Nữ giới chiếm tỷ lệ cao trong lao động di cư
Đây là thông tin được TS. Hồ Công Hòa, Phó Trưởng Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại Hội thảo “Nghiên cứu các vấn đề giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế Việt Nam”, diễn ra ngày 23/4, tại Hà Nội.
TS. Hồ Công Hòa cho biết, nữ giới chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động di cư nội địa toàn quốc và ngày càng gia tăng về số lượng.
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), được tổ chức nhằm xem xét các khía cạnh về giới trong di cư trong nước với vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam, đề xuất giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững và bao trùm.
Chỗ ở là vấn đề khó khăn nhất của lao động di cư
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng CIEM cho biết, di cư là hiện tượng xảy ra ở mọi quốc gia và là xu thế tất yếu của phân công lao động xã hội trong quá trình phát triển. Di cư thường xảy ra khi có sự khác biệt về cơ hội, các yếu tố xã hội, mạng lưới xã hội kết nối giữa nơi đi và nơi đến, cùng với đó, di cư cũng chính là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là di cư trong nước. Di cư là động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp làm giảm sự khác biệt vốn có giữa các vùng thông qua đáp ứng nhu cầu lao động cho phát triển và qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, di cư cũng sẽ làm tăng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng nơi đến và nảy sinh các vấn đề xã hội cả nơi đến và nơi đi, đặc biệt là đối với nữ giới.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, di cư là xu thế tất yếu của phân công lao động xã hội trong quá trình phát triển.
TS. Hồ Công Hòa cũng cho biết, di cư nội địa là nhu cầu tất yếu của phát triển, giúp các địa phương có thêm nguồn lực để cấu trúc lại nền kinh tế, đồng thời cũng tạo nên áp lực về cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội tới các địa phương. Di cư là yếu tố quan trọng, là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Chính phủ. Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế diễn ra nhanh chóng dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng của di cư nội địa.
Báo cáo “Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam” TS. Hồ Công Hòa chia sẻ, đối với những địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, nhu cầu lao động rất lớn tạo ra lực hút nguồn di cư lao động từ các địa phương khác tới sinh sống và làm việc, đặc biệt là dòng di cư nữ, do ngành này sử dụng nhiều nữ hơn nam, nên cơ hội kiếm việc làm của nữ nhiều hơn. Nữ di cư tiết kiệm được chi tiêu tốt, vì thế hiệu quả và mục đích di cư của họ tốt hơn nam dẫn đến xu hướng chuyển dịch lao động tỷ trọng nữ giới chiếm ưu thế. Điều này dẫn đến tỷ suất di cư thuần dương.
Ngược lại, những địa phương có quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, đặc biệt là cơ cấu nông nghiệp còn lớn, xu hướng lao động xuất cư nhiều hơn lao động nhập cư đến, dẫn đến tỷ suất di cư thuần âm.
Mặc dù dân số nước ta tăng liên tục, nhưng lao động di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Xu hướng và phân bố người di cư ở độ tuổi lao động (trên 15 tuổi) không đều theo vùng miền, theo giới tính và độ tuổi. Nữ hóa lao động di cư vẫn tiếp tục duy trì, nhưng có xu hướng giảm và tỷ trọng tham gia lực lượng lao động của nữ di cư lại thấp hơn nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định chung rằng, nhóm tuổi lao động di cư tập trung nhiều ở nhóm tuổi 15-54 tuổi, chiếm 95,2% tổng số người di cư trên 15 tuổi, trong đó nhóm tuổi 15-24 tuổi chiếm trung bình khoảng 46,8%, nhóm 25-54 tuổi chiếm 48,4%. Theo đó, luồng di cư lao động tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị và các vùng kinh tế phát triển hơn, trong khi khu vực nông thôn và các vùng kinh tế khó khăn hơn có tỷ trọng người di cư thấp hơn nhiều.
Bên cạnh đó, lao động di cư cũng gặp không ít khó khăn. Theo nghiên cứu, có tới 41,1% lao động nữ và 44,7% lao động nam khi di cư cho rằng, chỗ ở là vấn đề khó khăn nhất. Vấn đề nhà ở cho người di cư không chỉ đơn thuần là chỗ ăn, ngủ, mà đó còn là vấn đề tiếp cận các dịch vụ công, vấn đề an ninh, an toàn và đảm bảo vệ sinh, vui chơi giải trí, phục hồi sức lao động, vấn đề trường lớp cho con cái của người di cư, đặc biệt là nữ di cư. Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động di cư nội địa toàn quốc và ngày càng gia tăng về số lượng, nhưng do các tính đặc thù lao động nữ di cư từ nông thôn ra đô thị hiện là nhóm chịu nhiều rủi ro vì thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù về an sinh xã hội.
Trong khi đó, tại các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp nhà ở đáp ứng các điều kiện nêu trên cho người lao động do phải huy động nguồn lực đầu tư cho nhà máy, xí nghiệp. Việc huy động nguồn vốn lớn rất khó, cùng với việc thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khiến các doanh nghiệp hoặc để công nhân thuê nhà trọ ở ngoài, hoặc chỉ xây dựng một phần nhà ở cho công nhân và tổ chức các dịch vụ đưa đón công nhân hàng ngày. Ngoài ra, các cơ chế và chính sách nhà ở công nhân hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện và đang là rào cản cản trở việc doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ xây nhà ở cho công nhân.
Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người di cư để đảm bảo tính bền vững của phát triển
Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, để đảm bảo phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần lồng ghép yếu tố giới nói chung, giới trong lao động trong di cư nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đối với các địa phương tiếp nhận nhiều lao động di cư, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động, đồng thời, đẩy mạnh các phương án quy hoạch cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho người lao động di cư.
Cần lồng ghép các yếu tố giới trong di cư vào quá trình lập chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã.
Đặc biệt, cần có các kế hoạch phân bổ nguồn thu có được nhờ phân bổ lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người di cư để đảm bảo tính bền vững của phát triển. Cùng với đó, cần lồng ghép các yếu tố giới trong di cư vào quá trình đảm bảo tính bền vững của phát triển. Lồng ghép các yếu tố giới trong di cư vào quá trình lập chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm của các địa phương.
Đối với các địa phương có nhiều người xuất cư, nghiên cứu khuyến nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, trước mắt cần chú trọng tạo lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mềm, bao gồm các cơ chế, chính sách và kế hoạch thực hiện hướng tới bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người già, người cô đơn và xây dựng tốt hành trang cho người di cư để không ai bị bỏ lại phía sau.
Còn về lâu dài, TS. Hồ Công Hòa cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, năng suất lao động cao để cải thiện điều kiện kinh tế của địa phương, theo đó, cải thiện tỷ lệ xuất siêu lao động của địa phương. Vì vậy, đi đôi với phát triển hạ tầng mềm, địa phương cũng cần có các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng cứng, phục vụ việc thu hút nhà đầu tư, giúp giảm thiểu tình trạng di cư tìm kiếm việc làm./
Bình luận