Những nhân tố chính kéo giá dầu giảm sâu
Vào tháng 2/2014, giá dầu được giao dịch ở mức khoảng 110 USD/thùng. Tính đến ngày 15/2/2016, điểm chuẩn dầu Brent khai thác từ Biển Bắc đang lơ lửng ở mức 30 USD cho mỗi thùng. Thời đại của giá dầu cao đang dần kết thúc.
Hơn nữa, nhìn nhận theo góc độ lịch sử, thì tình trạng xảy ra trong những năm gần đây không phải là điển hình, bởi trong những năm 1980-1990, giá dầu đã ở mức 20 USD/thùng. Trong năm 1999, đã có những thời điểm giá dầu còn chưa đến 10 USD/thùng. Cho nên liệu tình trạng thị trường dầu mỏ hiện tại có thể được coi như tín hiệu của một xu hướng tương tự?
Có thể vạch ra những yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất đối với sự thay đổi của thị trường dầu mỏ toàn cầu như sau:
Tăng sản lượng dầu tại Mỹ
Trong giai đoạn 2012-2015, Mỹ tăng sản lượng dầu hàng ngày lên 10-14 triệu thùng, đứng đầu các nhà sản xuất lớn nhất thế giới bao gồm Nga và Ả Rập Saudi.
Kết quả là, thị trường toàn cầu đã chứng kiến sự dư thừa nguồn cung lên đến 4 triệu thùng/ngày. Con số này tương đương với sản lượng hàng ngày của ba trong số các nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi là Nigeria, Angola và Libya.
Xét trên quy mô rộng hơn, sự bùng nổ cung dầu của Mỹ nhờ vào công nghệ khai thác dầu mới bằng cách bẻ gãy thủy lực. Mặc dù công nghệ này rất tốn kém, nhưng công nghệ bẻ gãy thủy lực vẫn có lợi nhuận, nhờ giá dầu thế giới tăng cao.
Cuối năm 2015, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 40 năm đối với xuất khẩu nguồn dầu mỏ được sản xuất trong nước. Mỹ sẽ chỉ bán dầu ra nước ngoài một lượng nhỏ vì tiêu thụ trong nước còn rất cao, nhưng sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài dự kiến sẽ giảm.
Sản lượng dầu của Iraq tăng
Trong năm 2015, Iraq được xếp thứ 2 trong số các nhà sản xuất dầu tăng mạnh nhất trên thế giới. Mặc dù cuộc chiến đang diễn ra với các chiến binh Daesh, nhưng Iraq vẫn tăng sản lượng trong nước từ 3,3 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2014 lên 4,3 triệu thùng vào năm 2015. Thậm chí, hiện nay, Iraq còn sản xuất dầu nhiều hơn lượng khai thác từ năm 2003, trước khi cuộc xâm chiếm của Mỹ xảy ra. Mỏ dầu chính của nước này tập trung ở các khu vực của người Kurd ở miền Bắc Iraq.
Lệnh trừng phạt Iran được gỡ bỏ
Sau khi thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết, hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran đã được gỡ bỏ. Kết quả là, Tehran đã trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và có khả năng tăng sản lượng.
Theo OPEC, Iran sản xuất gần 3 triệu thùng/ngày. IEA dự đoán con số này sẽ tăng thêm 300.000 thùng/ngày vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa, các thị trường toàn cầu sẽ còn dư lượng cung hơn nữa, gây ảnh hưởng đến giá dầu mỏ.
Sản xuất dầu dưới nước ở Brazil
Trong giai đoạn 2013-2015, Brazil cũng tăng đáng kể sản lượng dầu mỏ của nước này, từ 2,6 lên 3 triệu thùng/ngày. Theo OPEC, vào năm 2015 Brazil triển khai 72 giếng dầu mới so với 87 giếng dầu trong năm 2014.
Brazil đã trở thành nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực khoan siêu sâu và khoan dầu ngoài khơi.
