Cần làm rõ tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý, sử dụng tài sản công

Chiều ngày 8/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính để cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất, lần đầu tiên được ban hành tại Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Qua 6 năm triển khai, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng: Quy mô tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác tăng lên đáng kể, dần trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, luật này cũng bộc lộ hạn chế là cơ chế quản lý tài sản công còn phân tán, được điều chỉnh bởi các luật khác nhau (như tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai…); quy trình đầu tư, mua sắm tài sản công bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp còn thấp; việc quản lý và sử dụng tài sản công không đồng bộ với cơ chế tài chính.

Thêm vào đó, Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu tiên hiến định về “tài sản công” là: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp và thay thế luật cũ.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ tên gọi của dự án luật và phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, ngoài tài sản công là tài nguyên thiên nhiên thì phải làm rõ tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý hay bàn giao cho đơn vị sự nghiệp thì được xác định là gì? Trên thực tế, Nhà nước không có chủ trương tạo tài sản để cho thuê nhưng hầu hết các đơn vị sử dụng tài sản công như mặt bằng đất đai,… để cho thuê nhưng ngân sách nhà nước không thu được mà vào quỹ riêng của đơn vị đó.

Với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phải xác định rõ được quyền và trách nhiệm của các cấp theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các địa phương nhằm hoàn thiện dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngân hàng Commonwealth Australia mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman và ông Ian Narev, Tổng Giám đốc Ngân hàng Commonwealth Australia (CBA).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn nhà đầu tư của quốc gia này tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Trong 5 tháng đầu năm 2016, vốn đầu gián tiếp vào Việt Nam tăng gấp 6 lần. Vốn đầu tư trực tiếp FDI đã đạt 10,4 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, vốn của nhà đầu tư Australia còn rất khiêm tốn.

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ kinh tế, đặt biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống tài chính ngân hàng và nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Australia tới tìm hiểu và hợp tác đầu tư.

Về hệ thống ngân hàng, Việt Nam đang tăng cường xử lý nợ xấu và xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém. Việt Nam luôn mở ra khả năng kêu gọi các ngân hàng lớn trong đó có CBA tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn Australia hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung khổ thể chế pháp lý cũng như kinh nghiệm về mô hình đối tác công tư (PPP). Đặc biệt, với vai trò là một trong bốn ngân hàng lớn nhất của Australia, có trên 100 năm kinh nghiệm hoạt động trong các dịch vụ tài chính như bán lẻ, đầu tư và dịch vụ môi giới, quản lý quỹ, bảo hiểm, Phó Thủ tướng mong rằng CBA tiếp tục hợp tác đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc CBA hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam VIB với tỷ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ cũng như những hỗ trợ của CBA đối với VIB trong lĩnh vực kỹ thuật, quản trị.

Cảm ơn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành thời gian đón tiếp, cho biết đây là cuộc gặp gỡ chính thức cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Đại sứ Hugh Borrowman khẳng định trong 5 năm tới, Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển. Còn ông Ian Narev, Tổng Giám đốc Ngân hàng CBA thì mong muốn đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, thông qua sự hợp tác sâu rộng hơn nữa với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam./.