Phải cải cách mạnh mẽ để chuyển đổi thực chất sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn
TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” do CIEM phối hợp với Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức, ngày 28/3/2022.
|
Đổi mới tư duy về KTTT đưa Việt Nam chuyển sang "nấc thang” mới trong quá trình chuyển đổi
TS. Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng CIEM cho biết, đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đã được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
“Các yếu tố nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường đã hình thành và ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt hệ thống pháp luật kinh tế đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện; quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo; các loại thị trường, đặc biệt các thị trường nhân tố sản xuất đã hình thành và phát triển”, bà Minh nhấn mạnh.
Mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế là chất xúc tác quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường thời gian qua.
Người đứng đầu CIEM cho hay, hơn 35 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh và làm giàu chính đáng. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008; từ nước nhập siêu đã trở thành nước xuất siêu...
Làm rõ hơn các nhận định của bà Minh, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, qua hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những đổi mới nền tảng từ đổi mới tư duy, cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN qua từng kỳ Đại hội của Đảng đến những điều chỉnh về vai trò, chức năng của Nhà nước và bộ máy quản lý nhà nước (trong mối quan hệ với thị trường, xã hội); đổi mới hệ thống pháp luật kinh tế theo hướng thị trường; đảm bảo các quyền của người dân và các chủ thể thị trường; hình thành và phát triển các thị trường nền tảng và mở rộng quan hệ ngoại giao và hội nhập quốc tế.
Những điều chỉnh nền tảng trên đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được định hình ngày càng rõ hơn, ngay trong các chủ trương, định hướng của Đảng.
|
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhấn mạnh rằng, báo cáo “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” đề cập tới một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng ở Việt Nam hiện nay. Đó là định hình về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, trong bối cảnh của Việt Nam, định hướng xã hội chủ nghĩa và với những biến động lớn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những thay đổi của nền kinh tế thế giới, tác động của đại dịch Covid-19, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp 4.0, sự phát triển của nền kinh tế số.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của mình, phù hơp với mục tiêu về định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng phù hợp với những thay đổi và xu thế mới có ảnh hưởng tới quan niệm về vai trò của Nhà nước đối với thị trường, và vai trò của các tác nhân khác nhau trong thị trường”, ông Bình khẳng định.
Ông Bình chỉ rõ, về việc đổi mới tư duy về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng để đưa Việt Nam chuyển sang một “nấc thang” mới trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
“Đây là một nhận định quan trọng. Việc đổi mới tư duy trước hết cần đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan đóng vai trò kiến tạo thị trường, những cũng cần đến từ chính các doanh nghiệp vốn là chủ thể quan trọng của nền kinh tế thị trường”, ông Bình chỉ rõ.
Đồng tình với các phát hiện trong báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho rằng, cải cách kinh tế gắn liền với tháo gỡ rào cản, trao quyền, thúc đẩy tư nhân phát triển. Ví dụ như: Khoán 10 trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp; Luật Doanh nghiệp 1999 và quyền tự do kinh doanh giúp bùng nổ khu vực doanh nghiệp tư nhân; Luật Đầu tư 2005 và văn bản hướng dẫn đã phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc cấp phép các dự án đầu tư, đã tạo ra một làn sóng đầu tư ở các địa phương. Gần đây, các chương trình cải cách về điều kiện kinh doanh năm 2016 và năm 2018 giúp nâng cấp môi trường kinh doanh, thể hiện qua bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trên thế giới.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, vẫn còn những rào cản trong phát triển doanh nghiệp tư nhân, dù đã nhìn nhận lại vai trò của khu vực doanh nghiệp này. Ảnh: Thanh Tùng |
Vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam
Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu CIEM cũng chỉ rõ, vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới đến giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề sở hữu và quyền tài sản, phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai, cải cách DNNN và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.
Chứng minh cho nhận định trên, TS. Nguyễn Thị Luyến chỉ rõ, sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu, cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ.