Tuy nhiên, tương lai của sự bùng nổ dầu Brazil có vẻ khó xảu ra, bởi khoan siêu sâu ngoài khơi sẽ khiến đầu tư lỗ vốn vì giá dầu thấp. Hơn nữa, Tập đoàn Năng lượng Petrobras của Brazil đã dính dáng vào một loạt các vụ bê bối tham nhũng và phải từ bỏ nhiều dự án đầu tư của nó.
Ả Rập Saudi sẽ không giảm sản lượng
Trong những thập kỷ gần đây, Ả Rập Saudi đã đóng vai trò quan trọng trong việc định giá dầu thế giới. Đất nước này có trữ lượng dầu rất lớn (thậm chí nhiều chỗ còn chưa được khám phá) cùng với số lượng giếng dầu phong phú. Như vậy, trong một thời gian ngắn, Ả Rập Saudi có thể tăng sản lượng và đẩy giá dầu ở mức thấp hơn nữa.
Mặt khác, Ả Rập Saudi, nhà cung cấp dầu lớn thứ ba thế giới, có khả năng giảm sản lượng đến một mức mà sẽ khiến giá cả tăng trở lại.
Tuy nhiên, mặc dù thâm hụt kỷ lục gần 100 tỷ USD vào năm 2015 do giảm doanh thu dầu mỏ, Thủ đô Riyadh vẫn sẵn sàng giữ sản lượng không thay đổi, và sẵn sàng để giá dầu toàn cầu thấp hơn.
Có lẽ Ả Rập Saudi sẵn sàng giữ giá ở mức thua lỗ tương tự như kỹ thuật sản xuất dầu ở những khu vực có công nghệ bẻ gãy thủy lực hoặc khoan siêu sâu.
Những lo ngại xoay quanh kinh tế Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc chính thức dự kiến tăng trưởng 6% trong năm 2016, thoạt nhìn có vẻ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng Bắc Kinh đã thao túng và giấu đi con số thực tế. Sự đi xuống tại các thị trường Trung Quốc trong đầu năm 2016 được xem như tín hiệu cho thấy sự thần kỳ trong nền kinh tế Trung Quốc gần như không còn nữa.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa toàn cầu. Trong thập kỷ vừa qua, lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã tăng từ 7 lên 11 triệu thùng/ngày. Kết quả là, bất kỳ tín hiệu nào của suy thoái kinh tế ở Trung Quốc ngay lập tức gây sốc cho thị trường dầu mỏ.
Sự ấm lên ở Bắc bán cầu
Theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), 2015 đã trở thành năm nóng nhất kể từ thế kỷ thứ 19. Do hiện tượng El Nino, năm 2016 dự kiến cũng sẽ tiếp tục ấm lên. Mùa đông 2015/2016 ở Bắc bán cầu ấm lên khiến nhu cầu về nhiên liệu sưởi ấm ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã giảm đáng kể, khiến giá dầu xuống dốc.
OPEC không còn hoàn toàn kiểm soát thị trường
13 nước OPEC sản xuất tổng cộng 32,3 triệu thùng dầu mỗi ngày và kiểm soát gần 30% sản lượng dầu toàn cầu (97 triệu thùng/ngày).
Trong thực tế, OPEC có thể dễ dàng làm giảm sản lượng để làm cho giá dầu thế giới tăng cao, đúng với mục đích duy trì sự ổn định giá dầu của tổ chức này.
Tuy nhiên, đến nay OPEC vẫn chưa làm điều đó. Một số thành viên của OPEC đã giữ sản lượng không thay đổi, thậm chí một số quốc gia trong OPEC còn gia tăng sản xuất. Rõ ràng rằng OPEC không thể kiểm soát giá cả trên thị trường./.
Dịch từ nguồn: http://sputniknews.com/business/20160215/1034795806/falling-oil-prices-reasons.html
Bình luận