Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh

Sau 4, 5 tháng có hiệu lực, CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng

Thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.

Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung 8 luật liên quan đến việc thực hiện của chúng ta trong cam kết Hiệp định CPTPP; 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều luật của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý ngoại thương và Luật An toàn thực phẩm.

Cho đến nay, bước đầu trong 4, 5 tháng với việc thực hiện Hiệp định CPTPP, thì thương mại với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Thủ tướng ví dụ, đối với Canada tăng trên 70%, Mexico tăng trên 8% là những nước, mà chúng ta không có hiệp định thương mại tự do.

Với Nhật, dù đã có hiệp định trong khuôn khổ Asean nhưng thương mại trong vòng 4 tháng qua đã tăng 4%.

Điều này cho thấy Hiệp định thương mại tự do CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải tận dụng được cơ hội của Hiệp định thương mại tự do này để thúc đẩy xuất, nhập khẩu đối với các thị trường mà chúng ta vừa tham gia CPTPP”, Phó Thủ tướng lưu ý .

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số vướng mắc, thách thức trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do.

Cụ thể đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, ngay cả trong lĩnh vực dệt may là thế mạnh của chúng ta, thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Việc tận dụng được thuế giảm về 0 hoặc thấp của dệt may phải bảo đảm được xuất xứ hàng hóa của chúng ta. Đó là một thách thức với doanh nghiệp dệt của chúng ta.

Thứ hai là cũng có thể đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP.

Thứ ba là tranh chấp về đầu tư trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép các doanh nghiệp đầu tư có thể khởi kiện Chính phủ. Đây là những thách thức đảm bảo chúng ta phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật và triển khai pháp luật để không cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện Chính phủ trong những trường hợp gây ra khi thực hiện các hiệp định này.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và các văn bản pháp luật thực thi Hiệp định CPTPP, nâng cao hiệu quả tuyên truyền cam kết của Việt Nam.

Thứ ba là vấn đề thực thi các cam kết trong CPTPP, chúng ta phải thực thi ngay, thể hiện Hiệp định CPTPP có hiệu lực ngay lập tức. Như vậy gần 66 mặt hàng của Việt Nam có mức thuế giảm xuống 0%, 86,5% một số mặt hàng sẽ giảm sau 3 năm và sau 11 năm sẽ xóa bỏ 100%.

“Thách thức cũng là hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam nên đòi hỏi nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết”, Phó Thủ tướng nói.

5 giải pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí về cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, thái độ ứng xử và hành động của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề này không chỉ nhận được sự quan tâm trong nước, mà còn của cả thế giới. Bởi tác động của cạnh tranh thương mại của Mỹ, Trung Quốc đã tác động đến kinh tế thế giới và khu vực.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới đã nêu một trong bốn đám mây bao phủ cho nền kinh tế đó là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các tổ chức tài chính tiền tệ hay các tổ chức khác đánh giá nếu cuộc cạnh tranh thương mại này tiếp tục kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu.

Dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm tới đang từ 3,5% xuống còn 3,2%, tiếp tục kéo dài cung cầu về thương mại sẽ ảnh hưởng.

“Đối với chúng ta, một nền kinh tế độ mở rất lớn gần 200% tổng giá trị xuất nhập khẩu với tổng GDP cả nước, bất cứ một tác động, ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế của chúng ta”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này, đã thành lập ban chỉ đạo, nghiên cứu đánh giá tình hình, kiến nghị chính sách để thể hiện rõ chúng ta rất quan tâm đến sự cạnh tranh này vì sự ảnh hưởng của nó.

Về ngắn hạn có thể tăng lên nhưng về dài hạn có thể tác động. Có những đánh giá của chúng ta cho thấy là hiện nay có thể giảm 0,2 - 0,3% điểm. Trong 5 năm tới có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỷ đồng. Đó là phân tích đánh giá.

“Biện pháp của chúng ta là trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển”, Phó Thủ tướng cho biết.

Hai là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá bởi tác động của cạnh tranh thương mại sẽ tác động đến tỷ giá.

Ba là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chúng ta trong xuất, nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư để đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Bốn là rất quan trọng đó là tình hiện nay đã đang mở ra xu hướng chuyển dịch các đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trong 5 tháng đầu năm nay thì xu hướng đầu tư này có tăng lên.

“Chúng ta cần có sự lựa chọn, chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển chất lượng cũng như đảm bảo thân thiện môi trường và công nghệ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm là, phải hết sức cảnh giác với việc có thể các hàng hóa thông qua Việt Nam, xuất khẩu qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu vào những thị trường đánh thuế cao để tránh thuế.

Biện pháp phải phòng vệ, tránh, ngăn ngừa gian lận thương mại là cần thiết.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền

Đại biểu Nguyễn Anh Trí có hỏi về ứng xử của chúng ta về biển Đông. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng khẳng định, lập trường của chúng ta đó là tại biển Đông, chúng ta có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, chúng ta có đầy đủ quyền lợi về kinh tế trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta là 200 hải lý. Chúng ta được hoạt động kinh tế trong các vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Quan điểm của chúng ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển và chủ quyền của chúng ta trên các hòn đảo chúng ta đang quản lý. Chúng ta cũng chủ trương ở biển Đông có tranh chấp về chủ quyền của một số nước và các bên liên quan. Việc tranh chấp chủ quyền phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực.

“Đặc biệt là không được làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, trên cơ sở không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và giải quyết bằng các biện pháp hòa bình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, các hoạt động kinh tế của chúng ta trên các vùng biển, đặc quyền kinh tế của chúng ta vẫn được thực hiện và các lực lượng chức năng bảo vệ cho các hoạt động kinh tế của chúng ta trên vùng biển, cũng như ngư dân hoạt động đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta, các hoạt động kinh tế của chúng ta tiếp tục được triển khai.

Chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm đối với chủ quyền biển đảo, thông qua các biện pháp ngoại giao và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền. Đó là quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề biển Đông”, Phó Thủ tướng nêu rõ./.