Các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt thị trường đất đai. Các chủ thể thị trường, đặc biệt kinh tế tư nhân, phát triển nhưng thiên về số lượng, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm và có xu hướng phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực FDI. Các vấn đề xã hội, môi trường phát sinh ngày càng nhiều.
|
Bà Luyến cũng chỉ rõ, thách thức phía trước trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá lớn, đặc biệt trong xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới; trong giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; trong vấn đề sở hữu và quyền tài sản; trong phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai; trong cải cách DNNN và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và trong các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chúng ta vẫn chưa làm rõ được sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường ở mức độ nào?.
"Tôi thấy nhiều bộ, ngành đưa ra các thông tư với mục tiêu quản lý. Đây là sự sai lầm, vì quản lý là phương tiện chứ không phải mục tiêu. Mà phương tiện quản lý rất đắt đỏ, tạo ra chi phí", ông Tuấn chia sẻ những điều tai nghe, mắt thấy trong công việc của ông tại VCCI.
Cụ thể, chi phí trực tiếp là việc thực thi và tuân thủ quy định; Chi phí gián tiếp là cơ hội kinh doanh và kém cạnh tranh của hàng hóa.
“Vai Nhà nước hiện nay chưa rõ ràng”, ông Tuấn cho biết. Dẫn chứng trong lĩnh vực đất đai, ông Tuấn cho rằng, Nhà nước chưa rõ đóng vai là đại diện chủ sở hữu hay cơ quan quản lý hay người sử dụng đất…
Bên cạnh đó, đang có hiện tượng lợi ích không đồng nhất, mỗi bộ, ngành nhìn ở góc độ khác nhau, dẫn tới tình trạng lợi ích ngành và sự chồng chéo trong quản lý, giữa các văn bản pháp luật.
"Vẫn còn những rào cản trong phát triển doanh nghiệp tư nhân, dù đã nhìn nhận lại vai trò của khu vực doanh nghiệp này. Hiện nay, vai trò của doanh nghiệp tư nhân đã rất thành công, nhưng vẫn còn sự đối xử bất bình đẳng với DNNN trước đây hay FDI. Vẫn còn bộc lộ đâu đấy việc “hướng lái chính sách”, tư nhân tham gia dịch vụ công còn hạn chế", ông Tuấn chỉ rõ.
Còn TS. Lê Duy Bình thì thẳng thắn chỉ ra rằng, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian vừa qua chưa chú trọng tới các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường, vai trò của thị trường trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực.
Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường nhất định cũng phải đến từ chính các doanh nghiệp
Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân, đã vận hành theo kinh tế thị trường, nhưng không hẳn tất cả các doanh nghiệp đều đã vận hành và tuân thủ một cách đầy đủ theo các kỷ luật và nguyên tắc của cơ chế thị trường.
Đứng trước bất kỳ các khó khăn nào, dù là Covid-19 hay sự tăng giá của hàng hóa nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp thường yêu cầu Nhà nước phải can thiệp vào thị trường thông qua các biện pháp hỗ trợ, bù giá, trợ cấp, bù lãi suất, hoặc kêu cứu đòi hỏi sự hỗ trợ từ Nhà nước.
TS. Lê Duy Bình chỉ rõ, những biện pháp này còn tồn tại rất nhiều, thậm chí dường như có xu hướng gia tăng trong thời gian vừa qua. Tư tưởng trông chờ vào Nhà nước là rất lớn, khác rất nhiều những doanh nghiệp ở nền kinh tế phát triển. Nhà nước vì đó cũng chịu nhiều sức ép hơn trong việc can thiêp vào thị trường bằng nhiều cách thức khác nhau.
“Sự can thiệp đó nếu hợp lý và với liều lượng vừa phải sẽ đóng vai trò phát triển hay kiến tạo, nhưng nếu không được thiết kết tốt hoặc thực hiện không hiệu quả thì từ nó lại tạo nên một thất bại của biện pháp can thiệp hay làm trầm trọng thêm hoặc làm hạn chế hiệu quả của cơ chế thị trường, thậm chí làm phương hại tới các nguyên tắc lành mạnh của thị trường”, ông chỉ rõ.
