
Đặc biệt, theo ông Hanh, sự phê duyệt quy hoạch còn nặng về chủ quan, ý chí của lãnh đạo, hoặc bị các chủ đầu tư “lái”; việc tổ chức thực hiện thiếu cương quyết… dẫn đến quy hoạch không thể đưa vào cuộc sống, phải điều chỉnh nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Ngoài tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, thì trở ngại bắt nguồn từ “lợi ích” theo từng ngành, địa phương là rào cản đáng quan ngại nhất cho công cuộc cải cách quy hoạch ở Việt Nam”, ông Hanh nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng công tác quy hoạch tại tỉnh Quảng Ninh, ông Hanh cho biết, hiện nội dung quy hoạch đang chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn, xung đột nhau. Quy định cấp dưới phủ định quyết định cấp trên, quy hoạch sau phủ định quy hoạch trước.
Cụ thể, cùng một nội dung nhưng ở các quy hoạch cùng một tỉnh lại có nhiều nội dung sai lệch. Ví dụ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng phê duyệt là 14-15%/năm và đến năm 2030 theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là 6,7%/năm, còn quy hoạch xây dựng vùng là 6-7%/năm…
Nhiều giải pháp quy hoạch thiếu tính khả thi, phải điều chỉnh nhiều lần, nhưng khi khả thi lại kém hiệu quả. Ví dụ tình trạng lấn biển, làm biến dạng thiên nhiên, coi trọng lợi ích doanh nghiệp, mà không chú trọng đầu tư xây dựng các công trình công cộng… xảy ra phổ biến ở Quảng Ninh và nhiều địa phương.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ khiến lợi ích của các bộ, ngành bị ảnh hưởng. Và, để có thể vận hành theo Luật Quy hoạch, thì sẽ phải thay đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Để làm được điều này, ông Hanh diễn đạt bằng 3 từ: “khó khăn, khó khăn và khó khăn”!
Luôn thẳng thắn và tâm huyếtt, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng góp ý, Dự thảo Luật cần phải xác định rõ vai trò của Luật Quy hoạch đối với sự phát triển của đất nước như thế nào? Để từ đó, xây dựng những điều luật phù hợp.
Bởi theo ông Liêm, Dự thảo Luật vẫn coi trọng thủ tục hành chính, quy trình hành chính, chứ không quan tâm tới đầu ra của Luật. Vì thế, để xây dựng Luật có tính khả thi cao, ông Liêm đề xuất, cần xuất phát từ cơ sở của chúng ta, từ năng lực thực hiện của chúng ta đến đâu.
Dẫn chứng quy hoạch sân bay Long Thành, ông Liêm cho rằng, chúng ta cần một thành phố sân bay, nhưng thành phố đó chưa được quy hoạch. Do đó, hiện nay, chúng ta để người dân, nhà đầu tư mua đất xung quanh.
“Như vậy, cuối cùng thì sân bay Long Thành rồi thì cùng chung số phận như sân bay Tân Sơn Nhất mà thôi”, ông Liêm quan ngại.
Đồng tình với ý kiến của TS. Phạm Sỹ Liêm, TS. Trần Trọng Hanh cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, chúng ta cần chọn việc phải làm, để tập trung, không dàn trải, mới có thể ra được kết quả tốt.
Còn theo ông Lawrie Wilson, chuyên gia Úc, thì Việt Nam cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai bộ: Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Xây dựng trong tích hợp quy hoạch. Vai trò của hai bộ này rất quan trọng trong công tác quy hoạch, tuy nhiên cần phải có cơ chế phối hợp, cũng như phân công, phân nhiệm phù hợp, có hiệu quả./.
Bình luận