"Nóng" chất vấn giải quyết việc làm cho người lao động bỏ phố về quê
Chính sách nào hỗ trợ người lao động về quê?
Sáng nay (ngày 11/11), tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục đặt nhiều câu hỏi “nóng” liên quan sát sườn đến đời sống của người lao động tới Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, theo Văn phòng Quốc hội.
“Thời gian qua đã có rất nhiều người dân trở về quê tránh dịch, riêng An Giang hiện con số này đã trên 70.000 người. Việc này đã làm phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội, nhiều người bị mất việc làm, thu nhập, cuộc sống bấp bênh, nhất là người nghèo, người già và trẻ em. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết những chính sách hỗ trợ cho người lao động trở về quê, để họ không bị bỏ lại phía sau? Để nghị Bộ trưởng cho biết kết quả triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và các chính sách hỗ trợ cho lao động tự do…”, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang), chất vấn.
ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang), chất vấn, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết những chính sách hỗ trợ cho người lao động trở về quê, để họ không bị bỏ lại phía sau. Ảnh: QH |
Cùng mối quan tâm trên, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau), đặt vấn đề làm thế nào để người dân có việc làm và thu nhập ngay tại quê hương. Qua việc người lao động di chuyển ồ ạt từ các thành phố lớn về các tỉnh cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc tạo việc làm giữa các địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết chiến lược để tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại quê hương mình?
Trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động về quê thời gian vừa qua tương đối lớn, khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê.
“Vừa qua, tôi đã trực tiếp chủ trì nghe và làm việc với các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó có khoảng 30% người dân trên cơ sở các địa phương cho đăng ký có nhu cầu quay trở lại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; 30% muốn chuyển sang địa bàn khác; phần còn lại muốn ở lại quê, nhưng trong số này chỉ có khoảng 40% muốn có công ăn việc làm tại quê…”, ông Dung cho hay.
Sau khi trao đổi với các địa phương, Bộ trưởng cho biết, có 4 vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết.
Thứ nhất, các địa phương cùng với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vùng kinh tế trọng điểm cần có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở về quê.
Thứ hai, các địa phương cần chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Cụ thể, như Thanh Hóa vừa rồi đã giới thiệu một loạt người lao động về quê đi làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Riêng Bắc Giang đến nay đã tăng hơn 50.000 người lao động so với thời điểm trước dịch.
Thứ ba, nhiều địa phương đã tạo được việc làm tại chỗ, ví dụ như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số ngành, lĩnh vực khác cho làm việc tại địa phương mình.
Thứ tư, khuyến khích lao động quay trở lại; tập trung triển khai các chính sách như: giảm nghèo, cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ cho người lao động ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.
Cần quan tâm hơn đến lao động nhập cư
“Qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp mới nhận thấy vai trò đích thực và tính cấp thiết của lao động nhập cư. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là vấn đề cần quan tâm nhất trong xác định chính sách hỗ trợ để những lao động này không bị coi là công dân hạng 2…”, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) chất vấn.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để giải quyết tốt về chính sách hỗ trợ người lao động nhập cư, phải đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, môi trường sống... Ảnh: QH |
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta không bao giờ coi người nhập cư, người lao động các tỉnh về thành phố, đô thị là công dân hạng 2. Họ đều là công dân Việt Nam. Thực tế hiện nay, công dân và người lao động dịch chuyển từ các tỉnh, địa phương về thành thị gặp rất nhiều khó khăn...
Để giải quyết tốt về chính sách hỗ trợ cho những đối tượng trên, theo ông Dung cần đánh giá đúng vai trò của lực lượng lao động địa phương về thành thị và đô thị. Phải đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường tối thiểu của người lao động như: nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo để đảm bảo cuộc sống bình thường của một người dân; trong dịch bệnh vừa qua thì thêm một vấn đề nữa là vaccine. Cũng cần quan tâm về chế độ làm việc cho người lao động, tiền lương, thu nhập và các khoản khác.../.
Bình luận