Vì thế, theo ông Bình, các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách một mặt phải hoàn thiện thể chế chính sách thị trường bằng cách xử lý các vấn đề mang tính truyền thống như trên, song cũng phải nhanh chóng nắm bắt những nội dung mới, xu thế mới và những vấn đề mới của nền kinh tế thị trường. Các nền kinh tế thị trường hiện đại nay đang phải nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới, thử nghiệm các cơ chế đối với các vấn đề mới của thị trường.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhấn mạnh rằng, báo cáo “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” đề cập tới một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng ở Việt Nam hiện nay. Đó là định hình về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, trong bối cảnh của Việt Nam, định hướng xã hội chủ nghĩa và với những biến động lớn trong thời gian vừa qua. Ảnh: Thanh Tùng |
Công tác xây dựng, thực thi chính sách, quy định pháp luật cần luôn dựa trên các nền tảng của thị trường, sử dụng các công cụ và cách thức vận hành của thị trường làm biện pháp điều chỉnh các hành vi của các tác nhân trong thị trường, hoặc hỗ trơ, hoặc kiến tạo cơ hội phục hồi, phát triển của các tác nhân khác nhau trong thị trường hơn là lạm dụng các biện pháp như “thiết lập quỹ bình ổn giá”, “cấp bù lãi suất”, “hỗ trợ giá”, “bù giá”, “ưu đãi”…
Theo ông Bình, đổi mới tư duy về kinh tế thị trường nhất định cũng phải đến từ chính các doanh nghiệp, không chỉ là từ các DNNN mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân, và từ các hiệp hội doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp cần đối diện với sự khắc nghiệt của thị trường, những kỷ luật và nguyên tắc chặt chẽ của thị trường, những cú sốc mà thị trường có thể mang lại dưới nhiều hình thức khác nhau, vào bất kỳ thời điểm nào.
“Chấp nhận các nguyên tắc của thị trường, các luật chơi của thị trường, doanh nghiệp cần có tâm thế chủ động và thực hiện biện pháp nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, chiến lược quản lý rủi ro, vận hành theo các cơ chế thị trường”, ông Bình nhấn mạnh.
Việc phát triển những thị trường đó là hết sức cần thiết thông qua việc củng cố các thể chế pháp lý, quy định pháp luật hỗ trợ cho các giao dịch của các sản phẩm, dịch vụ đó. “Chúng ta có thể thấy các tài sản trí tuệ, sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo sẽ có thể tạo ra một thị trường rất lớn. Các giao dịch trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (carbon trading) cũng cần được hỗ trợ bởi các thể chế thị trường để mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Các tài sản trên thế giới ảo, trực tuyến cũng cần được giao dịch và các giao dịch đó nếu được công nhận cũng có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế thực như thu nhập cho người lao động, cho doanh nghiệp, nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Bình nói.
Vì thế, ông Bình cho rằng, công nhận và tạo dựng các thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ cho các giao dịch đối với thị trường của các sản phẩm, dịch vụ đó sẽ mang lại lợi ích thực tế cho nền kinh tế thực, đồng thời nó sẽ tạo ra các không gian, cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế mà không đỏi hỏi phải mở rộng thêm về nguồn lực đất đai.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh câu hỏi lớn là Việt Nam liệu có mô hình phát triển kinh tế thị trường không, nếu có, thì còn phù hợp với hiện nay không?
Theo TS. Thành, nên lý giải vì sao quá trình cải cách của chúng ta còn chậm, do thiết kế, hay do quá trình thực thi...
"Hiện nay, Việt Nam là nước chuyển đổi. Thế nhưng, chúng ta cũng đang đi cùng thế giới, nên chúng ta có thể bắt kịp, thậm chí đi trước thế giới, cụ thể về thể chế, chúng ta có thể sáng tạo vượt trước", ông Thành đưa quan điểm.
Sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường như một công cụ để phát triển
Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. "Để thực hiện khát vọng này đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất hơn nữa nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường nhằm giải phóng, huy động được các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển", TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Nhìn lại 35 năm Đổi mới, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, đó là: (i) Đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng để đưa Việt Nam chuyển sang một “nấc thang” mới trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế; (ii) Quyết tâm chính trị, kế thừa và phát triển của các thế hệ lãnh đạo qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước để đảm bảo sự nhất quán, xuyên suốt con đường phát triển nền kinh tế Việt Nam; (iii) Phát triển sở hữu tư nhân là nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường; thừa nhận và phát triển sở hữu tư nhân, phát triển kinh tế nhiều thành phần để thúc đẩy cạnh tranh thị trường, để cơ chế thị trường vận hành đúng nghĩa hơn; (iv) Chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và cơ chế giám sát, đánh giá quyết định mức độ thành công của quá trình chuyển đổi nền kinh tế và (v) Chuyển đổi nền kinh tế phải được tiến hành đồng bộ, nhưng có lộ trình phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. |
Để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần tập trung vào các nội dung: (i) Tiếp tục đổi mới tư duy và định hình rõ hơn về mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, làm rõ các nội hàm cốt yếu và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng XHCN; (ii) Tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; (iii) Tập trung cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt kinh tế tư nhân; (iv) Tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; (v) Đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự; và (vi) Đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái.
Mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được hình thành và phát triển trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút từ lý luận và thực tiễn phát triển các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam.
“Kinh tế thị trường là con đường đi đến thịnh vượng mà các quốc gia thành công đã trải qua khi tận dụng được các ưu thế của kinh tế thị trường. Xây dựng và hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là tạo ra một mô hình kinh tế thị trường hoàn toàn mới, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường như một công cụ để phát triển. Định hướng XHCN thể hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng để các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo hướng đạt được các mục tiêu phát triển, không chỉ mục tiêu kinh tế mà bao hàm các mục tiêu xã hội, môi trường, sinh thái, không chỉ cho thế hệ hiện tại, mà còn hướng đến thế hệ tương lai”, bà Luyến nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh cho rằng, để Việt Nam hoàn thiện được nền kinh tế thị trường, cần lưu ý tới các vấn đề về hội nhập quốc tế và khu vực; vấn đề về tăng trưởng.
Ông cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không chỉ quan tâm tới kinh tế, mà còn phải lưu ý đến các vấn đề xã hội và môi trường. "Cần lưu ý cả 3 điều kiện này để có được nền kinh tế thị trường đầy đủ", ông Dennis Quennet nói.
Ông cho rằng, báo cáo không chỉ phân tích hiện trạng kinh tế Việt Nam, mà cần phải phân tích cả các dự đoán trong tương lai. Cần lưu ý tới các vấn đề khả năng chống chịu của nền kinh tế, khả năng chống chịu với các cú sốc để có kế hoạch ứng phó.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất những giải pháp cần lưu ý tới những vấn đề lớn: bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền hợp đồng… hiện đang chưa thực hiện tốt.
Cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, nhũng nhiễu. Sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phụ thuộc vào sự công khai minh bạch.
Cần đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro. Chúng tôi cho rằng các văn bản pháp luật trong thời gian tới cần tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy định. Hiện nay vẫn nhìn nhận theo góc độ ngành, mà chưa tính toán đầy đủ chi phí lợi ích. Chưa có cơ quan đánh giá, phân tích đầy đủ các chi phí. Thời gian tới cần có thiết kết trung gian, để vượt qua những lợi ích ngành.
Cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường: thanh tra, kiểm tra, quản lý bằng rủi ro. Đâu đó vẫn còn những cách hành xử rất hoang dã.
"Chúng ta cần lưu ý tới việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả. Cải cách tư pháp dường như đang chậm hơn các ngành", ông Tuấn nêu quan điểm./.
Bình luận